Xuất khẩu lao động ở Hữu Lũng: Mừng lo lẫn lộn
LSO- Trong những năm gần đây, xuất khẩu lao động có vai trò quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện Hữu Lũng. Nguồn thu nhập từ lao động ở nước ngoài đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, nhiều hộ gia đình đã trở nên giàu có. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công vẫn có không ít người gặp phải những hệ lụy đáng tiếc mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kiểm soát bản thân.
Đổi đời nhờ “xuất ngoại”
Đi lao động ở nước ngoài đã giúp nhiều gia đình trên địa bàn huyện Hữu Lũng thay đổi cuộc sống, trở lên khá giả, người lao nông thôn được tiếp cận với nền sản xuất tiên tiến, công nghệ hiện đại, qua đó nâng cao được trình độ nghề nghiệp, tác phong và kỷ luật làm việc, có nhiều thuận lợi cho việc phát triển cuộc sống khi về nước.
Anh Đặng Cao Cường, thôn Tân Thành, xã Đồng Tân sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, biết huyện có chỉ tiêu đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, anh đã đăng ký học tiếng Hàn, dự thi đỗ điểm cao nhất trong đợt tuyển dụng và được chấp nhận sang làm việc tại Hàn Quốc vào tháng 3/2008. Sau 5 năm làm việc theo hợp đồng tuyển dụng, khi về nước vào cuối năm 2013, ngoài căn nhà 3 tầng do anh gửi tiền về để gia đình xây dựng, anh Cường còn gửi tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng, đây là số thu nhập rất lớn so với lao động trong nước. Thu nhập cao, với kinh nghiệm sẵn có và đã lập gia đình hợp pháp bên Hàn Quốc nên anh Cường tiếp tục đăng ký sang lao động đợt hai và đã được chấp nhận đi vào tháng 2/2014. Bà Trần Thị Hoa, mẹ anh Cường cho biết: Ngoài Cường ra, tôi còn có một người con nữa cũng mới được sang lao động bên Hàn Quốc và hiện đang làm việc ổn định với thu nhập khoảng trên 30 triệu đồng một tháng, tháng vừa qua cũng bắt đầu gửi được tiền về gia đình.
Căn nhà khang trang được xây từ những đồng ngoại tệ của gia đình anh Kiên
Cũng thành công nhờ việc lao động ở nước ngoài nhưng anh Nguyễn Trung Kiên, thôn Rừng Dong, xã Đồng Tân đã chọn cho mình một hướng đi khác sau khi kết thúc đợt lao động. Đã có nhà cửa khang trang, một khoản tiền tiết kiệm ổn định, với kinh nghiệp 5 năm lao động bên Hàn, thông thạo tiếng Hàn, anh đã quyết định thi tuyển vào làm việc tại công ty Hàn Quốc tại Việt Nam, vừa đảm bao thu nhập cao lại có điều kiện gần gia đình. Hiện tại anh Kiên đang làm việc tại một công ty của Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Đây là một hướng đi tốt và hiệu quả để cho những lao động nước ngoài khi về nước có thể áp dụng với bản thân.
Nhờ xuất khẩu lao động mà nhiều cá nhân, hộ gia đình đã thực sự đổi đời. Với một khoảng thời gian làm việc không lâu tại nước ngoài, các lao động đã tích lũy được cho mình một số vốn lớn về tài chính cũng như kinh nghiệm và trình độ lao động. Ông Trần Văn Ba, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện cho biết: Tuy chưa thống kê được con số chính xác nhưng qua khảo sát sơ bộ trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện thường xuyên có vài trăm lao động xuất khẩu, chủ yếu tập trung ở thị trường các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, một số nước Ả rập…Trong số đó đông nhất, hiệu quả nhất và cũng nhiều vấn đề nhất là lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc. Tính trung bình từ năm 2008 đến nay mỗi năm có khoảng 100 người sang lao động tại Hàn Quốc chủ yếu có độ tuổi từ 20 đến 30 với đủ các trình độ từ tốt nghiệp phổ thông đến đại học.
Lợi ích đem lại nhờ việc đi lao động ở nước ngoài đã thể hiện rõ nét. Nhưng không phải trường hợp nào đi xuất khẩu lao động cũng thực hiện đúng theo hợp đồng và có được kết quả tốt đẹp.
Tự xô đổ tương lai
Bên cạnh những cá nhân, gia đình “đổi đời” nhờ xuất khẩu lao động thì huyện Hữu Lũng cũng có không ít trường hợp, được địa phương, gia đình tạo điều kiện đi lao động nước ngoài nhưng không biết tận dụng cơ hội để làm việc kiếm thu nhập chính đáng mà lao vào các tệ nạn xã hội, rơi vào cảnh nợ nần, không về được quê hương hoặc trốn ở lại cư trú bất hợp pháp.
