Xuất khẩu nông sản - lợi thế An Giang
Nông dân huyện Chợ Mới chăm sóc rau xanh. Thời gian qua, nhiều loại rau quả của An Giang đã có chỗ đứng trên thị trường ngoài nước, nhất là thị trường Cam-pu-chia. Tuy nhiên, việc xuất khẩu mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu qua đường tiểu ngạch, lợi nhuận mang lại không cao. Thực tế đang đòi hỏi cần nhanh chóng hình thành chợ đầu mối nông sản xuất khẩu sang thị trường Cam-pu-chia."Vương quốc hoa màu"Ngoài cây lúa và con cá tra xuất khẩu, An Giang là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về lượng rau màu cung ứng cho thị trường khu vực. Với lợi thế là tỉnh có nhiều cồn nổi, bãi bồi phù sa... rất phù hợp phát triển rau màu, trong đó huyện Chợ Mới được xem là "vương quốc hoa màu" của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với sản lượng hàng chục đến cả trăm tấn/ngày bán ra thị trường.Với hệ thống đê bao khép kín, huyện cù lao Chợ Mới từ lâu đã phát huy rất tốt lợi thế cồn bãi và hệ thống đê bao vững chắc để phát triển rau...
Nông dân huyện Chợ Mới chăm sóc rau xanh. |
Thời gian qua, nhiều loại rau quả của An Giang đã có chỗ đứng trên thị trường ngoài nước, nhất là thị trường Cam-pu-chia. Tuy nhiên, việc xuất khẩu mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu qua đường tiểu ngạch, lợi nhuận mang lại không cao. Thực tế đang đòi hỏi cần nhanh chóng hình thành chợ đầu mối nông sản xuất khẩu sang thị trường Cam-pu-chia.
“Vương quốc hoa màu”
Ngoài cây lúa và con cá tra xuất khẩu, An Giang là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về lượng rau màu cung ứng cho thị trường khu vực. Với lợi thế là tỉnh có nhiều cồn nổi, bãi bồi phù sa… rất phù hợp phát triển rau màu, trong đó huyện Chợ Mới được xem là “vương quốc hoa màu” của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với sản lượng hàng chục đến cả trăm tấn/ngày bán ra thị trường.
Với hệ thống đê bao khép kín, huyện cù lao Chợ Mới từ lâu đã phát huy rất tốt lợi thế cồn bãi và hệ thống đê bao vững chắc để phát triển rau màu quanh năm. Theo ngành nông nghiệp huyện, Chợ Mới hiện có diện tích trồng màu hơn 30.200 ha, bình quân mỗi ha cho thu nhập gần 800 triệu đồng/năm, lãi ròng ước hơn 280 triệu đồng/năm/ha. Anh Nguyễn Thanh Sang (ngụ ấp Hòa Thượng, xã Kiến An, huyện Chợ Mới), một nông dân đã nhiều năm gắn bó với cây màu cho biết: Rau màu phát triển quanh năm với mức quay vòng đất từ bốn đến năm vụ/năm, tùy vào từng loại rau màu như hành, hẹ, ngò, cải xanh, ớt… Với việc quay vòng đất nhiều cộng với kinh nghiệm phát triển rau màu trong vùng hơn mười năm qua, cho nên rau màu ở đây rất phát triển. Theo Hội Nông dân huyện Chợ Mới, hội đã vận động bà con xây dựng các tổ liên kết sản xuất rau, dưa ở các vùng chuyên canh nhằm giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả cao. Trong đó, tổ sản xuất rau an toàn ở xã Kiến An với 130 thành viên và năm tổ hợp tác sản xuất là một điển hình. Bên cạnh Kiến An, các xã Kiến Thành, Long Điền A, thị trấn Chợ Mới, Mỹ An, Hòa An, Hòa Bình… đều có diện tích trồng màu rất lớn. Ước năng suất rau màu chỉ riêng Chợ Mới cung ứng ra thị trường hơn 20 tấn/ngày.
