Xuất khẩu năm 2017 có thể đạt 200 tỷ USD
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu sẽ tăng cao đối với một số mặt hàng công nghiệp. Dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2017 sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Xuất khẩu tăng 18,8%
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, 6 tháng đầu năm 2017 kim ngạch xuất khẩu đạt 97,7 tỷ USD, tăng 18,8%.
Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu nhận định, đây là mức tăng cao so cùng kỳ của năm 2016 (tăng 5,9%) do tăng được cả về giá (chủ yếu là nhóm nhiên liệu và nông sản) và về lượng (nhóm công nghiệp chế biến chế tạo và khoáng sản) và tăng cao qua các tháng.
Theo đó, một số thành tích nổi bật trong xuất khẩu có thể kể đến nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản có mức tăng trưởng 40,2% với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,29 tỷ USD và tăng ở tất cả các mặt hàng xuất khẩu. Nổi bật trong nhóm hàng này là than đá (tăng 326%), dầu thô (tăng 36,2%), xăng dầu các loại (31,2%). Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu các mặt hàng tăng cao, đặc biệt là than đá có sự tăng trưởng đột phá về lượng xuất khẩu.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng với con số 19,1%, kim ngạch đạt 78,56 tỷ USD. Ghi nhận sự tăng trưởng cao và ổn định của các nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 45,8% đạt 11,56 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 14,9% đạt 19,5 tỷ USD; giày dép tăng 12,2% đạt 7 tỷ USD; dệt may tăng 8,5% đạt 11,75 tỷ USD…
Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cũng tăng đến 16,7% đạt 12,1 tỷ USD mà nổi bật là sự tăng trưởng cao của nhóm rau quả (tăng 43,5%) và thủy sản (tăng 16,7). Trong đó tín hiệu vui cho ngành nông sản là sự gia tăng xuất khẩu trở lại của mặt hàng gạo sau một thời gian dài gặp khó khăn, gạo hiện đang xuất khẩu trở lại vào các thị trường truyền thống của Việt Nam như Malaysia, Bangladesh, Trung Quốc.
Cùng với đó, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 100,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu khối doanh nghiệp trong nước đạt 39,8 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 60,66 tỷ USD, tăng 28,4%.
Kim ngạch nhập khẩu của nhóm cần nhập khẩu đạt 89,7 tỷ USD, chiếm 89,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 25,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân của việc nhập khẩu tăng cao ở nhóm hàng cần nhập khẩu là do tăng máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
Hơn nữa, việc nhập khẩu tăng cao từ các quốc gia có trình độ công nghệ cao như Hoa Kỳ (24,2%) và tăng thấp ở một số thị trường châu Á như Trung Quốc (15,6%) được coi là tín hiệu tốt.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu thì nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng đối với một số mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu. Đáng chú ý là sự tăng cao của mặt hàng rau quả (tăng 81,7%); sắt thép phế liệu (tăng 59,4%); xe máy và linh kiện phụ tùng (tăng 14,3%)
Dự kiến xuất khẩu đạt 200 tỷ USD năm 2017
Liên quan đến yếu tố bền vững của những con số mà xuất khẩu đạt được trong thời gian vừa qua, ông Trần Thanh Hải nhận định, trước đây, nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản (chủ yếu dầu thô) là mặt hàng chủ lực nhưng định hướng của Đảng, Nhà nước thời gian vừa qua là giảm bớt xuất khẩu khoáng sản, đẩy mạnh nhóm hàng công nghiệp và hiện chúng ta đang làm rất tốt.
“Cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chiếm hơn 80%, nông nghiệp 15% còn khoáng sản chỉ khoảng 5%. Nếu cứ theo chiều hướng này thì ta có thể bảo đảm được tính bền vững của xuất khẩu”, ông Hải cho biết.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải cũng nhìn nhận về bức tranh chung của xuất khẩu còn nhiều “điểm tối”. Cụ thể, các mặt hàng công nghiệp (dệt may, da giày, thiết bị điện tử) vẫn đang đứng ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị chung, Việt Nam chủ yếu đang làm gia công, còn khâu đạt gia trị cao hơn như thiết kế, thương hiệu, logistics…thì ta chưa làm được.
Ngành công nghiệp hỗ trợ chưa được xây dựng đầy đủ để đáp ứng cho các ngành công nghiệp khác như công nghiệp ô tô, dệt may, da giày… nên vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. Điều này dẫn đến rủi ro khi thị trường biến động thì cũng chịu nhiều tác động.
Còn nhóm nông sản phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Những năm gần đây, nông sản Việt Nam gặp nhiều yếu tố thời tiết bất lợi, lượng nước trên các sông khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất thấp, hiện tượng xâm nhập mặn ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp cùng với việc các sản phẩm nông nghiệp khi xuất khẩu mới ở dạng thô, chưa có chế biến cao cũng đang là hạn chế.
Nói thêm về xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định trong 6 tháng cuối năm xuất khẩu sẽ tăng cao đối với một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn bắt đầu chu kỳ tăng trưởng như dệt may, giày dép, đồ gỗ. Dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2017 sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu sẽ giảm dần trong các tháng cuối năm bởi hầu hết các thiết bị đã nhập khẩu nhiều từ những tháng đầu năm do việc giải ngân của hàng loạt dự án. Vì thế, năm 2017 kim ngạch nhập khẩu ước đạt 205 tỷ USD, tăng trên 17% so với cùng kỳ. Do đó, nhập siêu ước khoảng 5 tỷ USD, bằng 2,5% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, từ nay đến cuối năm Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước và cho các dự án sản xuất hàng xuất khẩu, tạo nguồn cho hàng xuất khẩu.
Bộ Công Thương cũng tăng cường thông tin thị trường và các biện pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản thị trường. Đặc biệt, Bộ sẽ tổ chức tuyên truyền rộng rãi về các hiệp định thương mại tự do cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại.
Mặt khác, Bộ cũng tập trung tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu, nhất là nông sản, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới.
Đáng lưu ý, trong các tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tăng cường quản lý xuất nhập khẩu thông qua áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng nhập khẩu nhiều theo quy định của pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế.
Cân nhắc trước việc Trung Quốc gom thịt lợn trở lại Liên quan đến vấn đề Trung Quốc đang gom thịt lợn trở lại, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, chúng ta đang nỗ lực tiêu thụ đàn lợn tồn trong dân nên bất cứ tín hiệu tốt nào từ các thị trường đều đáng mừng. Tuy nhiên, ông Hải cũng cảnh báo rằng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước những tín hiệu này. Nếu người dân vì quá vui mừng mà tiếp tục tăng quy mô đàn lợn thì rất có khả năng sẽ tiếp tục phải “giải cứu lợn” thêm lần nữa. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT thông tin, cảnh báo người dân về đầu vào sản xuất lợn và những vấn đề liên quan đến thị trường tiêu thụ thịt lợn. Ngoài ra, theo ông Hải, Bộ Công Thương sẽ cố gắng mở rộng thêm thị trường tiêu thụ thịt lợn cho bà con. Tuy nhiên, việc thị trường đó có chấp nhận thịt lợn do bà con sản xuất hay không còn tùy thuộc vào chất lượng thịt lợn sản xuất ra. |
Theo baochinhphu
Ý kiến ()