Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giữ vững mục tiêu 41 tỷ USD
Nhiều nông sản chủ lực như thủy sản, rau quả, cây công nghiệp, đồ gỗ… đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Gia đình anh Hoàng Ngọc Thanh, Thôn Lâm, Nam Dương, Lục Ngạn, Bắc Giang thu hoạch vườn vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật.
Đại dịch COVID-19 khiến cho các sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu.
Đáng chú ý hơn là Trung Quốc, thị trường lớn nhất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp đã có nhiều thay đổi trong chính sách nhập khẩu nhằm kiểm soát dịch bệnh khiến cho việc xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm mạnh.
Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã quyết tâm, linh hoạt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để đạt mục tiêu “kép,” trong đó có chỉ tiêu xuất khẩu.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao ngành nông nghiệp khi tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn giữ cam kết đầu năm là đạt trên 41 tỷ USD.
Tận dụng mọi kẽ hở từ thị trường
Dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, thương mại hàng hóa bị đứt gãy, gặp nhiều khó khăn. Riêng nông nghiệp còn phải đối mặt thêm tác động của thiên tai, hạn, mặn diễn ra gay gắt, đặc biệt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Trong những tháng đầu năm, gần như hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp đều sụt giảm, thậm chí nhóm lâm sản nhiều năm liền đều có tăng trưởng rất mạnh với mức hai con số nhưng cũng phải chịu cảnh quay đầu với mức tăng trưởng âm.
Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành nông nghiệp đã chủ động, tích cực, sáng tạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt mục tiêu “kép,” vừa thúc đẩy tăng trưởng ngành, vừa chống dịch hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước tình hình đó, để làm tốt mục tiêu xuất khẩu, các chính sách được ngành thực hiện rất uyển chuyển. Bất kỳ thị trường nào có khe hở đều được ngành tập trung khai thác. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm nay dự kiến sẽ đạt trên 41 tỷ USD.
Nhiều nông sản chủ lực như thủy sản, rau quả, cây công nghiệp, đồ gỗ… đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Việc xuất khẩu sang được gần 200 thị trường; trong đó có những thị trường giá trị cao như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…đã đưa giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.
Trước ảnh hưởng dịch COVID-19 cùng thay đổi chính sách nhập khẩu, nhận thấy sự sụt giảm mạnh xuất khẩu sang thị trường lớn Trung Quốc, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường mới đối với nhiều sản trái cây như vải thiều tươi sang Nhật Bản, bưởi vào Chi Lê…
Theo ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, thời gian qua, nhiều loại nông sản Việt Nam, đặc biệt là rau quả phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường lớn, tốt nhưng khi thị trường này có nhiều chính sách kiểm soát chặt chẽ trong nhập khẩu, doanh nghiệp Việt đã tìm cách xoay xở, giảm sự phụ thuộc vào các chuỗi kinh doanh truyền thống, doanh nghiệp trung gian. Qua đây cũng giúp định vị lại vị thế của doanh nghiệp Việt. Họ đã tìm ra được cách xuất khẩu trực tiếp đến các thị trường cao cấp mà không qua các doanh nghiệp trung gian của nước ngoài.
Năm nay, mặt hàng gạo là điển hình liên tục tăng trưởng mạnh về giá trị xuất khẩu. Nhờ chủ động sản xuất, điều chỉnh thời vụ sớm, né “hạn mặn” kịp thời nên vụ Đông Xuân của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt thắng lợi trong bối cảnh hạn mặn lịch sử.
Khi dịch COVID-19 xảy ra, nhu cầu thế giới về đảm bảo an ninh lương thực lên cao, không chỉ đảm bảo nguồn cung trong nước, Việt Nam đã nắm bắt được cơ hội mở rộng xuất khẩu sản phẩm này.
Nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ nhiều thị trường, giá xuất khẩu gạo Việt Nam tăng lên mức cao.