Cùng đó, các địa phương khác của An Giang có lợi thế bãi, cồn ven sông Hậu, sông Tiền như: cồn Bà Hòa (huyện Châu Thành), xã Bình Thủy, Khánh Hòa (Châu Phú), các xã ven sông Hậu thuộc huyện An Phú, xã Long An, Tân An, Vĩnh Hòa (thị xã Tân Châu)… đều có diện tích rau màu rất lớn. Tại huyện An Phú, khu vực xã Khánh An, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Thao cho biết, thế mạnh lớn nhất trong sản xuất tại địa phương là canh tác rau màu với diện tích trồng màu hiện chiếm khoảng 90% diện tích đất canh tác toàn xã. Canh tác rau màu, thứ nhất tạo điều kiện quay vòng đất nhanh, thứ hai là hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so trồng lúa hay nuôi cá. Do vậy, trong vụ thu đông năm 2012, Khánh An tiếp tục khuyến khích nhân dân mở rộng thêm khoảng 400ha diện tích màu. Ngoài xã Khánh An, huyện An Phú còn xây dựng vùng nguyên liệu rau màu sạch tại các xã Vĩnh Trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện An Giang có diện tích trồng màu lên hơn 57 nghìn ha. Hằng ngày, lượng rau màu nông dân cung ứng ra thị trường lên khoảng 100 tấn. Tỉnh cũng đã hình thành các vùng chuyên canh rau màu tập trung theo mô hình rau sạch, liên kết tiêu thụ tập trung ở xã Kiến An, Hội An, Mỹ An (huyện Chợ Mới), Bình Thạnh (huyện Châu Thành), Khánh Hòa (huyện Châu Phú), Vĩnh Trường (huyện An Phú)… Rau màu ở An Giang có thị trường tiêu thụ rất lớn, thu hút các thương lái từ nhiều địa phương như: TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… và cả xuất khẩu sang Cam-pu-chia hàng trăm tấn rau màu các loại.
Tiềm năng xuất khẩu lớn
Không chỉ có lợi thế phát triển vùng nguyên liệu rau màu trên phạm vi toàn tỉnh. An Giang còn là địa phương có lượng rau màu xuất khẩu sang Cam-pu-chia đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Với lợi thế đường biên giới dài, với nhiều cửa khẩu cả đường bộ lẫn đường thủy sang nước bạn, quãng đường di chuyển từ khu vực cửa khẩu về trung tâm các tỉnh, về Thủ đô Phnôm Pênh cũng rất ngắn cho nên từ nhiều năm qua, An Giang là tỉnh cung ứng lượng rau màu chủ yếu cho nhân dân Cam-pu-chia. Theo con số thống kê của huyện An Phú, bình quân mỗi ngày, tại khu vực Cửa khẩu quốc gia Khánh Bình, hàng rau màu xuất tiểu ngạch sang thị trường Cam-pu-chia khoảng từ 40 đến 60 tấn rau. Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Xuân Hải cho biết: “Thời gian qua, rau quả xuất, nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam-Cam-pu-chia qua Cửa khẩu quốc gia Khánh Bình rất lớn, trung bình khoảng 50 tấn/ngày. Tuy nhiên, do xuất tiểu ngạch, giá trị lợi nhuận không cao, việc quản lý nhà nước đối với việc xuất khẩu vẫn bỏ ngỏ”.
Có mặt tại khu vực tập kết rau màu thị trấn Long Bình (huyện An Phú), anh Nguyễn Ngọc Tài, chủ hàng rau quả đang xuất, nhập hàng cho biết: “Mỗi ngày riêng vựa chúng tôi “ăn” hàng rau quả hai bên khoảng 10 đến 15 tấn. Tuy nhiên, hàng xuất nhập xong không có kho chứa nên việc vận chuyển luôn bị động. Có xe mới dám nhập hàng và ngược lại xuất hàng cũng phải chờ đợi rất khó khăn. Nếu có chợ đầu mối thì các chủ hàng rất thuận tiện cho việc buôn bán và hiện tượng ép giá chắc chắn không thể xảy ra”. Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở Công thương An Giang, việc không có kho bãi tập kết hàng rau quả nông sản dẫn đến lãng phí nguồn thu lớn. Cùng với đó, thuận lợi lớn là thị trường Cam-pu-chia đang mở để chúng ta khẳng định vị thế hàng hóa.
