LSO-Hiện nay, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) gặp nhiều khó khăn không chỉ là vấn đề của riêng tỉnh Lạng Sơn mà là tình trạng chung của các tỉnh, thành trong cả nước. Trước bối cảnh kinh tế - chính trị của thế giới diễn ra phức tạp, đặc biệt tại các nước đang là thị trường XKLĐ truyền thống của Việt Nam, không những NLĐ đã đi xuất khẩu gặp bất ổn, phải về nước trước thời hạn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác XKLĐ hiện nay. Làm thế nào để Việt Nam nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng đạt được mục tiêu XKLĐ trong năm 2011 khi mà cái đích đến cuối năm chỉ còn 3-4 tháng nữa…Người lao động tìm hiểu thông tin về việc làm và XKLĐ tại Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnhDư luận xã hội đối với XKLĐTrong thời gian vừa qua, các cơ quan truyền thông đã thông tin rất nhiều về tình hình XKLĐ, đặc biệt là 10.000 lao động đang làm việc tại Lybia phải về nước do tình hình chính trị bất ổn của nước bạn. Cùng với đó, vấn đề mất...
LSO-Hiện nay, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) gặp nhiều khó khăn không chỉ là vấn đề của riêng tỉnh Lạng Sơn mà là tình trạng chung của các tỉnh, thành trong cả nước. Trước bối cảnh kinh tế – chính trị của thế giới diễn ra phức tạp, đặc biệt tại các nước đang là thị trường XKLĐ truyền thống của Việt Nam, không những NLĐ đã đi xuất khẩu gặp bất ổn, phải về nước trước thời hạn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác XKLĐ hiện nay. Làm thế nào để Việt Nam nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng đạt được mục tiêu XKLĐ trong năm 2011 khi mà cái đích đến cuối năm chỉ còn 3-4 tháng nữa…
|
Người lao động tìm hiểu thông tin về việc làm và XKLĐ tại Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh |
Dư luận xã hội đối với XKLĐ
Trong thời gian vừa qua, các cơ quan truyền thông đã thông tin rất nhiều về tình hình XKLĐ, đặc biệt là 10.000 lao động đang làm việc tại Lybia phải về nước do tình hình chính trị bất ổn của nước bạn. Cùng với đó, vấn đề mất ổn định trong việc làm tại một số thị trường lao động truyền thống như Malaysia, Đài Loan… khiến NLĐ phải về nước đã khiến cho dư luận xã hội đối với công tác XKLĐ có nhiều bất cập, nhất là sự bức xúc của người dân đang mang nợ ngân hàng. Anh Hoàng Văn Quý, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, một trong những lao động đi xuất khẩu tại Malaysia về nước trước thời hạn cho biết: Khi công ty XKLĐ tư vấn, tôi thấy rất hấp dẫn, do đó tôi đã làm hồ sơ, thủ tục vay vốn ngân hàng để đi XKLĐ. Hồi đầu công việc cũng đều, nhưng sau công ty họ làm ăn kém hiệu quả, việc ít, lương thấp, có tháng chỉ ngồi chơi. Công việc phập phù khiến cho tôi và nhiều người rất nản, vì thế tôi quyết định về nước trước thời hạn, mặc dù số tiền vay ngân hàng tính cả lãi hầu như còn nguyên, chưa trả được chút nào…
Không chỉ anh Quý, rất nhiều NLĐ đã được các công ty XKLĐ vẽ ra bức tranh tương lai tươi sáng như vậy, nhưng thực tế lại không phải trường hợp nào cũng “gặp may”. Chính vì thế đã tạo ra dư luận xã hội không tốt cho các công ty XKLĐ. Bởi việc vẫn để xảy ra những trường hợp phải về nước trước hạn do công việc và nhiều trường hợp không được xuất cảnh… như hiện nay đã khiến cho người dân không còn mặn mà với các công ty XKLĐ. Và theo lời nhiều người dân thì: nếu đã có bất ổn mà công ty chủ động phối hợp với NLĐ và ngân hàng giải quyết thì người dân còn tin tưởng và thấy họ có trách nhiệm. Thế nhưng sự thật hiện nay là họ thường “lặn” mất tăm, để NLĐ bơ vơ không biết bấu víu vào đâu với đống nợ thì người dân không thể tin được nữa…
Cơ quan quản lý nhà nước nói gì?
Trước những dư luận trên về công tác XKLĐ, ngành LĐTB&XH tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này và mời đại diện phía ngân hàng và các công ty XKLĐ có liên quan đến để cùng nhau tháo gỡ vướng mắc. Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo ngành LĐTB&XH tỉnh cho biết: Nhiều trường hợp thực hiện đúng quy trình đã được phía công ty xem xét và hứa giải quyết. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều NLĐ cứ kêu, nhưng khi đi XKLĐ cũng như khi về nước không hề có thông tin đối với cơ quan quản lý về lao động là ngành LĐTB&XH các cấp. Chính vì thế, cơ quan quản lý nhà nước về lao động không thể nắm được những trường hợp đó. Do vậy, NLĐ cần thực hiện đúng quy trình về XKLĐ, có thông tin với cơ quan quản lý nhà nước để nắm bắt tình hình và khi có vướng mắc có thể tiếp nhận đơn để phối hợp xử lý giải quyết. Mặt khác, công ty XKLĐ cũng cần giữ mối liên hệ với các doanh nghiệp tiếp nhận NLĐ để hiểu rõ công việc, mức lương của NLĐ có đúng với hợp đồng lao động đã ký không. Đồng thời có thông tin trở lại cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động của địa phương.
Thúc đẩy công tác XKLĐ hiện nay
Những khó khăn trên thực sự tác động không nhỏ tới công tác XKLĐ hiện nay. Theo số liệu thống kê, năm 2010 toàn tỉnh mới có 125 người đi XKLĐ. Và 6 tháng đầu năm 2011 mới có 180 trường hợp trên tổng chỉ tiêu giao là 500 người. Như vậy, từ nay đến cuối năm làm thế nào để thúc đẩy thực hiện xuất khẩu cho 320 lao động nữa thực sự là bài toán nan giải. Và theo đó, kế hoạch năm 2012 đưa ra là XKLĐ cho 600 người. Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo ngành LĐTB&XH tỉnh cho rằng: Tỉnh ta xác định cần vượt qua khó khăn để thúc đẩy công tác XKLĐ, bởi đây vẫn là một kênh để tạo việc làm cho lao động nông thôn của tỉnh. Hiện nay, tỉnh đã giới thiệu 3 công ty XKLĐ đến các huyện, thành phố tuyển lao động, tổ chức 3 lớp tiếng Hàn cho 140 người, hướng dẫn 78 lao động hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị xuất cảnh đi lao động ở Hàn Quốc. Cùng với đó, chỉ đạo Phòng LĐTB&XH các huyện, thành phố phối hợp với các đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho người dân nâng cao nhận thức về XKLĐ; kịp thời xử lý những vụ việc phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ.
Lời kết
Có thể khẳng định rằng, công tác XKLĐ vẫn là hướng đi của Việt Nam nói chung, các tỉnh, thành trong cả nước nói riêng để giải quyết việc làm cho NLĐ. Đối với Lạng Sơn cũng vậy, trước mắt tỉnh cần định hướng thế nào để thực hiện được cả tiêu chí số lượng và chất lượng về XKLĐ. Có như vậy mới mong dư luận có cái nhìn tích cực về công tác XKLĐ và thời gian tới bức tranh về XKLĐ mới có được những gam màu tươi sáng hơn.
Thanh Huyền
Ý kiến ()