Xuất khẩu nông sản, còn nhiều trăn trở
Nhờ mặt hàng thủy sản và lâm sản có giá trị xuất khẩu tăng tương ứng là 10% và 15% nên cả năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt gần 27,5 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2012. Tuy nhiên, một số mặt hàng nông sản chính như gạo, cà-phê... lại sụt giảm cả về sản lượng và kim ngạch. Một bức tranh sáng tối đan xen của xuất khẩu nông sản năm 2013 với nhiều điều trăn trở...
Nhờ mặt hàng thủy sản và lâm sản có giá trị xuất khẩu tăng tương ứng là 10% và 15% nên cả năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt gần 27,5 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2012. Tuy nhiên, một số mặt hàng nông sản chính như gạo, cà-phê… lại sụt giảm cả về sản lượng và kim ngạch. Một bức tranh sáng tối đan xen của xuất khẩu nông sản năm 2013 với nhiều điều trăn trở…
Nông sản chính giảm lượng, sụt giá
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu thủy sản năm 2013 đạt mức 6,7 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2012, và tăng 200 triệu USD so với kế hoạch đề ra. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản đạt 5,65 tỷ USD, tăng hơn 15% so với năm trước. Cùng tốc độ tăng trưởng của thủy sản và lâm sản là mặt hàng hồ tiêu với sản lượng xuất khẩu hơn 133 nghìn tấn, tương đương 901 triệu USD, tăng hơn 14% về lượng và gần 14% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Ðây được đánh giá là ba điểm sáng của lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2013.
Bên cạnh đó là sự sụt giảm sâu các mặt hàng nông sản chính như gạo, cà-phê cả về sản lượng và kim ngạch. Nguyên nhân chủ yếu khiến các mặt hàng nông sản chính sụt giảm cả về sản lượng và kim ngạch là do sự cạnh tranh giữa các quốc gia có cùng sản phẩm xuất khẩu ngày càng quyết liệt và giá xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam ở mức thấp hơn so với năm trước. Ðơn cử như cà-phê, vào tháng 11-2013, giá xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống 1.468 USD/tấn, thấp nhất kể từ năm 2010. Vào tháng 9-2013, giá xuất khẩu gạo cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm qua, ở mức 355 – 365 USD/tấn.
Tăng trưởng thiếu bền vững
Nếu như năm 2012, xuất khẩu nông sản bứt phá ngoạn mục khi có tới bảy mặt hàng lọt vào “câu lạc bộ hơn một tỷ USD”, trong đó đáng chú ý là mặt hàng gạo và cà-phê vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu. Giấc mơ về một trung tâm lúa gạo của thế giới, thủ phủ cà-phê toàn cầu tưởng như đang gần tầm với của nền nông nghiệp Việt Nam. Nhưng thực tế xuất khẩu năm 2013 với sự sụt giảm cả về lượng và chất ở hai mặt hàng thế mạnh và chiến lược này đã cho thấy một sự tăng trưởng thiếu bền vững. Ngay đối với mặt hàng thủy sản, dù kim ngạch có tăng so với năm 2012 nhưng đó cũng là nhờ sự may mắn “vào phút chót” khi những tháng cuối năm, tôm thẻ chân trắng xuất khẩu với số lượng lớn và đạt mức giá cao kỷ lục. Bởi lẽ năm 2013 đánh dấu một năm nhọc nhằn đối với cá tra – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm theo từng tháng, dự báo sẽ không chạm được ngưỡng 1,8 tỷ USD như năm 2012. Ngoài ra, dù xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt mức gần 27,5 tỷ USD nhưng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng như phân bón, thuốc trừ sâu, gỗ, lúa mì, thức ăn gia súc, đậu nành, ngô… cũng lên đến 18,84 tỷ USD, tăng hơn 13% so với năm trước.
