LSO-Đang vào chính vụ các mặt hàng như chuối, thanh long, vải, chôm chôm, mít, nhãn… nhưng lượng hàng xuất tại cửa khẩu Tân Thanh vẫn đều như các năm trước. Đặc biệt, lượng hàng xuất theo tiểu ngạch ở cửa khẩu Tân Thanh cũng như một số cửa khẩu khác trên địa bàn vẫn chiếm lượng lớn, và đây được coi là cách làm sẽ gặp nhiều rủi ro. Câu chuyện rủi ro trong xuất khẩu hoa quả theo tiểu ngạch đã có từ nhiều năm qua, và rất nhiều bài học nhãn tiền đã có, nhưng các tư thương của Việt Nam vẫn chưa rút ra được bài học kinh nghiệm cho mình.Những chiếc xe tải chở nông sản phủ kín bạt đang đợi lệnh xuất hàngMột ngày trung tuần tháng 7, chúng tôi có mặt tại cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng. Tại thời điểm này, tuy không còn xuất hiện cảnh tượng từng đoàn xe container xếp hàng dài cả vài cây số, chờ tới lượt làm thủ tục xuất hàng sang nước bạn Trung Quốc, nhưng trong bến đậu kiểm hàng, cả trăm chiếc xe tải chở nông sản phủ kín bạt đang đợi...
LSO-Đang vào chính vụ các mặt hàng như chuối, thanh long, vải, chôm chôm, mít, nhãn… nhưng lượng hàng xuất tại cửa khẩu Tân Thanh vẫn đều như các năm trước. Đặc biệt, lượng hàng xuất theo tiểu ngạch ở cửa khẩu Tân Thanh cũng như một số cửa khẩu khác trên địa bàn vẫn chiếm lượng lớn, và đây được coi là cách làm sẽ gặp nhiều rủi ro. Câu chuyện rủi ro trong xuất khẩu hoa quả theo tiểu ngạch đã có từ nhiều năm qua, và rất nhiều bài học nhãn tiền đã có, nhưng các tư thương của Việt Nam vẫn chưa rút ra được bài học kinh nghiệm cho mình.
|
Những chiếc xe tải chở nông sản phủ kín bạt đang đợi lệnh xuất hàng |
Một ngày trung tuần tháng 7, chúng tôi có mặt tại cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng. Tại thời điểm này, tuy không còn xuất hiện cảnh tượng từng đoàn xe container xếp hàng dài cả vài cây số, chờ tới lượt làm thủ tục xuất hàng sang nước bạn Trung Quốc, nhưng trong bến đậu kiểm hàng, cả trăm chiếc xe tải chở nông sản phủ kín bạt đang đợi lệnh xuất phát. Theo tìm hiểu, cửa khẩu Tân Thanh vẫn nổi tiếng là cửa khẩu có lượng hàng xuất chiếm tới trên 85% là hàng nông sản. Trong số này, cũng chiếm tới gần 90% là hàng xuất biên mậu.
Ông Trần Mạnh Tiến, một tư thương 51 tuổi, quê ở Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang cho hay, ông làm nghề thu mua vải thiều rồi xuất qua Trung Quốc, đến nay đã được tròn 12 năm. Với ông, công việc này gặp lợi hơn rất nhiều dân lái vải khác về cả nguồn hàng cũng như giá cả, nhưng năm nào cũng thế, buôn bán mà cứ lo ngay ngáy. Ông kể cứ hai hoặc ba ngày, ông lại thu gom từ 10 đến 15 tấn vải, sau đó vải thiều được chất trên xe thùng vận chuyển lên Tân Thanh rồi làm các thủ tục đưa qua khu chợ Pò Chài. Tại chợ Pò Chài, một loạt tư thương Trung Quốc mới tìm tới để mua hàng. Ông Tiến ví nôm na, buôn bán xuất khẩu bên chợ Pò Chài cũng không khác là bao so với dân mình buôn bán tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên (Hà Nội) và tư thương Trung Quốc thì “khái tính không ai bằng”, họ nhảy lên từng thùng xe tải để chọn cho được từng thùng, từng kiện theo ý mình. Cứ thế, giá từng ki-lô-gam vải thiều sẽ bị rớt tới thê thảm, tới 5.000 đồng/kg. Lắm hôm, giá mỗi ki-lô-gam vải được tư thương Trung Quốc trả với giá ngang bằng giá tại nơi thu mua. Những chuyến như thế, cầm chắc lỗ, nhưng vẫn phải bán. Vì nếu đánh ngược về lỗ còn nặng hơn, bởi nào là tắc đường sẽ đội giá chi phí, vải hỏng nhiều…
