Xuất khẩu rau quả sang EU: Tận dụng “lực đẩy” từ EVFTA
Sau hơn một năm có hiệu lực (1/8/2020), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã giúp hàng hóa Việt nói chung và rau quả Việt nói riêng hiện diện tốt hơn ở thị trường EU.
Chinh phục thị trường
Niên vụ 2021, hàng tấn vải Bắc Giang đã được xuất khẩu qua châu Âu thông qua nền tảng thương mại điện tử Vỏ Sò của Viettel Post. Điểm đáng mừng là không chỉ trái vải Việt Nam chính thức đánh dấu vị trí ở trời Âu mà chính là lần đầu tiên nông sản Việt được xuất khẩu xuyên biên giới thông qua hình thức thương mại điện tử.
Bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc chiến lược Tổng công ty Cổ phần Viettel Post cho biết, mặc dù mới chỉ bán 1.200 đơn hàng tại thị trường này, nhưng đây cũng là con số lớn, mở ra con đường đi mới.
“Đừng chỉ nhìn vào giá trị của một đơn hàng mà phải nhìn vào lợi nhuận lâu dài. Bởi, việc mở cửa thị trường EU về lâu dài không chỉ mang lại lợi ích cho sàn thương mại điện tử và chính người bán. Đồng thời, kích thích họ thay đổi hành vi về nâng cao chất lượng và bao bì sản phẩm để chinh phục được nhiều hơn các thị trường”, bà Cao Cẩm Linh chia sẻ.
Trái vải là một trong những loại trái cây đã chinh phục thành công thị trường EU ngay năm đầu tiên được hưởng lợi lớn nhờ EVFTA được thực thi. Theo Bộ Công thương, EU là thị trường nhập khẩu rau quả có quy mô lớn nhất thế giới, trị giá 35 tỷ euro/năm, chiếm 45% giá trị thương mại rau, quả toàn cầu.
Các nước EU đang phục hồi rất mạnh mẽ sau giai đoạn phong tỏa, nhu cầu tiêu thụ với mặt hàng này tăng nhanh và mạnh. Tiềm năng của trái cây, rau quả Việt Nam tại EU tương đối lớn khi lượng rau, quả nhập khẩu từ Việt Nam của EU rất nhỏ, chưa đến 1% nhu cầu, do đó Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường EU.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Việt Nam là nước đang phát triển duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với EU. Sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất một số loại rau, quả của Việt Nam vào EU được giảm về 0%, đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so các nước khác trong khu vực.
Thực tế, có EVFTA, 94% dòng thuế rau, củ, quả của Việt Nam xuất khẩu sang EU được cắt giảm, trong đó 86% số dòng thuế cắt giảm ngay khi hiệp định có hiệu lực. Điều này tạo ra lợi thế về thuế rất lớn của Việt Nam kể cả so một số nước đang hưởng GSP của EU. Việt Nam cũng được hưởng lợi xuất xứ từ EVFTA đối với một số sản phẩm chế biến. Thí dụ, sản phẩm có chứa đường thì EU áp dụng quy định 20% đường không có xuất xứ từ Việt Nam.
Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm rau, quả mới lạ có dinh dưỡng cao của EU từ khu vực nhiệt đới rất lớn và có tốc độ tăng trưởng cao. Trong khi đó, chất lượng rau, củ, quả của Việt Nam ngày một được nâng cao, có khả năng thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU. Các doanh nghiệp trong nước đã năng động, kết nối xuất khẩu sang thị trường EU. Đơn cử, năm 2021, có một số sản phẩm như nhãn, vải, mít, xoài tươi vào được khối tây của Bắc Âu, đây là bước tiến quan trọng trong xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang EU.
Mặt khác, với mặt hàng rau, củ, quả, EU quy định hậu kiểm, cấp mã số vùng trồng, cấp mã cơ sở đóng gói, cấp mã cơ sở chế biến để xét nghiệm và cử chuyên gia giám sát từng lô hàng. Đây là một lợi thế đối với việc xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Chung tay thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang EU
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh xuất khẩu rau, củ, quả Việt Nam sang thị trường EU là không dễ, ngay cả khi EVFTA đang tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho hàng Việt.
Đầu tiên, Việt Nam chưa có vùng trồng đủ lớn bảo đảm chất lượng, nguồn cung ổn định cho xuất khẩu sang EU. Các doanh nghiệp được chứng nhận quốc tế, chứng nhận đạt tiêu chuẩn vào EU còn ít. Công nghệ bảo quản, chế biến còn hạn chế, bao bì nhãn mác đóng gói thiết kế chưa thực sự phù hợp thị hiếu của người EU.
