Xuất khẩu đạt kỷ lục, thách thức vẫn đan xen
Hàng hoá Việt Nam hiện có mặt ở 200 thị trường. |
Hàng hoá Việt Nam có mặt ở 200 thị trường
Nhận định về thị trường tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thông thường kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng cuối năm thường đạt khá cao so với đầu năm do đây là thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp mua sắm lớn nhất trên toàn cầu trong cả năm như Lễ Giáng sinh, tết Dương lịch, tết Âm lịch ở Việt Nam và một số nước châu Á…
Hầu hết các thị trường trọng điểm của Việt Nam đều có kim ngạch xuất khẩu tăng cao.
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 38 tỷ USD, giảm 2,3%; Trung Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 0,6%; thị trường ASEAN đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 18,4 tỷ USD, tăng 10,1%.
Đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, với 166,7 tỷ USD, tăng 3,8 tỷ USD trong 11 tháng qua. Khu vực kinh tế Nhà nước tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức cao, cho thấy những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang đi đúng hướng.
Dẫn chứng, Thứ trưởng cho biết, vốn FDI đăng ký cấp mới trong tháng 10/2019 đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay, với trị giá đạt 1,86 tỷ USD. Tính chung cho 10 tháng năm 2019, tổng trị giá vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn cổ phần đạt 29,1 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Với kết quả này, thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam đạt 10,9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 9,1 tỷ USD ước tính trước đó.
“Với kim ngạch xuất khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau của tháng 12, chỉ sau đúng 2 năm con số 400 tỷ USD được thiết lập. Đây là con số ấn tượng và rất đáng ghi nhận của kinh tế Việt Nam năm 2019”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Có thể thấy, nhiều yếu tố thuận lợi sẽ đến với xuất khẩu khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào thương mại quốc tế với 13 Hiệp định thương mại (FTA) được ký kết và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với nhiều nhà cung cấp khác nhờ hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ. Trong đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam-EU (EVFTA) đã được ký kết và dự kiến có hiệu lực năm 2020 đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất mới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp. |
Ảnh hưởng của kinh tế thế giới
Mặc dù đạt nhiều thành tựu trong năm vừa qua, nhưng Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vẫn nhìn nhận “năm 2020 sẽ là năm có nhiều khó khăn và thách thức”. Theo người đứng đầu ngành công thương, những thách thức trên phần lớn đến từ tình hình thế giới về cả khía cạnh chính trị và thương mại “sẽ còn diễn biến phức tạp”.
“Câu chuyện về diễn biến xung đột thương mại, thậm chí là chiến tranh thương mại giữa các cường quốc chưa chấm dứt và sẽ còn tiếp tục có những biểu hiện phức tạp, mở rộng ra nhiều lĩnh vực, cấp độ. Bất ổn tại khu vực và quốc tế cũng tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lan rộng nhiều khía cạnh từ tôn giáo, đến vấn đề an ninh, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Điều đó có thể đe dọa đến ổn định của kinh tế và thương mại toàn cầu”, Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận.
Phân tích rõ hơn về những ảnh hưởng này, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều tổ chức đã dự báo kinh tế thế giới trong thời gian tới tiếp tục giảm tốc.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ngày 21/11 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020, đồng thời cho biết không thấy có dấu hiệu kinh tế toàn cầu năm 2021 phục hồi mạnh do những rủi ro từ căng thẳng thương mại. Theo đó, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,9% năm 2020, giảm 0,1% điểm so với dự báo tổ chức này đưa ra hồi tháng 9 vừa qua.
Trong tháng 10/2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,0% trong năm 2019, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 7 và là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi lên 3,4% trong năm 2020, nhưng dự báo này vẫn thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 7/2019.
Chưa kể, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc tiếp tục tác động đa chiều tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu giảm.
Ngoài ra, xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn gặp nhiều trở ngại do nước này tăng cường kiểm tra, siểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
“Chỉ số PMI (Chỉ số quản lý thu mua) đo lường sức khỏe của ngành chế biến chế tạo trong những tháng gần đây không mấy khả quan. Trong tháng 10/2019, chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, xuống chỉ còn 50 điểm, đây là mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với những khó khăn thách thức như xuất khẩu điện thoại các loại, đây là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Chưa kể đến việc EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam, cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hoá nông sản, thuỷ sản do ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản trong khi cầu hạn chế. Kiểm soát vấn đề chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đang là vấn đề cần được quan tâm mạnh mẽ. Trong khi đó, giá các mặt hàng nông, thuỷ sản đang trong xu hướng giảm.
Trong tình hình nêu trên, một giải pháp khá súc tích và cụ thể mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra là lời cam kết “tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tích cực phối hợp với các bộ, ngành và chủ động cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục để hỗ trợ xuất khẩu trong thời gian tới”.
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()