Xuất khẩu gạo bứt phá
Lượng hợp đồng xuất khẩu gạo liên tục tăng và đạt mức tăng kỷ lục trong tháng 8, khiến Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2017 lên 5,6 triệu tấn, thay vì 5,2 triệu tấn đưa ra hồi tháng 7.
Nhiều tín hiệu vui
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng gạo xuất khẩu (XK) tháng 9 ước đạt 466 nghìn tấn, giá trị đạt 210 triệu USD, đưa khối lượng XK gạo chín tháng đầu năm 2017 ước đạt 4,57 triệu tấn và 2,02 tỷ USD, tăng 20,8% về khối lượng và tăng 18,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc tiếp tục đứng đầu nhập khẩu gạo của Việt Nam.
XK gạo tăng so với cùng kỳ năm 2016 cả về số lượng và trị giá nhờ sự tăng trưởng XK sang các thị trường truyền thống, như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bangladesh, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại. Cụ thể, tại thị trường Malaysia, các doanh nghiệp (DN) đã ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng 150 nghìn tấn; tại thị trường Bangladesh ký được các hợp đồng tập trung với tổng khối lượng 250 nghìn tấn; tại Philippines, bốn thương nhân Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 175 nghìn tấn gạo… Các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như Australia, một số thị trường thuộc Tây Á cũng có sự tăng trưởng mạnh.
Trong những tháng qua, tháng 8 được coi là thời điểm XK gạo bứt phá mạnh nhất khi tăng 70% về lượng và 56,8% về trị giá FOB. Lượng hợp đồng đăng ký XK cũng tăng kỷ lục với gần 842 nghìn tấn, tăng 207% so so với tháng 7-2017 và tăng gần 115% so với cùng kỳ. Phần lớn các hợp đồng này đăng ký XK nếp, gạo trắng, gạo thơm và tấm đi Trung Quốc; gạo 25% tấm đi Philippines; gạo thơm đi châu Phi; gạo Japonica đi châu Đại Dương…
Mặt hàng gạo được dự báo sẽ còn gia tăng kim ngạch XK khi mới đây, Bộ Lương thực Bangladesh thông báo mời thầu mua 50 nghìn tấn gạo đồ Non-Basmati. Đây cũng là một trong những thị trường tiềm năng của gạo Việt Nam. Do đó, tháng 5 vừa qua, Chính phủ hai nước gia hạn Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo và sẽ có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký (từ năm 2017-2022). Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến một triệu tấn. Sau lễ ký, phía Bangladesh đã thông báo mong muốn mua ngay của Việt Nam khoảng 250 nghìn – 300 nghìn tấn gạo trắng 5% tấm và mua tổng số lượng khoảng 500 nghìn tấn gạo của Việt Nam từ tháng 5 đến hết năm 2017. Nếu DN trúng gói thầu 50 nghìn tấn gạo nói trên sẽ giúp thị trường gạo tiếp tục được cải thiện tốt hơn.
Ngoài Bangladesh, Philippines cũng mở hạn ngạch nhập khẩu gạo theo cơ chế MAV (cơ chế tiếp cận thị trường tối thiểu) 2017-2018. Theo đó, lượng gạo sẽ nhập từ Việt Nam theo cơ chế MAV là 293.100 tấn (tương đương với Thái-lan). Giai đoạn 1 của NK theo cơ chế MAV sẽ bắt đầu từ 20-12-2017 đến không muộn hơn 28-2-2018. Đồng thời, Trung Quốc cũng được cho là sẽ tiếp tục NK gạo từ Việt Nam trong những tháng cuối năm với các loại gạo nếp, gạo trắng, gạo thơm, tấm… để phục vụ cho nhu cầu những tháng cuối năm.
Với tình hình thị trường và lượng hợp đồng đăng ký XK gạo tăng kỷ lục trong tháng những tháng qua và sự chuyển biến mạnh của thị trường, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã đưa ra dự báo, XK gạo của Việt Nam có thể đạt hơn 5,6 triệu tấn trong năm 2017, thay vì con số 5,2 triệu tấn đã đặt ra trước đó.
Thêm hỗ trợ cho hạt gạo
Tạo điều kiện hỗ trợ cho XK gạo, Bộ Công thương đã và đang ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo thuận lợi cho DN. Mới đây, Bộ đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường XK gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ chủ động phối hợp các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Cụ thể, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ chủ trì phối hợp Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên xây dựng Kế hoạch và giải pháp phát triển từng thị trường XK gạo, tập trung vào các thị trường trọng điểm, tiềm năng. Kế hoạch này được xây dựng trong giai đoạn 2017-2018 và triển khai từ 2018-2030. Cục Xuất nhập khẩu chủ trì theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến tình hình thị trường gạo thế giới và trong nước để kịp thời đề xuất giải pháp ứng phó với biến động của thị trường được giao. Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại có trách nhiệm thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lúa gạo, tổ chức cập nhật thông tin và duy trì vận hành, cập nhật thông tin thị trường lúa gạo phục vụ công tác điều hành và phát triển thị trường XK.
Đối với việc hoàn thiện thể chế, Cục Xuất nhập khẩu có trách nhiệm rà soát, hoàn thiện cơ chế điều hành và quản lý hoạt động kinh doanh XK gạo phù hợp với tình hình thị trường; sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn; rà soát, tổng hợp tình hình, đề xuất cơ chế, chính sách quản lý, điều tiết hoạt động nhập khẩu thóc, gạo. Cục Xuất nhập khẩu cũng có nhiệm vụ định hướng, hỗ trợ các thương nhân xây dựng chiến lược mặt hàng, thị trường XK gạo của doanh nghiệp; nâng cao năng lực công tác thị trường, đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế…
Bộ Công thương cũng đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 109 về kinh doanh XK gạo. Dự thảo Nghị định có nhiều thay đổi căn bản về quy định điều kiện kinh doanh XK gạo theo hướng tạo thuận lợi và giảm tối đa chi phí gia nhập thị trường của thương nhân. Đây được đánh giá là bước đột phá về cải cách hành chính của Bộ Công thương trong lĩnh vực XK gạo. Khi được ban hành sẽ giúp DN gặp nhiều thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh XK gạo thời gian tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()