Trong những đợt công tác trước đây, khi hàng nông sản ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh, theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ hàng vải thiều mùa này, mà cả dưa hấu, nhãn, thanh long…, hầu hết các xe chở nông sản không có giấy chứng nhận xuất xứ, không hợp đồng mua bán…, đều sẽ gặp bất lợi khi giao thương với tư thương nước bạn. Nghĩa là, sang tới chợ Pò Chài mới tìm mối bán hàng, nên cả đoàn xe bắt buộc phải “neo” trong bãi xe và càng chờ đợi hàng càng mất giá. Anh Vũ Tiến Thanh, một thương lái thu mua thanh long xuất khẩu, quê Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho hay, anh cùng tài xế container ăn nằm tại đây tới bữa nay là ngày thứ hai rồi mà liên lạc với lái thương Trung Quốc họ vẫn bảo phải chờ, vì chưa bán hết hàng. Anh Thanh cho biết thêm, sở dĩ anh cố nán lại đợi để bán cho mối từng mua thanh long của anh, bởi mối này còn nợ anh tiền. Vài ba chuyến đầu họ tính giá và thanh toán tiền ngay sau khi cân thanh long. Tới các chuyến tiếp theo, phía thương lái Trung Quốc nói rằng, buôn bán lâu dài nên tin nhau và cho nợ gối tới chuyến sau sẽ trả. Và chuyến sau họ lại viện cớ hàng bị hư hỏng nhiều nên khi trả tiền đã bớt đầu, bớt đuôi”. Thêm nữa, thương lái Trung Quốc nhiều khi còn đặt ra những điều kiện hết sức khó hiểu như chỉ nhận ký hàng, tiền hàng sẽ thanh toán sau, đồng ý như thế thì bán, bằng không đánh xe về. Và như thế, nhiều chủ hàng không biết tìm con nợ nơi đâu. Cũng theo anh Thanh, hiện ở huyện anh, lượng người buôn bán thanh long bị kê biên, định giá, phát mãi tài sản do buôn bán thanh long qua Trung Quốc bị xù nợ, dẫn tới không có tiền hoàn trả ngân hàng.
Vừa qua, tại hội nghị tăng cường dịch vụ thương mại biên giới được tổ chức tại Lạng Sơn, trong các báo cáo về tình hình thương mại Việt – Trung, Bộ Công Thương nêu: xuất khẩu theo hình thức biên mậu (tiểu ngạch) có vai trò quan trọng trong việc tăng cường xuất khẩu nhiều mặt hàng, tháo gỡ khó khăn cho những mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu nhưng chất lượng chưa cao. Và qua con đường biên mậu, việc nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào cần thiết cho sản xuất cũng diễn ra sôi động. Theo thống kê, trong giai đoạn vừa qua, hoạt động thương mại biên giới qua các tỉnh biên giới Việt – Trung không ngừng tăng về giá trị tuyệt đối, bình quân mỗi năm trên 40%. Sở dĩ kênh mua, bán này phát triển với tốc độ nhanh như vậy chủ yếu là do thói quen, tập quán buôn bán của doanh nghiệp hai nước nhiều năm qua. Hơn nữa, hình thức giao thương nơi cửa khẩu có những cách làm dễ dàng hơn xuất qua đường chính ngạch vì thủ tục đơn giản, chỉ cần khai báo hải quan. Đồng thời, cách mua, bán này ít chịu các hình thức kiểm dịch khắt khe nên chi phí thấp, hoặc chỉ chịu các loại phí biên mậu.
Vậy là, theo thói quen, và trên hết là vì một số những điểm thuận lợi, chi phí của doanh nghiệp Việt Nam ít hơn. Nhưng nhìn một cách toàn cục, xuất theo con đường tiểu ngạch, hàng hóa chất lượng thế nào cũng thường bị đánh đồng, bị ép giá, thậm chí bán lỗ. Do mua, bán không có hợp đồng, hàng hóa mang lên tới cửa khẩu mới tìm khách để bán nên doanh nghiệp trong nước thường gặp nhiều rủi ro, như trường hợp dưa hấu bị ứ đọng ở Tân Thanh xảy ra liên tục trong những năm gần đây. Theo ghi nhận của phóng viên, các tư thương hầu hết vẫn xuất theo đường tiểu ngạch, họ chấp nhận những rủi ro vốn có của hình thức giao thương này, và câu chuyện ép giá vẫn là vấn đề nan giải.
Trí Dũng
Ý kiến ()