Xuất khẩu dệt may Việt Nam khó đạt mức mức tăng trưởng 7%
Việc người dân Anh quyết định rời EU đã tạo nên một cơn rung chấn làm chao đảo toàn bộ nền kinh tế Anh, đồng Bảng ngay lập tức mất giá nhiều nhất so với đồng USD trong 31 năm qua. Điều này ảnh hưởng đến xuất khẩu dệt may Việt Nam như thế nào?
Phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết tình hình xuất khẩu may mặc vào thị trường Anh trong những năm vừa qua?
Ông Lê Tiến Trường:Anh là một trong những thị trường có quy mô lớn nhất của dệt may Việt Nam trong 28 nước EU. Thường xuyên trong top 5 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào EU là Anh, Pháp, Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha. Trong 4 tháng đầu năm 2016, Anh là thị trường có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam tại EU với 204 triệu USD, tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng rất khả quan nếu đặt trong bối cảnh thị trường dệt may thế giới năm nay, khi mà sau 5 tháng thị trường Mỹ cũng chỉ tăng khoảng 5,5%, Nhật tăng 1,7%.
PV:Vậy ả nh hưởng của việc Anh rời EU tới xuất khẩu may mặc Việt Nam khi đồng Bảng mất giá là như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Tiến Trường:Chắc chắn về lý thuyết, khi đồng Bảng mất giá, hàng hóa nhập khẩu sẽ bị đắt lên so với sản xuất trong nước. Sẽ làm giảm cầu sử dụng hàng hóa. Tuy nhiên, do Anh là một nước phát triển cao, trong khi hàng hóa may mặc lại là loại hàng hóa thiết yếu đã từ lâu không còn sản xuất trong nước. Do vậy, về phương diện khả năng thay thế của hàng hóa trong nước, chúng tôi đánh giá sẽ không phải là yếu tố ảnh hưởng lớn. Chủ yếu là cầu sẽ yếu đi, làm giảm khả năng tiêu thụ hàng hóa, khó giữ được mức tăng trưởng 6-7% như trong 5 tháng đầu năm.
PV: Ông cho biết giải pháp trong thời gian tới đối với các mặt hàng xuất khẩu may mặc tại thị trường này?
Ông Lê Tiến Trường:Nói ngay đến giải pháp ở thời điểm này có lẽ quá vội vàng, chúng ta mới trong ngày đầu tiên đón nhận quyết định rời EU của người dân Anh. Quá trình đàm phán hoàn tất việc rút lui theo các chuyên gia tối thiểu cũng mất 2 năm. Chúng tôi cho rằng, lúc này cần bình tĩnh chờ đợi sự ổn định trở lại của thị trường tài chính EU, tâm lý người dân Anh và EU… sau đó mới có thể có đủ hơn các thông tin phản ứng của thị trường. Từ đó mới tính đến được các giải pháp. Trong ngắn hạn, chúng tôi vẫn tập trung hoàn thành tốt các đơn hàng đang có phục vụ thị trường Anh, tiếp tục xúc tiến thỏa thuận đơn hàng quý 4 như điều kiện bình thường để có thể tiếp nhận sát nhất các thông tin từ thị trường Anh.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()