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu được thu hẹp khoảng cách với gạo Thái Lan, cao hơn gạo Myanmar, Ấn Độ – vốn là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, thậm chí có thời điểm giá gạo Việt Nam còn cao hơn cả gạo Thái Lan, đạt gần 500 USD/tấn. Cùng với đó là các Hiệp định Thương mại tự do được thực thi, điển hình là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mở thêm cơ hội cho ngành hàng này.
Không chỉ mặt hàng gạo, đặc biệt từ tháng 8/2020, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ngành nông nghiệp xác định đây cơ hội, là dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngay khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1201/2020/QĐ-TTg ngày 6/8/2020 phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA, Bộ đã xây dựng chương trình hành động cho ngành nông nghiệp, từ giống, vật tư đầu vào, quy trình canh tác, quy trình nuôi trồng cho đến thu hoạch, chế biến, xuất khẩu. Tất cả những vấn đề này đã và đang thực hiện đạt tiêu chuẩn của EU.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương, doanh nghiệp tạo môi trường thuận lợi nhất về xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, quảng bá, xây dựng thương hiệu cũng như xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo đưa nông sản Việt Nam vào thị trường EU mạnh mẽ nhất.
Bộ đã cùng Bộ Công Thương tập trung triển khai ngay việc xúc tiến thương mại các nhóm ngành hàng lợi thế. Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các doanh nghiệp, ngành đã kịp thời đón “sóng” cơ hội.
Kết quả là ngay trong tháng đầu tiên Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã có sự tăng trưởng rất mạnh từ 15-17% so với cùng kỳ năm ngoái sang khối thị trường này.
Bên cạnh đó, ngành xác định các thị trường truyền thống khác vẫn phải tập trung như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Là nhóm sản phẩm luôn chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, sau rất nhiều năm luôn tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng khi dịch COVID-19 xảy ra đã khiến thị trường đầy những biến động và nằm ngoài sự kiểm soát của ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ. “Nhưng điều này không có nghĩa các doanh nghiệp chỉ ngồi chờ đợi thị trường “lặng sóng”, để thị trường tự tìm đến mình. Các doanh nghiệp, hiệp hội trong ngành đã nỗ lực tìm kiếm những cách làm, hướng đi cho mình dù đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp,” Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ông Đỗ Xuân Lập, cho hay.
Thay vì chỉ biết đến qua các kênh bán hàng trực tiếp, quảng bá hàng qua các hội chợ, các doanh nghiệp, hiệp hội đã nhanh chóng chủ động chuyển sang hình thức trực tuyến và đặt ra đề bài số hóa triển lãm.
Các doanh nghiệp thúc đẩy kết nối online mạnh hơn thông qua các kênh bán hàng trực tuyến trên toàn cầu như Alibaba, Amazon…
Tác động của COVID-19 đã đưa các doanh nghiệp nhanh chóng gắn kết với nhau, giảm thiểu sự phụ thuộc từ bên ngoài. Cũng từ đó, họ có các sản phẩm chiến lược như tủ bếp, tủ nhà tắm… tạo cho doanh nghiệp Việt có bước bứt phá.
Nhóm sản phẩm lâm sản dự kiến vẫn có sự tăng trưởng mạnh nhất trong nông nghiệp năm nay với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD – cao nhất từ trước đến nay, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Sản xuất có tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc
Trong bối cảnh thế giới vẫn đang đối mặt với những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, thì Việt Nam đã nhanh chóng khống chế, kiểm soát hiệu quả sự xâm nhập và lây lan của đại dịch này. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, cung ứng sản phẩm tốt hơn cho thị trường thế giới.
Với việc sở hữu hàng trăm nghìn ha lúa, rau quả, thủy sản…, sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, ASC…, cùng 100% cơ sở chế biến áp dụng hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) và các chứng nhận chất lượng khác về an toàn thực phẩm, sinh thái, trách nhiệm xã hội… trong nước và quốc tế, ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, Việt Nam có năng lực đảm bảo các yêu cầu từ phía những nhà nhập khẩu về hàng nông sản, thực phẩm.
