Xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng đạt hơn 25 tỷ USD
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 8/2018 ước đạt 3,13 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm nay đạt 25,7 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu tốt trong 8 tháng là gạo, rau quả, các loại lâm sản chính, thủy sản.
Xuất khẩu thủy sản ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017 |
Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khá: ASEAN (giá trị đạt 2,53 tỷ USD, tăng 43,6%); Hàn Quốc (đạt 1,53 tỷ USD, tăng 29%); Trung Quốc (giá trị đạt 5,25 tỷ USD, tăng 7%); Hoa Kỳ (đạt 3,88 tỷ USD, tăng 5,8%); Nhật Bản (đạt 1,97 tỷ USD, tăng 5,7%) so với trong 7/2017.
Về mặt hàng gạo, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 8 ước đạt 441.000 tấn với giá trị đạt 209 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng ước đạt 4,4 triệu tấn với 2,2 tỷ USD, tăng 6,8% về khối lượng và tăng 22,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đạt 507 USD/tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 24,7% thị phần.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Indonesia (gấp 67,5 lần), Iraq (gấp 2,5 lần), Philippines (gấp 2 lần), Malaysia (39,4%), Bờ Biển Ngà (33,5%) và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (11%)…
Gỗ và các sản phẩm xuất khẩu ước đạt 5,6 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc giữ vững vị trí là các thị trường chính của Việt Nam.
Xuất khẩu thủy sản ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Giá trị xuất khẩu rau quả ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 14,1%.
Trái với sự tích cực trong xuất khẩu của các mặt hàng trên, nhiều nông sản chính vẫn sụt giảm mạnh. Điển hình là hạt tiêu xuất khẩu ước đạt 173.000 tấn với 576 triệu USD, tăng 3,2% về khối lượng, nhưng giảm 36% về giá trị.
Tương tự, do giá xuất khẩu giảm mạnh 15% nên cà phê xuất khẩu 8 tháng chỉ thu về 2,5 tỷ USD. Trong đó, Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Mặc dù được hậu thuẫn bởi yếu tố tồn kho cao su Trung Quốc giảm 3,26% so với cuối tháng 7, nhưng giá xuất khẩu cao su Việt Nam vẫn tiếp tục giảm do nhu cầu thị trường thấp, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt có thể làm giảm tăng trưởng tại Trung Quốc. Khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su 8 tháng đạt 870.000 tấn với 1,2 tỷ USD, tăng 8,2% về khối lượng, nhưng giảm 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống của nước ta, nhưng xuất khẩu cao su sang một số nước như Ấn Độ, Indonesia lại có mức tăng nhanh và được giá.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cũng cho biết, giá trị nhập khẩu 8 tháng đạt 20,72 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh là phân Ure (33,9%), bông các loại (32,9%), ngô (28,7%), hàng thủy sản (24,1%), lúa mỳ (14,5%), rau quả (13,4%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (10,6%).
Theo Chinhphu
Ý kiến ()