Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm đạt 352 triệu USD
Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm đạt 352 triệu USD, giảm 18,3% về giá trị. Lý giải về sự sụt giảm này, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho rằng, do đầu năm chưa phải là cao điểm xuất nhập khẩu vì trước đó các khách hàng đã chủ động mua dự trữ cho kỳ nghỉ lễ dài ngày. Tuy nhiên, dự báo trong những tháng tới, xuất khẩu gạo được sẽ được cải thiện tích cực hơn.
Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm đạt 352 triệu USD (Ảnh minh họa: KL) |
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 2 năm 2021 ước đạt 290 nghìn tấn với giá trị đạt 160 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2021 đạt 638 nghìn tấn với giá trị 352 triệu USD, giảm 31,4% về khối lượng và giảm 18,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ tính riêng tháng 1/2021, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 47,6% thị phần, đạt 169,9 nghìn tấn và 91,4 triệu USD, tăng 25,6% về khối lượng và tăng 48,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Gana (gấp 3,13 lần), Trung Quốc (gấp 2,8 lần) và Australia (2,6 lần). Tính bình quân giá gạo xuất khẩu tháng 1/2021 đạt 551,7 USD/tấn, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Về chủng loại xuất khẩu, trong tháng 1/2021, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 39,2% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 36,5%; gạo nếp chiếm 20,2%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 3,9%, còn các loại gạo khác chiếm 0,2%.
Trên thị trường thế giới, trong tháng 2/2021, giá gạo Việt Nam đạt 513 USD/tấn vào đầu tháng, tuy nhiên đến giữa tháng giảm xuống còn khoảng 508 USD/tấn. Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đạt 405 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã giảm xuống 396 USD/tấn vào cuối tháng.
Tại thị trường trong nước, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, giá lúa, gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến trầm lắng trong tháng 2 do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đồng thời, nguồn cung bắt đầu tăng khi nông dân thu hoạch lúa Đông Xuân trở lại. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 giữ ở mức 6.800 đồng/kg; lúa OM 2514 giữ ở mức 6.700 đồng/kg; lúa gạo thường ở mức 10.500 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 14.500 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 ổn định ở mức 7.300 – 7.400 đồng/kg; lúa OM 6976 ở mức 7.500 – 7.800 đồng/kg.
Đánh giá chung về tình hình xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho rằng, xuất khẩu gạo giảm do đầu năm chưa phải là cao điểm xuất nhập khẩu vì trước đó các khách hàng đã chủ động mua dự trữ cho kỳ nghỉ lễ dài ngày. Trong khi đó, nguồn cung trong nước ở mức thấp khi vụ Đông Xuân chưa thu hoạch rộ, cùng với đó, giá lúa gạo đang ở mức cao khiến các doanh nghiệp thu mua và khách hàng nước ngoài đều có tâm lý chờ giá giảm. Bên cạnh đó, ngoài yếu tố mùa vụ thì khó khăn trong vấn đề vận chuyển do thiếu hụt container rỗng, giá cước vận chuyển tăng cao trong thời gian qua cũng khiến hoạt động xuất khẩu gạo có nhiều hạn chế.
Dự báo trong những tháng tới, xuất khẩu gạo được sẽ cải thiện tích cực hơn bởi cuối tháng 2 đến giữa tháng 3/2021 là thời điểm nông dân sẽ thu hoạch vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, nguồn cung lúa gạo dồi dào có thể khiến giá lúa gạo trong nước giảm nhẹ. Mặt khác, việc Ấn Độ đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo với mức giá cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng gây áp lực lên giá gạo của Việt Nam trong thời gian tới./.
Ý kiến ()