Xuất khẩu hoa quả: Cần chủ động thực hiện các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc
(LSO) – Thời gian qua, Trung Quốc siết chặt việc áp dụng các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc đối với mặt hàng hoa quả, đặc biệt là nước bạn chỉ cho phép nhập khẩu chính ngạch 8 loại hoa quả đã được ký kết theo hiệp định thương mại.
Từ ngày 16/12/2018 đến nay, Trung Quốc siết chặt các quy định về quản lý giám sát, kiểm dịch hàng thuỷ sản, nông sản nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng hoa quả tươi nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, các loại hoa quả không thuộc danh mục nhập khẩu sẽ không được phép khai báo hải quan, không xét duyệt kiểm dịch, không cho phép nhập khẩu. Chính vì vậy, trong suốt những ngày qua, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất khẩu mặt hàng hoa quả tươi gặp nhiều khó khăn.
Theo thông tin từ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7, hiện chỉ có 8 loại hoa quả tươi được phép xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu của Lạng Sơn, đó là: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm. Những mặt hàng hoa quả này nếu đảm bảo các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc (có bao bì, dán tem nhãn chứng nhận xuất xứ nguồn gốc…) thì mới được làm thủ tục hải quan.
Kiểm dịch chất lượng hoa quả trước khi xuất khẩu
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn không nắm rõ quy định, nên đã “tắc” khi thực hiện xuất khẩu mặt hàng hoa quả tươi. Bà Nguyễn Bích Nguyệt, đại diện Công ty Xuất nhập khẩu hàng nông sản Tân Thanh cho biết: Công ty chủ yếu thực hiện ủy thác xuất khẩu cho một số hợp tác xã, các tư thương một số mặt hàng như: chuối, thanh long, nhãn, xoài… sang Trung Quốc. Trong những ngày qua, khi Trung Quốc siết chặt quy định về kiểm dịch, quy định về bao bì, tem nhãn… có nhiều hợp tác xã, tư thương phải quay đầu để chuyển khẩu. Có những lô hàng đã thông quan nhưng lại bị trả về vì không đạt tiêu chuẩn về tem, nhãn, quy cách đóng gói.
Trao đổi về những vấn đề của các doanh nghiệp, tư thương hoạt động lĩnh vực xuất khẩu mặt hàng hoa quả tươi đang gặp phải, lãnh đạo một số chi cục hải quan cho biết, các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hàng hoa quả tươi thường đi mua gom sản phẩm của nông dân nên các sản phẩm chưa có tem, nhãn, mác, bao bì. Để đảm bảo hàng đúng quy định của Trung Quốc và các doanh nghiệp đối tác, doanh nghiệp phải chủ động đăng ký với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau đó in tem, nhãn, bao bì, đóng đúng theo yêu cầu của bên nhập khẩu. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện điều đó vì đầu tư bao bì, nhãn, mác thì sẽ làm tăng chi phí, thời gian.
Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7, kiêm Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh cho biết: Để thông quan một cách nhanh chóng thì các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả cần chủ động hơn nữa trong việc thực hiện các quy định đòi hỏi của thị trường.
Trước ngày 16/12/2018, một số mặt hàng hoa quả Việt Nam như: chanh leo, bưởi, roi, sầu riêng, măng cụt… không được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc doanh nghiệp gặp trục trặc trong khâu xuất bởi chưa đáp ứng được những yêu cầu về tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc và quy định kiểm dịch của Trung Quốc khiến tình hình xuất khẩu hoa quả tươi qua cửa khẩu Tân Thanh nói riêng và một số cửa khẩu trên địa bàn trong những ngày qua giảm rõ rệt. Cụ thể, từ ngày 16/12/2018 – 31/12/2018, có hơn 44,2 nghìn tấn hoa quả xuất khẩu, giảm 15,7% so với thời điểm cùng kỳ năm 2017. |
Ý kiến ()