Xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn tăng trước nhiều thách thức
Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng cá tra và tôm đạt khoảng 2,8 tỷ USD.
Đối diện với những biến động lớn của thế giới như căng thẳng giữa Nga-Ukraine; sự tăng giá không ngừng của xăng dầu, vận chuyển logictics và gần đây nhất là Thành phố Hồ Chí Minh thu phí hạ tầng cảng biển… nhưng ngành thủy sản Việt Nam vẫn nỗ lực không ngừng để phát triển, tìm cơ hội trong những tình huống nguy khó.
Tăng trưởng trong khó khăn
Sau gần 2 năm khó khăn vì dịch COVID-19, nhu cầu tại các thị trường hồi phục và bùng nổ mạnh, nguồn cung không đủ đáp ứng, lạm phát cũng gia tăng.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine càng làm cho nguồn cung thủy sản toàn cầu thêm bất ổn, nhất là sản phẩm cá thịt trắng. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã chớp được những cơ hội vàng để gia tăng xuất khẩu và chốt được những hợp đồng giá cao hơn nhiều so với năm 2021.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng cá tra và tôm đạt khoảng 2,8 tỷ USD.
Để có được kết quả này, các doanh nghiệp chế biến và suất khẩu thủy sản đã tận dụng nhiều lợi thế từ sự lạm phát cao của thị trường Mỹ, chính sách Zero COVID tại thị trường Trung Quốc, sự phục hồi mạnh mẽ tại thị trường châu Âu…
Đáng chú ý, tại thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm, cá tra và các mặt hàng chủ lực khác đều ghi nhận tăng trưởng cao vọt so với năm 2021, nhất là mặt hàng cá tra. Sản lượng cá da trơn của Mỹ giảm, lạm phát cao, thuế chống bán phá giá giai đoạn POR17 có lợi cho nhiều doanh nghiệp cá tra. Số doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu sang Mỹ tăng, giá xuất khẩu cá tra trung bình sang Mỹ đạt đỉnh mới.
Còn tại thị trường Trung Quốc, nhờ nhu cầu gia tăng nên vẫn thu hút nhiều doanh nghiệp Việt Nam bất chấp thách thức trên để xuất khẩu sang thị trường này. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đến cuối tháng 5/2022 ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ. Riêng mặt hàng cá tra chiếm 53% xuất khẩu thủy sản.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP chia sẻ, trong năm 2022, ngành thủy sản đề ra mục tiêu đạt gần 9 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu. Để đạt mục tiêu này, các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ quy định bắt buộc của thị trường cũng như đáp ứng mọi nhu cầu bổ sung đối với những thị trường riêng lẻ trong khối, dán nhãn chính xác sản phẩm.
Đồng thời, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội gia tăng thị phần cá tra trước sự thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng tại các quốc gia châu Âu, nghiên cứu khả năng vận dụng tốt lợi thế của Hiệp định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu. Thời gian tới, còn nhiều dư địa để phát triển nên cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm để giữ uy tín thương hiệu thủy sản Việt chung trong khối.
Hiện các doanh nghiệp thủy sản đang gặp khó khăn khi Thành phố Hồ Chí Minh thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa và quy định kiểm dịch hàng thủy sản đông lạnh đối với những nguyên liệu nhập khẩu dùng làm thực phẩm chế biến xuất khẩu… Đó là chưa kể nhưng khó khăn khách quan còn tồn đọng chưa thể xử lý.
Do đó, doanh nghiệp cần có hướng dẫn sát sao hơn từ cơ quan có thẩm quyền và tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần bám sát tình hình kinh tế, chính trị và đại dịch COVID-19 để có những dự đoán và giải pháp thích ứng, kịp thời, linh hoạt.
Đồng loạt tăng tốc
Với nỗ lực không ngừng, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã vượt qua những khó khăn trước mắt, từ việc tính toán chi phí vận chuyển logictics, chi phí đầu vào tăng cao do biến động xăng dầu liên tục trong hơn nửa năm qua, hầu hết đều đồng là tăng tốc để đạt được chỉ tiêu đã đề ra ngay từ đầu năm 2022.
Điển hình như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang, sau quý I/2022 hồi sinh mạnh mẽ. Mới đây, Công ty này đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh 2022 với chỉ tiêu đồng loạt tăng tốc. Theo đó, doanh thu thuần dự kiến đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 20% và lãi trước thuế đạt 200 tỷ đồng, gấp bốn lần năm trước.
Tương tự, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) hay Vĩnh Hoàn cũng lên kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số. Báo cáo sơ bộ hai tháng đầu năm của các doanh nghiệp này cũng chỉ ra nhiều mảng màu tích cực.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho biết, hiện công suất của các nhà máy đã trở lại như trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Bên cạnh đó, công ty chưa nhìn thấy có bất kỳ nguy cơ rủi ro nào khiến hoạt động sản xuất bị ngưng trệ do tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 tại các nhà máy khá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội về thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng gặp một số thách thức. Hiện giá cước vận tải biển ở nhiều tuyến còn cao hơn mức đỉnh của năm ngoái và dự kiến còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Việc đặt được chỗ trên tàu để xuất khẩu hàng hiện nay là đáng lo nhất. Các hãng tàu cho biết là đang thiếu container, thiếu chỗ trên tàu. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến những nỗ lực của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện nay.
Theo ông Trương Đình Hòe, hơn 85% lượng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp hiện nay phụ thuộc vào các cảng Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu, lượng còn lại đi qua cửa khẩu miền Bắc và miền Trung.
Theo tính toán của doanh nghiệp thủy sản, một năm họ thực hiện khoảng 120.000 tờ khai hải quan xuất khẩu. Với số lượng hàng thủy sản xuất khẩu lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh khâu hậu cần, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là chi phí vận chuyển hàng xuất khẩu.
Ngoài chi phí logictics, doanh nghiệp mong muốn có giải pháp hữu hiệu để giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến cảng xuất khẩu. Hàng thủy sản hầu hết là đông lạnh, việc vận chuyển phải đảm bảo thời gian, có được hóa đơn xuất khẩu nhanh chóng. Nếu có được hệ thống cảng tốt, đón được tàu container sẽ giúp giảm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản của các thị trường đang rất cao, doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng. Do đó, ngành nông nghiệp đang chỉ đạo các địa phương phải giữ được nguồn cung nguyên liệu thủy sản cho chế biến, xuất khẩu trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Nhờ lợi thế là có sản lượng khai thác và nuôi trồng rất lớn, khi các thị trường thiếu hụt nguồn cung thì Việt Nam hoàn toàn chủ động hàng hóa để xuất khẩu, nhất là vào thị trường châu Âu, Mỹ và Nga. Về phía chi phí logictics, Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải cũng đã nhiều lần đàm phán với các đơn vị vận tải nhưng chưa thể gỡ nút thắt này trước biến động giá xăng dầu toàn cầu hiện nay./.
Ý kiến ()