Ngoài ra, chi phí cho vận chuyển quá cao, ảnh hưởng tới giá thành phân phối sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của các nước khác tại thị trường EU. Còn thiếu chương trình xúc tiến thương mại, tuyên truyền quảng bá thương hiệu và các công cụ hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu vào EU.
Từ kinh nghiệm thực tế nhiều năm xuất khẩu rau, quả sang thị trường EU, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group bày tỏ, EU không có đại diện kiểm dịch tại Việt Nam để kiểm tra lô hàng trước khi xuất khẩu, điều này tưởng thuận lợi nhưng cực kỳ rủi ro với doanh nghiệp. Khi hàng hóa sang tới EU không vượt qua được hàng rào kỹ thuật khắt khe buộc phải quay về chi phí doanh nghiệp phải chịu là rất lớn.
“Cùng đó, doanh nghiệp hằng năm phải mất một khoản chi phí không nhỏ và thời gian để duy trì và chứng nhận tiêu chuẩn cho nhiều vùng trồng theo quy định của EU do chúng ta không có được một vùng nguyên liệu đủ lớn”, lãnh đạo Công ty Vina T&T Group nhấn mạnh.
Bà Cao Cẩm Linh cũng cho hay, trước đó, Viettel Post đã ấp ủ sàn thương mại xuyên biên giới từ lâu nhưng đã thất bại 2 lần vì không đạt đủ tiêu chuẩn mà nước bạn yêu cầu.
“Sản phẩm khó nhất là sản phẩm nông nghiệp, nếu như chúng ra có thể đạt được tiêu chuẩn đối với các sản phẩm nông nghiệp thì các mặt hàng khác từ bách hóa, tiêu dùng đều có cơ hội nếu như có hướng dẫn từ các bộ, ban, ngành. Tuy nhiên, nguồn lực từ bộ, ban, ngành hiện nay chưa đủ, vẫn chưa thể hỗ trợ cho từng hộ dân sản xuất, từng hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ”, bà Cao Cẩm Linh đánh giá.
“Cần phải có sự hướng dẫn ngay từ những bước đầu tiên khi họ manh nha muốn kinh doanh ở nước ngoài. Tôi đang nhìn bức tranh thực tế là chúng ta không biết tiếp cận các thông tin từ đâu. Chúng ta có thể truyền thông, hướng dẫn, gia tăng sự đào tạo, huấn luyện một cách cụ thể và có thể cho họ tiếp cận với các doanh nghiệp”, bà Linh nhấn mạnh.
Với những khó khăn đã trải qua, ông Nguyễn Đình Tùng đề nghị, các bộ, ngành cùng bắt tay doanh nghiệp tạo vùng nguyên liệu đủ lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi xuất khẩu vào EU. Về phía doanh nghiệp, cần lưu ý các luật và quy định của EU, mỗi loại sản phẩm và đối tượng khách hàng lại có quy định và yêu cầu riêng. Doanh nghiệp cũng cần chứng nhận đầy đủ về trách nhiệm xã hội, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhà máy chế biến.
Nhìn về dài hạn, để rau quả Việt Nam “chắc chân” tại thị trường EU, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho rằng, nên xây dựng chiến lược quốc gia cho ít nhất 3 sản phẩm. Từ 3 sản phẩm này chế biến thành đa dạng sản phẩm. Đối với thị trường EU, hiện nay, việc hỗ trợ truyền thông với sản phẩm xuất khẩu tươi rất tốt nhưng sản phẩm đã qua chế biến còn hạn chế.
“Trong thời điểm xuất khẩu chững lại do vận chuyển khó khăn, Chánh Thu đã chuyển từ xuất khẩu sản phẩm tươi sang sản phẩm chế biến, đông lạnh và đạt hiệu quả bất ngờ”, đại diện Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu nói.
Ngoài ra, để tạo uy tín và huy động sức mạnh tổng hợp, các doanh nghiệp liên kết, thành lập hiệp hội xuất khẩu rau, quả sang EU và cùng lựa chọn ra sản phẩm đủ năng lực xuất khẩu dài hạn, dần tạo thương hiệu sản phẩm “Made in Việt Nam” tại thị trường EU.
Theo Nhandan
Ý kiến ()