Xuất khẩu chè và những vấn đề đặt ra
Nghề chè ở nước ta đã có từ lâu. Trong chiến lược xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, nghề trồng chè ngày càng được quan tâm hơn và chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế. Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia sản xuất chè lớn nhất thế giới.
Thị trường có xu hướng ngày càng co hẹp
Trong quá trình hình thành và phát triển, vị thế cây chè liên tục được khẳng định, diện tích trồng chè không ngừng được mở rộng. Sản xuất chè ở Việt Nam có nhiều lợi thế như đa dạng và phong phú về giống. Ngoài các giống cũ, đã có trên 40 loại giống mới cho chất lượng và năng suất cao, có hương vị đặc biệt, được nhiều người ưa chuộng. Cũng đã có nhiều mô hình canh tác cho năng suất cao với nhiều vùng chè chất lượng tốt như Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng)… Mặt khác, cây chè cũng đã giải quyết việc làm cho khoảng 400.000 hộ sản xuất của 35 tỉnh. Hiện, tổng diện tích trồng chè của cả nước khoảng 124.000 ha, với sản lượng khoảng 900 nghìn nghìn tấn búp tươi, sản lượng chè khô chế biến đạt khoảng 200.000 tấn/năm. Ở nước ta, chè là một trong những cây có giá trị xuất khẩu cao. Năm 2012, sản phẩm trà của Việt Nam đã xuất khẩu sang 103 nền kinh tế, với giá trị chính ngạch đạt 218 triệu USD.
Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là thị trường xuất khẩu trà của Việt Nam lại đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Chẳng hạn, nếu như năm 2011, sản phẩm trà của Việt Nam được xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, thì đến năm 2012 con số này chỉ còn 103, và những tháng đầu năm 2014, con số này giảm xuống chỉ còn khoảng 61. Nhiều ý kiến cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng về cơ bản là do sản phẩm chè của Việt Nam còn nghèo nàn về chủng loại, chất lượng, mẫu mã chưa hấp dẫn nên sức cạnh tranh thấp; giữa trồng, chế biến và sản xuất nguyên liệu chưa gắn kết với nhau. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chưa thực sự bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng cũng như chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm chè Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cần ra sức nâng cao chất lượng chè và sản phẩm trà
Để ngành chè khắc phục được những tồn tại, đưa ngành chè Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp thiết thực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và sự phát triển chung của đất nước, các ngành, các cấp cần quan tâm, chú trọng hơn trong việc ổn định diện tích, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sản lượng trên một đơn vị canh tác. Nỗ lực mở rộng và xây dựng vườn chè tiêu chuẩn dẫn đến mở rộng nhân giống hệ vô tính cây chè tốt và cải tạo vườn chè già cỗi và kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh tổng hợp bằng chất không có độc như vật lý, sinh vật. Tăng cường hơn nữa sự an toàn tin cậy của cơ sở sản xuất chè và nỗ lực nâng cao trình độ sản xuất, chất lượng chè để hoà nhập sâu hơn với thị trường quốc tế. Tăng cường áp dụng giống mới vào sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để nâng cao chất lượng và hiệu quả của sản xuất chè. Nâng cao hiệu quả của mối liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp chế biến sản phẩm để đáp ứng tốt hơn yêu cầu đa dạng hoá sản phẩm chè Việt Nam.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để thúc đẩy nâng cấp ngành sản xuất chè, mở rộng phát triển quảng bá kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật sản xuất chè, cơ giới hoá máy móc chế biến gia công chè và kỹ thuật sản xuất tự động hoá và gia công chè. Nâng cao hiệu quả giám sát chất lượng, định kỳ kiểm tra đối với thị trường chè; nâng cao nhận thức nhãn hiệu của doanh nghiệp, tăng cường nhãn hiệu hàng hoá, sức cạnh tranh. Thông qua việc tăng cường tuyên truyền văn hoá chè và tác dụng của chè đối với sức khoẻ, cũng như thông qua những cuộc triển lãm chè trên toàn quốc để nâng cao nhận thức cho người dân về tác dụng uống chè sẽ có lợi cho sức khoẻ từ đó làm cho mọi người thích uống chè, và như vậy khả năng tiêu thụ chè sẽ không ngừng nâng lên.
Tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về mặt tài chính đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm trà để giúp họ vượt qua những khó khăn, hạn chế và hỗ trợ họ quảng bá thương hiệu của riêng họ. Điều này sẽ giúp họ có thể dễ dàng xâm nhập vào được thị trường quốc tế và tăng thu nhập ngoại tệ cho đất nước cũng như giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Đẩy mạnh các hoạt động triển lãm chè quốc tế hoặc tổ chức các chuyến đi thăm quan triển lãm chè quốc tế nhằm mục đích tương tác với các thương gia chè quốc tế để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chè. Điểm đáng chú ý, để nâng cao cấp bậc thương hiệu quốc tế, cần quan tâm hơn đến hình dáng, cách đóng gói để góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm. Ra sức tìm hiểu về thương hiệu quốc tế cũng như những công nghệ tiên tiến trên thế giới để rút kinh nghiệm hay ứng dụng để khắc phục những điểm yếu còn hiện hữu của ngành chè hiện nay.
Phát triển các làng nghề sản xuất, chế biến chè truyền thống gắn với bản sắc văn hoá các dân tộc, xứng với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng đặc sản chè. Chú trọng xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu chè; kết hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè với du lịch, văn hoá, lịch sử. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường nước ngoài. Khuyến khích các doanh nghiệp và các vùng đăng ký chỉ dẫn địa lý; tăng cường xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế thông qua các hoạt động văn hoá để người dân thế giới có thêm hiểu biết về chè Việt Nam, đồng thời cũng gia tăng giá trị văn hoá của chè và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ chè đối với người dân trong nước…
Theo Dangcongsan.vn

Ý kiến ()