Xuất khẩu Malaysia bất ngờ tăng 4,5% trong tháng 7
Kim ngạch xuất khẩu của Malaysia trong tháng 7/2013 bất ngờ tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 60,73 tỷ RM (18,34 tỷ USD), vượt quá mong đợi chỉ tăng 0,3% của các nhà kinh tế.
Kim ngạch xuất khẩu của Malaysia trong tháng 7/2013 bất ngờ tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 60,73 tỷ RM (18,34 tỷ USD), vượt quá mong đợi chỉ tăng 0,3% của các nhà kinh tế.
Các dữ liệu mới nhất cũng cho thấy kim ngạch xuất khẩu trong tháng này là cao nhất kể từ tháng 10/2012 khi Malaysia ghi nhận tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 61,29 tỷ RM.
Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp (MITI) cho biết xuất khẩu trong tháng Bảy cũng cao hơn 7% so với 56,75 tỷ RM của tháng trước đó do gia tăng nhu cầu chủ yếu là từ Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản và Thái Lan.
Các sản phẩm như khí tự nhiên hóa lỏng và sản phẩm điện và điện tử là những mặt hàng chủ yếu góp phần vào mức tăng đột biến kim ngạch xuất khẩu trong tháng Bảy, sau năm tháng giảm liên tiếp. Khí tự nhiên hóa lỏng tăng 67,7% trong khi sản phẩm điện và điện tử (chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Malaysia) tăng 6%.
Xuất khẩu hàng hóa (chiếm 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu) cũng đã phục hồi và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 7,9% so với tháng 6/2013.
Trong khi đó, nhập khẩu trong tháng 7/2013 tăng 6,2% lên 57,87 tỷ RM từ 54,50 tỷ RM của tháng 7/2012 và tăng 10,3% so với 52,43 tỷ RM trong tháng 6/2013.
MITI cho biết nhập khẩu hàng hóa trung gian tăng 1,6% đạt 545,4 triệu RM trong khi nhập khẩu hàng hóa cơ bản tăng 8,3% và hàng hóa tiêu dùng tăng 10,6%.
Mặc dù xuất khẩu của Malaysia trong tháng 7/2013 đã phá vỡ sự suy giảm trong năm tháng liên tiếp, nhưng nhập khẩu lớn hơn so với dự kiến đã thu hẹp thặng dư thương mại, gây lo lắng về tài khoản đầu tư vốn đã căng thẳng.
Trong tháng Bảy, thặng dư thương mại thu hẹp 2,86 tỷ RM (861,7 triệu USD) từ 4,32 tỷ RM của tháng Sáu, góp phần giảm mức thặng dư thương mại trong bảy tháng đầu năm 2013 xuống còn 27,44 tỷ RM, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhà kinh tế Rahul Bajoria của Singapore, Malaysia vẫn có thặng dư tài khoản vãng lai khá lớn nhưng vấn đề lo ngại hơn là tốc độ suy giảm của nó.
Kể từ khi phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990, xuất khẩu mạnh mẽ của các loại hàng hóa như dầu mỏ và dầu cọ đã giúp Malaysia duy trì thặng dư trong tài khoản vãng lai. Nhưng nhu cầu ảm đạm từ các nước phương Tây và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc đã kéo xuất khẩu của Malaysia xuống, trong khi chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của chính phủ đã thúc đẩy việc nhập khẩu các thiết bị xây dựng và máy móc.
Điều này đã làm xói mòn thặng dư thương mại trong những tháng gần đây, do đó đã thu hẹp thặng dư tài khoản vãng lai.
Sau khi MITI công bố các dữ liệu về kinh tế, đồng ringgit của Malaysia (RM) giảm 0,6% xuống 3,3280 RM/USD. Đồng ringgit đã giảm 5,1% trong quý 2/2013 sau khi thặng dư tài khoản vãng lai, thước đo thương mại hàng hoá và dịch vụ, đã giảm 1/3 so với năm trước trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu.
Các nhà kinh tế dự báo tiền tệ của nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á này phải chịu áp lực trong một thời gian ngay cả khi cán cân tài khoản vãng lai được cải thiện trong những tháng tới như tăng trưởng xuất khẩu đạt tốc độ và nhập khẩu chậm lại.
Kinh tế trưởng hãng Alliance Research, ông Manokaran Mottain, kỳ vọng rằng tăng trưởng GDP của Malaysia sẽ phục hồi chậm trong nửa cuối năm 2013 lên 4,7% từ mức trung bình 4,2% trong nửa đầu năm. Ông cũng đã hạ dự báo GDP năm nay xuống còn 4,5% từ mức 5% ban đầu.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()