Theo đánh giá của Sở Công thương An Giang, thời gian qua, thương lái tỉnh An Giang và Kan-dal (Vương quốc Cam-pu-chia) đã hợp tác chặt chẽ từ khâu thu gom hàng đến việc vận chuyển, xuất khẩu nông sản sang Cam-pu-chia với số lượng rất lớn, trung bình khoảng 1.600 tấn/tháng. Tuy nhiên, do chưa có điểm tập kết hàng, dẫn đến có những thời điểm hàng bị ứ đọng, gây úng, hư, ép giá… Chị Thanh Thủy (ngụ xã Kiến An, huyện Chợ Mới), một thương lái nhiều năm chuyên tập kết hàng, mua bán mặt hàng rau màu ở chợ tập kết đầu mối Chợ Mới, khu vực bến phà Thuận Giang, cho biết: “Tại khu vực này, mỗi đầu mối “ăn” hàng như tôi, mua và bán trung bình vài chục tấn/ngày, trong đó, lượng hàng xuất sang Cam-pu-chia qua hai đường Tịnh Biên và An Phú rất lớn. Tuy nhiên, hiện cũng chỉ có thể xuất tiểu ngạch. Nếu có hệ thống khu bãi, chợ đầu mối chắc chắn giá cả sẽ tốt hơn, lượng hàng xuất, nhập cũng có điều kiện để phát triển”.
Cần hệ thống hạ tầng đầu tư đồng bộ
Phó Giám đốc Sở Công thương An Giang Nguyễn Thanh Tâm cho biết: Hiện, việc quy hoạch và tiến độ triển khai dự án chợ đầu mối rau quả xuất khẩu sang Cam-pu-chia phát triển tốt. Sở Công thương An Giang và Sở Thương mại Kan-dal đã thống nhất vị trí đầu tư. Phía bạn đã đầu tư xong trang trại kết hợp xây chợ 4ha phần đất đối ứng với phía Việt Nam. Đây là tín hiệu tốt cho thấy việc hợp tác hình thành chợ đầu mối xuất khẩu tại cửa khẩu Khánh Bình.
Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Xuân Hải khẳng định: Khi dự án chợ đầu mối rau quả nông sản triển khai, An Phú cam kết sẽ tạo quỹ đất sạch cùng với việc quản lý, kinh doanh chợ đi vào nền nếp, thật sự hiệu quả. Tuy nhiên, mối lo lớn nhất đối với huyện hiện nay là vấn đề giao thông. Khi chợ đầu mối hình thành, lưu lượng xe hàng sẽ rất lớn, nhưng tuyến giao thông huyết mạch ra cửa khẩu của huyện là tỉnh lộ 956 tuy đã được phê duyệt nâng cấp thành quốc lộ 91C, nhưng hiện đã xuống cấp và không bảo đảm tải trọng. Nếu đầu tư chợ và để chợ đầu mối kinh doanh hiệu quả, rất cần Trung ương, tỉnh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh.
Song song đó, cầu Long Bình – Cỏ-Thum nối đường biên giới hai nước dù đã được Chính phủ hai nước Việt Nam – Cam-pu-chia phê duyệt nhưng vẫn chưa thể khởi động bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguồn vốn cho công trình. Nếu cầu Long Bình – Cỏ-Thum được hình thành, cửa khẩu quốc gia Khánh Bình chính là tuyến cửa khẩu đường bộ ngắn nhất để xuất khẩu, vận chuyển hàng rau màu sang Cam-pu-chia. Bên cạnh An Phú, cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên hiện cũng có lượng hàng rau màu xuất khẩu khá lớn qua đường biên hai nước, nhưng tuyến đường bộ là quốc lộ 91 từ Châu Đốc và Tịnh Biên đang được nâng cấp mở rộng, tiến độ thi công rất chậm.
Nếu giải quyết tốt các vấn đề về cơ chế, đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông cùng với việc nhanh chóng đầu tư, hình thành hệ thống chợ tập kết rau quả xuất khẩu sẽ làm đòn bảy đưa kinh tế biên mậu An Giang phát triển xứng tầm, tạo điều kiện cho rau màu của nông dân An Giang xuất khẩu mạnh hơn nữa sang thị trường Cam-pu-chia, tương xứng tiềm năng, lợi thế vốn có, theo định hướng phát triển kinh tế – xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ IX đã đề ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()