Xuất khẩu năm 2013, tăng trưởng và thách thức
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa cả nước tám tháng đầu năm đạt 84,8 tỷ USD, tăng 14,7% so cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng xuất khẩu được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế nước ta tám tháng qua. Tuy nhiên, đằng sau sự tăng trưởng này ẩn chứa những thách thức không nhỏ.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa cả nước tám tháng đầu năm đạt 84,8 tỷ USD, tăng 14,7% so cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng xuất khẩu được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế nước ta tám tháng qua. Tuy nhiên, đằng sau sự tăng trưởng này ẩn chứa những thách thức không nhỏ.
Con số ấn tượng
Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch XK chung khi hầu hết mặt hàng có kim ngạch tăng, trong đó điện thoại các loại và linh kiện đạt cao nhất 13,1 tỷ USD, tăng 76,2%. Tiếp đến là hàng dệt may đạt 11,5 tỷ USD, tăng 17,3%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,8 tỷ USD, tăng 42,2%; giày dép đạt 5,5 tỷ USD, tăng 16,1%…
Trong khi đó, hai nhóm hàng nông sản, thủy sản và nhiên liệu khoáng sản so cùng kỳ giảm kim ngạch xuất khẩu như than đá giảm 26,3%; cà-phê giảm 21,8%; cao-su giảm 14,3%; gạo giảm 14,2%… Cần lưu ý rằng, nhóm hàng nông sản, thủy sản giảm do bất lợi về giá và lượng do khó khăn của thị trường thế giới và yếu tố khách quan thời tiết, dịch bệnh. Giá cả nhiều mặt hàng nông sản có xu hướng giảm phần nào làm ảnh hưởng đến kim ngạch XK. Cũng tương tự, nhóm nguyên liệu khoáng sản giảm mạnh cả lượng và giá cả nhưng sự giảm dần tỷ trọng XK nhóm này phù hợp chủ trương của Chính phủ giảm XK nguyên liệu thô.
Số liệu thống kê còn cho thấy, nhập siêu tháng 8 ước tính khoảng 300 triệu USD, tính chung tám tháng, con số này là 577 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Kim ngạch nhóm hàng cần NK tiếp tục giữ mức tăng cao, như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 11,8 tỷ USD, tăng 9,6%; sắt thép đạt 4,5 tỷ USD, tăng 10%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 2,5 tỷ USD, tăng 20,4%… Ðây là tín hiệu tốt vì các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng thiết yếu.
Tám tháng, kim ngạch XK và nhập khẩu (NK) của khối doanh nghiệp (DN) có vốn FDI tiếp tục có mức tăng trưởng cao hơn khối DN trong nước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng xuất khẩu của khối DN trong nước bắt đầu cải thiện khi đạt 28,7 tỷ USD, tăng 3,1% (cao hơn mức tăng 1,6% của bảy tháng đầu năm). Trong tám tháng qua, khối FDI xuất siêu 7,8 tỷ USD thì khối DN trong nước nhập siêu 8,4 tỷ USD. Ðiều này cũng phản ánh sản xuất, XK của khu vực DN trong nước bắt đầu phục hồi.
Tái cơ cấu hàng Xuất khẩu
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ, thị trường XK thế giới tiếp tục bị thu hẹp thì XK của nước ta vẫn giữ được đà tăng trưởng là một thành tích đáng ghi nhận. Mặc dù vậy, nếu phân tích kỹ cơ cấu kim ngạch XK, NK của nước ta từ đầu năm đến nay thì có thể thấy những điểm gây không ít lo ngại.
Trước hết, tăng trưởng XK chủ yếu là do XK các mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện cùng điện tử, máy tính và linh kiện. Hai nhóm hàng này có kim ngạch XK tăng cao nhất (tương ứng tăng 76,2% và 42,2% so với cùng kỳ) và chiếm tới hơn 23,4% tổng kim ngạch XK của cả nước. Thế nhưng đây lại là những mặt hàng có tỷ trọng gia công cao, phản ánh hiệu quả XK và lượng ngoại tệ thực thu về cho đất nước không cao. Ðiều này cũng thể hiện rất rõ trong cơ cấu NK khi kim ngạch NK các mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện lên tới 11,5 tỷ USD, tăng 41,6%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,2 tỷ USD, tăng 71,3%. Hơn nữa, các mặt hàng NK phần lớn vẫn là hàng gia công lắp ráp.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, tăng trưởng XK cao lại ở khu vực FDI. Tám tháng qua, khu vực này đạt kim ngạch XK 56,1 tỷ USD (kể cả dầu thô), tăng cao ở mức 21,6%, trong khi khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 28,7 tỷ USD, tăng 3,1%. Không chỉ vậy, khối FDI xuất siêu, lại tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp nên giá trị gia tăng thấp. Ngược lại, khối kinh tế trong nước lại nhập siêu, cho thấy DN trong nước vẫn chưa khắc phục được hạn chế vốn có của mình, đó là chưa tham gia được vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu, vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu, từ đó giá trị gia tăng đem lại từ hoạt động xuất khẩu chưa cao.
Bộ Công thương cho rằng, kim ngạch XK năm 2013 sẽ đạt khoảng 128,3 – 128,5 tỷ USD, tăng hơn hai tỷ USD so kế hoạch. Kim ngạch NK ước 133 tỷ USD. Khả năng nhập siêu thấp nhiều so dự kiến. Tuy nhiên, DN trong nước phải đối mặt với việc tăng cường bảo hộ của các thị trường NK, trong đó có Hoa Kỳ và khu vực Eurozone. Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) cho biết, EU vẫn là khu vực chiếm tỷ trọng lớn, tới gần 75% giá trị XNK. Trong nửa đầu năm nay, tổng kim ngạch XNK Việt Nam – EU hơn 16,3 tỷ USD (tăng 24,3% so cùng kỳ); trong đó XK 11,6 tỷ USD (tăng 25,84%), NK 4,7 tỷ USD (tăng 20,65%). Vụ Thị trường châu Âu đang đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt trực tiếp vào một số siêu thị hàng đầu tại đây, kết quả khả quan nhưng thách thức lớn của DN nước ta là đáp ứng đơn hàng lớn, đúng hạn và bảo đảm chất lượng cam kết.
Với thị trường Hoa Kỳ, cơ cấu hàng XK Việt Nam sang Hoa Kỳ chủ yếu là hàng gia công nên kim ngạch tăng giá trị gia tăng thấp. Các DN trong nước mới thâm nhập thị trường Hoa Kỳ qua các nhà NK, chưa vào được hệ thống phân phối. Các mặt hàng XK chủ yếu đang bị kiện và áp thuế chống bán phá giá, chưa xuất hiện những mặt hàng mới có khả năng nâng cao chất lượng cơ cấu hàng XK. Một số chuyên gia cho rằng, Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện biện pháp và rào cản thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng. Ðặc biệt, tình trạng gian lận thương mại của một số DN Việt Nam vận chuyển hàng từ nước thứ ba XK vào Hoa Kỳ nhằm tránh thuế chống bán phá giá đã ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín hàng XK Việt Nam… Ðây chính là những thách thức mà DN sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()