Tuy nhiên để đảm bảo phát triển bền vững, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, các sản phẩm sản xuất phải đảm bảo duy trì tất cả các tiêu chuẩn, quy chuẩn từ khâu tổ chức sản xuất như giống, vật tư đầu vào, quy trình nuôi, quy trình canh tác, quy trình trồng trọt, mã số vùng nuôi, mã số vùng trồng đến vận chuyển chế biến cũng như xuất khẩu. Khi làm được như vậy, giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu mới cao, đảm bảo hiệu quả chu trình sản xuất, từ đó giúp Việt Nam vào được chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững.
Theo ông Đào Thế Anh, để chuỗi giá trị bền vững hơn khi tham gia thị trường, vai trò của hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ cho nông hộ rất quan trọng. Nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã nhưng việc thực hiện còn khiêm tốn, do đó cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn ở các địa phương, chia sẻ kinh nghiệm thành công để các doanh nghiệp, hợp tác xã học tập.
Không chỉ giúp nâng cao giá trị gia tăng, dịch COVID-19 tiếp tục khẳng định thêm rằng những doanh nghiệp có năng lực bảo quản, tồn trữ, chế biến thì sẽ có khả năng thích ứng tốt hơn so với những doanh nghiệp chỉ kinh doanh hàng tươi sống trước những biến động từ thị trường. Doanh nghiệp cần phải có sự đầu tư để tạo ra các sản phẩm mới, có giá trị gia tăng.
Năm nay tiếp tục là năm “bùng nổ” các dự án, nhà máy chế biến nông sản được khánh thành và khởi công. Đó là nhà máy lớn nhất về chế biến thịt gà xuất khẩu tại Bình Phước, nhà máy chế biến xuất khẩu rau củ quả, dược liệu tại Sơn La…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp hết sức quan trọng là động lực chính để chuỗi giá trị sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm nông sản được vận hành thông suốt. Nhờ vậy, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông lâm thủy sản.
Hiện cả nước có trên 43.000 doanh nghiệp chế biến kinh doanh nông lâm thủy sản, tăng trên 13.000 doanh nghiệp so với năm 2015; có trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2015.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để doanh nghiệp tham gia đầy đủ toàn chuỗi sản xuất nông nghiệp, nhất là những mắt xích còn thiếu và yếu như: cơ giới hóa, nghiên cứu sản xuất giống, bảo quản nông sản, cơ sở hạn tầng logistics…, thời gian tới, ngành cũng như các địa phương cần triển khai hiệu quả các chính sách về phát triển doanh nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, tín dụng cho nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… đã ban hành. Cùng với đó là việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, ngành sẽ nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển có tính đột phá, sáng tạo.
Các Hiệp định thương mại tự do đang tạo ra nhiều cơ hội mới tạo thuận lợi tự do hóa thương mại, giúp cộng đồng doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nông nghiệp được xác định là ngành có lợi thế trên ba trụ cột. Đó là thương mại xuất khẩu nông sản, hợp tác tiếp thu công nghệ, nhất là công nghệ chế biến của khu vực châu Âu và nâng cao năng lực quản lý thông qua các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, kỹ năng phát triển thị trường.
Nhiệm vụ cơ cấu lại các ngành hàng phải nhanh hơn theo hướng tập trung hàng hóa, chuỗi liên kết từ khâu nguyên liệu, sản xuất chế biến đến tổ chức thương mại, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đây cũng là sự đòi hỏi tất yếu từ các thị trường.
Riêng với Hiệp định EVFTA, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng thông qua thị trường châu Âu, ngành nông nghiệp không chỉ khai thác giá trị tuyệt đối của xuất khẩu, mà qua đó khẳng định sản xuất nông nghiệp Việt Nam, trình độ liên kết các nhóm hàng Việt Nam đã đạt đến mức có thể đi bất cứ thị trường nào trên thế giới./.
Ý kiến ()