Xuất khẩu tăng tốt nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực
Tăng trưởng tốt
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước 3 tháng đầu năm 2017 đạt gần 44,64 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2016. So với mức tăng dưới 10% của năm 2016 thì đây là con số tương đối tốt.
Tốc độ tăng trưởng 15,1% trong quý I/2017 so với cùng kỳ 2016 là nhờ có sự đóng góp của tất cả các nhóm hàng.
Cụ thể, nhóm nhiên liệu khoáng sản ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng tới 43,5%, tương đương tăng 318 triệu USD so với cùng kỳ. Mức tăng này chủ yếu do tác động của yếu tố giá: Giá than đá tăng 46%, xăng dầu tăng 64%, khí đốt hóa lỏng tăng 42%…, đặc biệt dầu thô mặc dù giảm tới 14,2% về lượng xuất khẩu nhưng vẫn tăng tới 30,5% về giá trị do giá tăng 50,4%.
Nhóm nông, lâm, thủy sản tiếp tục phục hồi và đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu, đạt 5,46 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hầu hết các mặt hàng đều có sự tăng trưởng cao, ví dụ cao su tăng 90,7%, cà phê tăng 27,5%, rau quả tăng gần 30%…
Tuy nhiên, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, có 3 mặt hàng sụt giảm về kim ngạch là gạo, hạt tiêu và sắn. Trong đó, mặt hàng gạo sụt giảm giảm 23,3% chủ yếu do lượng xuất khẩu giảm (23,9%) do áp lực cạnh tranh và hàng rào kiểm dịch chất lượng của một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Malaysia, Ghana, Hongkong (Trung Quốc).
Trong khi đó, nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu là công nghiệp chế biến cũng vẫn tăng đều, ước đạt 35,08 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực (trung bình trên 1 tỷ USD/tháng) đều tăng cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử tăng 42,3%; máy móc, thiết bị phụ tùng tăng 34,6%; dệt may tăng 10,3%.
Điều đáng mừng là kim ngạch xuất khẩu của khối các DN trong nước tăng trưởng khoảng 12%, DN FDI là 13%.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận xét, nếu so với năm ngoái, khi các DN trong nước tăng trưởng dưới 1% và thấp hơn khá nhiều so với tăng trưởng của khối các DN FDI (trên 5%) thì việc các DN trong nước có mức tăng trưởng xuất khẩu lên đến 12%, gần cân bằng với các DN FDI là kết quả đáng ghi nhận.
Không chủ quan
Nhận xét về tình hình xuất khẩu 3 tháng đầu năm, ông Lê Quốc Phương cho hay, nhờ vào những yếu tố như giá tăng, nhu cầu các nước nhập khẩu tăng và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký và đi vào thực thi bắt đầu phát huy hiệu lực đã tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu thời gian qua. Riêng về yếu tố giá, hầu hết các mặt hàng đều tăng tốt.
Ví dụ, nhờ yếu tố giá, nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản tăng 318 triệu USD so với cùng kỳ. Còn với nhóm hàng nông lâm thủy sản, giá tăng là lí do chủ yếu của gia tăng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các mặt hàng thuộc nhóm này, thậm chí đối với một số mặt hàng có sự sụt giảm về lượng như hạt điều, sắn và cà phê.
Mặt khác, ông Phương cũng phân tích thêm, trong quý I, việc các DN đẩy mạnh nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ sản xuất như xăng dầu, ngô, cao su, bông, sắt thép… là tiền đề để dự báo xuất khẩu có khả năng tăng trưởng tích cực trong các tháng tiếp theo. Hơn nữa, theo chu kỳ, thông thường xuất khẩu nông, thủy sản đều giảm vào đầu năm, tăng vào giữa năm và đạt đỉnh vào thời điểm cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa quý II.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan trên thì ông Phương cũng cho rằng yếu tố thị trường cũng sẽ có tác động 2 chiều đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tiếp theo. Bởi, trên thực tế, xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc khá lớn vào thị trường thế giới, chỉ cần nhu cầu thế giới sụt giảm là lập tức xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng. Xuất khẩu khó khăn trong mấy năm vừa qua là một bằng chứng cho điều này.
“Xuất khẩu trong quý II còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá có duy trì được như thời gian qua hay không; thị trường xuất khẩu chính có đặt ra rào cản kỹ thuật không vì khi có sự gia tăng đột biến về xuất khẩu, các nước thường dựng rào cản để bảo vệ sản xuất trong nước”, ông Lê Quốc Phương nhận định.
Không chủ quan trước những tín hiệu tốt của 3 tháng vừa qua, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục đưa ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn như tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu; chú trọng các biện pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản thị trường, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam thâm nhập các thị trường mới.
Bộ Công Thương sẽ làm việc với các cơ quan liên quan của các nước nhập khẩu để đẩy nhanh tốc độ xem xét các báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại và quy định kiểm dịch thực vật (PRA) và cấp phép nhập khẩu chính thức cho một số nông sản của Việt Nam vào các thị trường trong năm 2017 như xoài, vú sữa, măng cụt, bưởi da xanh, na, chanh leo, roi, dừa, chôm chôm…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu thời gian tới, cần đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, thị trường xuất khẩu để tránh tình trạng phụ thuộc vào một số mặt hàng chính, một số thị trường xuất khẩu chủ lực.
Ý kiến ()