Sự tăng trưởng thiếu bền vững của các ngành hàng xuất khẩu kéo theo nhiều hệ lụy cho cả nền nông nghiệp, đặc biệt là đời sống của nông dân. Chưa năm nào, tình trạng nông dân bỏ ruộng trở nên phổ biến, nóng hổi và bức xúc như năm 2013 do phần lớn các hộ nông dân không thể đủ sống nhờ đồng ruộng. Giá lúa quá thấp, giá vật tư nông nghiệp, phân bón không ngừng tăng, cộng với thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất khiến nông dân kiệt sức, không còn khả năng tái đầu tư. Trả ruộng trở thành một thực tế đau lòng! Trong khi đó, người nuôi cá tra thì điêu đứng, mất cả vốn lẫn lãi vì cá tra không bán được, hoặc bán dưới giá thành, nợ ngân hàng chồng chất. “Treo ao” là giải pháp cuối cùng. Còn ở Tây Nguyên, hàng nghìn hộ trồng cà-phê trắng tay sau niên vụ 2012 – 2013 vì giá cà-phê nhân xuống thấp đến mức kỷ lục. Giữ hàng thì không có tiền trả ngân hàng, lãi mẹ đẻ lãi con, bán thì lỗ nặng là nỗi lo thường trực của những người trồng cà-phê.
Tiếp sức cho “trụ đỡ”
Nhiều năm qua, nông nghiệp được coi là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế nước nhà, nhưng dường như vào thời điểm này, trụ đỡ đó đang mất dần “sức nặng”. Nền kinh tế nông nghiệp đang bộc lộ quá nhiều vấn đề cần giải quyết kịp thời nếu muốn tăng trưởng bền vững. Câu chuyện về nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu để tăng sức cạnh tranh; Tập trung vào xuất khẩu tinh thay vì xuất khẩu thô như hiện nay; Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để đối phó tốt hơn với các rào cản kỹ thuật từ phía đối tác; Liên kết bốn nhà trong sản xuất nông nghiệp: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp nhằm xây dựng một nền nông nghiệp khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ… đã được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây như những giải pháp chủ yếu và cấp thiết để xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh và bền vững. Tuy nhiên, kết quả đem lại thì chưa được bao nhiêu khi nông sản phần lớn vẫn xuất khẩu thô, nông dân vẫn tự trồng cây, tự chăn nuôi không theo quy hoạch, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu không quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu. Thậm chí Hiệp hội các ngành hàng cũng chỉ có vai trò như một doanh nghiệp mua bán, trao đổi hàng hóa mà không có đầu tư trở lại hay bảo vệ quyền lợi cho người nông dân. Trong khi đó, năm 2014 được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn thử thách, nhất là đối với những mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam. Theo dự báo của giới thương nhân, giá gạo năm 2014 có thể giảm thêm trong bối cảnh nguồn cung từ các nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới tăng mạnh. Xuất khẩu cá tra chắc chắn sẽ giảm do nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu đã hiện hữu. Thị trường xuất khẩu cà-phê bấp bênh và đầy rủi ro do sự cạnh tranh về sản lượng và về giá giữa các quốc gia trồng cà-phê ngày càng gay gắt. Ngoài ra, sự chi phối của các doanh nghiệp nước ngoài đối với thị trường nông sản Việt Nam cũng là vấn đề cần quan tâm. Nếu không, với lợi thế về vốn, công nghệ và tổ chức, họ sẽ làm chủ thị trường và khi đó doanh nghiệp Việt sẽ thua ngay trên sân nhà.
Ðể sẵn sàng vượt qua những thử thách đó, rõ ràng ngành nông nghiệp cần được tiếp sức. Trước hết phải là những khoản đầu tư bằng tiền và công nghệ. Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân cần được triển khai với các hình thức thiết thực và hiệu quả hơn. Trong trường hợp nguồn lực tài chính không đủ mạnh để hỗ trợ toàn ngành nông nghiệp thì tập trung vào các ngành hàng nông sản chính, có thế mạnh để tạo ra sự khác biệt, đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Ðặc biệt, các bộ, ngành chức năng cần rà soát lại các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, tháo gỡ vướng mắc để cả doanh nghiệp và nông dân đều được hưởng lợi trong quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản.
Theo Nhandan
Ý kiến ()