Thứ 2, 25/11/2024 04:20 [(GMT +7)]
Xuất khẩu hồi tăng cao nhờ chỉ dẫn địa lý
Thứ 6, 21/12/2012 | 11:02:00 [(GMT +7)] A A
Hồi là một trong những cây đặc sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh Lạng Sơn. Tinh dầu hồi đã được các nhà khoa học đánh giá là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm. Với nhiều tính năng và lại được bảo hộ tên gọi xuất xứ, tin rằng, sản lượng hồi Lạng Sơn xuất khẩu sẽ còn tăng cao hơn nữa trong năm 2013.
LSO-Năm 2012, hơn 1 nghìn tấn hoa hồi khô đã được xuất khẩu (gấp 2 lần so với năm 2011). Đạt được kết quả này là nhờ người trồng hồi đã ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào khâu chăm sóc, thu hoạch, còn doanh nghiệp thu mua hoa hồi cũng mạnh dạn đầu tư máy móc vào khâu chế biến, chính vì thế, chất lượng hồi của Lạng Sơn tốt hơn. Đặc biệt, sản phẩm hồi Lạng Sơn được các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Sinh-ga-po, Thái Lan, Ma-lai-xi-a… quan tâm và nhập mua là bởi hồi Lạng Sơn đã xây dựng chỉ dẫn địa lý.
Sơ chế sản phẩm hồi khô
Lãnh đạo Sở KH&CN cho biết, hiện diện tích rừng hồi trên toàn địa bàn vào khoảng trên 33.000ha, trong đó trên 10.000ha đang cho thu hoạch, sản lượng hồi khô hàng năm của Lạng Sơn đạt từ 6.000 – 7.000 tấn. Lạng Sơn được coi là “rốn” hồi của cả nước, tuy nhiên trong những năm qua có một thực tế đáng buồn là thị trường tiêu thụ “chập chờn”, giá hồi lên xuống thất thường làm cho người trồng hồi không quan tâm chăm sóc, điều này khiến chất lượng và sản lượng hồi có xu hướng đi xuống. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã giao Sở KH&CN xây dựng và đăng ký bảo hộ tên gọi và xuất xứ của sản phẩm hoa hồi. Sau quá trình xây dựng dự án, đến ngày 28/5/2007, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã công bố Quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa đối với sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn (nay là chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn), từ đó chỉ dẫn địa lý sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ. Đây là cơ sở quan trọng để cây hồi Lạng Sơn phát triển có quy hoạch, tập trung đầu tư khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường… tránh tình trạng sản xuất bấp bênh, chất lượng không đảm bảo và trôi nổi trên thị trường như nhiều năm vừa qua. Không chỉ xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn, thông qua hợp tác quốc tế về lĩnh vực khoa học, thời gian qua, Sở KH&CN đã phối hợp với đối tác phía Trung Quốc cùng “cải tạo rừng hồi năng suất thấp và ứng dụng kỹ thuật vào chế biến sản phẩm hồi”. Việc ứng dụng kỹ thuật mới vào trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm hồi đã mang lại rất nhiều lợi ích, dễ nhận ra nhất là từ đó cho đến nay, giá trị của sản phẩm hồi Lạng Sơn đã tăng gấp 2,5 đến 3 lần. Đặc biệt, việc xây dựng được thường hiệu cho sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn đã khiến rất nhiều nước trên thế giới biết đến cây hồi của Lạng Sơn.
Ông Mai Hồng Phi, Phó Giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất khẩu nông – lâm – sản Lạng Sơn tâm sự: Chất lượng hồi của Lạng Sơn không chỉ được đánh giá là tốt nhất ở Việt Nam, mà trên phạm vi thế giới, sản phẩm hồi của xứ Lạng vẫn đứng đầu về chất lượng. Tuy Việt Nam chưa phải là nước đứng đầu về sản lượng hồi xuất khẩu, nhưng sản phẩm của chúng ta luôn được các nước ở châu Âu, châu Á tin dùng. Các doanh nghiệp nước ngoài thường xuyên gọi điện đặt hàng, số lượng bao nhiêu họ cũng mua hết. Tuy nhiên, do sản phẩm hoa hồi của Lạng Sơn chủ yếu vẫn là sơ chế, điều này khiến sản lượng đạt tiêu chuẩn về chất lượng để xuất khẩu chưa cao, do đó sản lượng xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Năm 2012, công ty đã xuất khẩu được hơn 500 tấn hoa hồi khô, 90% số lượng này được nước Ấn Độ nhập. Theo ông Phi, sản lượng xuất khẩu sản phẩm hoa hồi khô của Lạng Sơn sẽ lớn hơn nếu như chất lượng hồi của bà con đảm bảo theo tiêu chuẩn mà các nước quy định. Cụ thể, theo đơn đặt hàng thì năm 2013, công ty có thể sẽ xuất khẩu được ít nhất là 800 tấn hoa hồi khô, số lượng này sẽ tăng nếu chất lượng hoa hồi được bảo đảm ngay từ khâu thu hoạch. Được biết, hiện công ty TNHH chế biến và xuất khẩu nông – lâm – sản Lạng Sơn đã được Sở KH&CN cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hoa hồi của Lạng Sơn. Điều này đã giúp rất nhiều cho công ty trong việc khẳng định vị thế và thương hiệu của hồi Lạng Sơn trên thị trường quốc tế. Không chỉ các công ty kinh doanh xuất khẩu hồi được lợi mà bà con trồng hồi cũng hưởng lợi từ việc tỉnh ta đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Trao đổi về câu chuyện này, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội sản xuất – chế biến và kinh doanh hồi Lạng Sơn cho biết: Từ khi hồi Lạng Sơn được đăng ký bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa, các hội viên của hội đã được hưởng lợi rất nhiều. Hơn 300 hội viên của hội đã liên kết thành một vòng khép kín từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến khâu chế biến và bán sản phẩm. Các hội viên không những được hỗ trợ về kỹ thuật, về thông tin thị trường…, việc được bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa đã giúp giá hồi ổn định, hiện giá hồi khô luôn giữ ở mức 30 – 35 nghìn đồng/kg. Trong năm, các hội viên cũng đã xuất khẩu được hơn 500 tấn hồi và khoảng 1 nghìn lít tinh dầu hồi.
Hồi là một trong những cây đặc sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh Lạng Sơn. Tinh dầu hồi đã được các nhà khoa học đánh giá là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm. Với nhiều tính năng và lại được bảo hộ tên gọi xuất xứ, tin rằng, sản lượng hồi Lạng Sơn xuất khẩu sẽ còn tăng cao hơn nữa trong năm 2013.
Trí Dũng
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()