Chị Hồ Thị T, chị gái cùng mẹ khác cha với anh Trần Văn T, tại thôn Cóc Dỹ, xã Đồng Tân xúc động chia sẻ: Buồn lắm các anh ạ, mang tiếng là có người đi lao động ở nước ngoài nhưng đến nay đã 5 năm rồi mà gia đình chị có được nhờ vả gì ở chú ấy đâu. Năm 2008 khi huyện có chỉ tiêu đi lao động Hàn Quốc, ba mẹ chị đã phải lo tiền cho chú ấy được đi cùng với một số người khác trong thôn. Đến nay, những người đi cùng đều đã về xây nhà to, cửa rộng, có vốn đầu tư làm ăn. Còn chú T thì gần hai năm nay không liên lạc về nhà. Ba, mẹ đều đã lần lượt qua đời mà chú ấy cũng không một lần về. Bao nhiêu việc gia đình chị phải tự tay lo hết. Gần đây, qua thông tin của một số người cùng xã đi lao động về thì được biết, chú T nhà chị sang bên Hàn Quốc được một thời gian thì bắt đầu lười lao động mà lao vào các tụ điểm cờ bạc. Có lẽ vì thế mà không có tiền nên không dám liên lạc về nhà. Đến nay đã quá thời hạn lao động, gia đình chỉ mong T trở về nhà cùng chị làm việc, chăm lo gia đình. Chị và gia đình rất lo lắng vì chú T hiện nay đang cư trú bất hợp pháp bên Hàn Quốc.
Cũng tương tự như trường hợp của anh Trần Văn T, anh Nguyễn Văn H, thôn Rừng Dong, xã Đồng Tân cũng được gia đình và địa phương tạo điều kiện cho đi lao động tại Hàn Quốc nhưng do lười lao động lại ham chơi, làm không đủ tiêu, như các cụ ta vẫn nói “bóc ngắn, cắn dài” nên hết thời hạn lao động mà vẫn trắng tay. Vì vậy đã quyết định trốn ở lại bất hợp pháp nhưng đã bị lực lượng chức năng của Hàn Quốc phát hiện khiến gia đình phải chuyển tiền sang để nộp phạt mới được về nước.
Trên chỉ là hai trong số nhiều trường hợp đi lao động nước ngoài nhưng không hiệu quả. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp vì lợi ích cá nhân, khi thời hạn lao động kết thúc đã không về nước đúng như cam kết, tiếp tục trốn ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp. Những trường hợp này đã gây ảnh hưởng xấu về nhiều mặt cho cả hai nước như: việc quản lý nhân khẩu, an ninh trật tự địa phương, việc ký kết hợp đồng lao động tiếp theo giữa hai nước bị chậm lại… Theo thống kê của huyện Hữu Lũng, chỉ riêng lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc hiện nay có khoảng 50 trường hợp đã hết thời hạn nhưng không về nước mà trốn ở lại bất hợp pháp. Ông Trần Quốc Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động huyện cho biết: Tình trạng lao động xuất khẩu hết thời hạn không trở về địa phương mà trốn ở lại bất hợp pháp ngày một phức tạp. Trước thực trạng trên, từ đầu năm 2013 đến nay, Ban chỉ đạo Xuất khẩu lao động huyện Hữu Lũng đã phối hợp cùng Trung tâm Quản lý lao động nước ngoài thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức hai hội nghị gặp mặt thân nhân, gia đình có người lao động ở nước ngoài để tuyên truyền, vận động người lao động nên chăm chỉ lao động, nghiêm túc chấp hành pháp luật của cả hai nước. Đặc biệt là thực hiện đúng về thời hạn lao động đúng như hợp đồng lao đông đã ký kết. Qua các hội nghị, các gia đình đã hiểu rõ những hệ lụy của việc ở lại lao động trái phép bên nước ngoài và đã tìm cách liên hệ để vận động người thân về nước.
Tuy vẫn còn những tồn tại cần nhanh chóng giải quyết nhưng lợi ích từ việc xuất khẩu lao động đã thể hiện rõ nét nhiều năm nay, không chỉ riêng ở huyện Hữu Lũng mà trên cả tỉnh và cả nước nói chung. Nhưng để việc đi lao động ở nước ngoài thực sự là cơ hội “đổi đời” của người lao động thì cần sự quan tâm, sâu sát hơn nữa của các cơ quan quản lý, đồng thời bản thân mỗi người lao động cũng cần xác định rõ động cơ, mục đích chính đáng, phù hợp để có hành động, việc làm đúng đắn.
Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định hành vi lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi làm việc hoặc ở lại làm việc trái phép, cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng sẽ bị phạt tới 100 triệu đồng, đồng thời, người lao động khi làm việc tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng để nâng cao trách nhiệm tuân thủ hợp đồng của người lao động.
Bài, ảnh: ANH DŨNG
Ý kiến ()