Xuất khẩu lao động: Lạng Sơn khó đạt chỉ tiêu
LSO- 9 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 120 người xuất khẩu lao động (XKLĐ). Con số này ít hơn nhiều so với chỉ tiêu 300 người mà mục tiêu đề ra từ đầu năm. Theo nhận định của ngành chức năng, Lạng Sơn khó đạt chỉ tiêu về XKLĐ trong năm nay.
Nhiều nguyên nhân
Thực tế cho thấy, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến số lượng người XKLĐ thấp.
Nguyên nhân chủ quan là do nội dung, hình thức tuyên truyền về XKLĐ chưa thực sự đa dạng. Mặc dù hiện nay người lao động có thể tiếp cận với các nguồn tin từ các trang điện tử, nhưng phần lớn người có nhu cầu XKLĐ lại ở khu vực nông thôn, khó khăn về kinh tế và khả năng tiếp cận công nghệ thông tin. Việc tư vấn, giới thiệu việc làm chủ yếu chỉ tổ chức được ở trụ sở chính. Ngoài ra những đợt về tận địa bàn giới thiệu việc làm chỉ tổ chức có giới hạn, trung bình 12 cuộc/năm nên không thể đáp ứng được hết nhu cầu của người dân tìm cơ hội việc làm ở nước ngoài.
Nguyên nhân khách quan là do người lao động (NLĐ) hiện nay không mặn mà XKLĐ vì tâm lý không yên tâm khi biết một số trường hợp phải về nước trước thời hạn dẫn đến khó khăn trong việc trả lãi ngân hàng. Một số doanh nghiệp được cấp phép để tuyển lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài không qua cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động mà tự liên hệ với địa phương, không báo cáo số lao động được tuyển, gây khó khăn cho công tác quản lý và tổng hợp số liệu về NLĐ địa phương xuất cảnh. Bên cạnh đó, ngoài chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều ngân hàng cũng đã triển khai chương trình cho vay này. Nhưng hiện nay, nguồn vốn cho vay có hạn, mức cho vay thấp, thủ tục phức tạp. Mức cho vay từ 20 – 30 triệu đồng/lao động thì chỉ đủ cho lao động tham gia một số thị trường truyền thống như Malaysia, Trung Đông… Trong khi mức thu nhập của NLĐ ở thị trường này có dấu hiệu đi xuống, chỉ từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập đó, nhiều người cho rằng họ hoàn toàn có thể kiếm được ở Việt Nam.
Người lao động tìm kiếm việc làm qua sàn giao dịch việc làm. Ảnh: THANH HÒA
Để tham gia vào thị trường lao động có mức lương cao hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… NLĐ phải bỏ ra khoản chi phí khá cao, từ 80 – 90 triệu đồng, thậm chí cao hơn tùy đơn hàng. Thêm vào đó, thị trường đòi hỏi NLĐ phải có chất lượng, ý thức, tác phong làm việc và biết tiếng nước đó… mà điều này thì không phải lao động nào cũng đáp ứng được.
Bà Hoàng Thị Sự, khối 1, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, có con là anh La Tiền Phong, sinh năm 1991 đi XKLĐ ở Nhật Bản vào đầu năm 2015 cho biết: “Để con được đi XKLĐ, tôi đã phải cho cháu học tiếng Nhật 7 tháng ở 1 trung tâm dưới Hà Nội, đồng thời với việc học tay nghề cốt pha theo yêu cầu từ phía doanh nghiệp Nhật Bản. Như vậy, gia đình cũng phải mất gần 1 năm chuẩn bị để cháu đi XKLĐ thời hạn 3 năm bên Nhật Bản”.
Giải pháp cho công tác XKLĐ
Bà Hoàng Thị Lê, Phó Trưởng Phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐTB&XH cho biết: thời gian tới chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, Ban Chỉ đạo XKLĐ các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến, quán triệt công tác XKLĐ. Đồng thời phối hợp với các công ty XKLĐ, ngành liên quan để thông tin, tuyển chọn, định hướng cho lao động xuất khẩu; lập danh sách, làm hồ sơ và hoàn thiện các thủ tục liên quan cho NLĐ khi đi XKLĐ. Cùng với đó, lựa chọn các doanh nghiệp XKLĐ có năng lực, uy tín để giới thiệu đến tuyển chọn lao động…
Cao Lộc là huyện có số người trong độ tuổi lao động lớn, trên 40.000 người, song 3 năm nay, số người đi XKLĐ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà Đặng Thị Lan, Phó Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện cho rằng: để công tác này khả quan hơn, ngay từ đầu năm, Phòng đã gửi văn bản về công tác XKLĐ cho 100% xã, thị trấn, yêu cầu thông tin, tuyên truyền trong các hội nghị, họp khối phố thôn bản. Ngoài ra, hướng dẫn người dân khi có nhu cầu đến Trung tâm Giới thiệu việc làm để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, ngành chức năng huyện cần có thêm kinh phí để tuyên truyền riêng về công tác XKLĐ.
Sở LĐTB&XH cũng kiến nghị Bộ LĐTB&XH cần mở rộng thị trường lao động ngoài nước ổn định, chi phí thấp để thu hút lao động nông thôn. Bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm và XKLĐ. Đặc biệt, tiếp tục chỉ đạo các công ty XKLĐ còn có NLĐ nợ quá hạn vốn vay XKLĐ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh nghiêm túc phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết tồn đọng. Bà Lê khẳng định: những kiến nghị trên chính là nhằm giải quyết vướng mắc hiện nay của tỉnh trong công tác XKLĐ.
THANH HÒA
Ý kiến ()