Xuất khẩu cao su khô của Campuchia tăng 33%
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Cao su (Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia), nước này đã xuất khẩu hơn 110.000 tấn cao su khô trong chín tháng đầu năm nay (tăng gần 33% so cùng kỳ năm ngoái) với mức giá trung bình 1.682 USD/tấn, thu về 192 triệu USD.
Cao su của Campuchia chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, Việt Nam, Singapore và Malaysia. Trong cả năm 2016, Campuchia chỉ xuất khẩu được 140.000 tấn cao su, đạt kim ngạch 180 triệu USD.
Tháng bảy vừa qua, Thời báo Khmer dẫn lời Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su Campuchia Pol Sopha cho rằng: “Giá cao su đã vượt qua điểm hòa vốn, nhưng vẫn chưa đủ cao để tạo lợi nhuận ròng bù đắp cho những thua lỗ mà các nhà sản xuất cao su ở Campuchia đã phải gánh chịu trong cuộc khủng hoảng rớt giá cao su vài năm trở lại đây”.
Theo ông Sopha, khối lượng cao su xuất khẩu từ Campuchia tiếp tục tăng do nhiều cây trồng nay đã đến lúc thu hoạch. Đến nay, Campuchia đã có hơn 434.000 ha trồng cao su, trong đó 162.000 ha đã có thể thu hoạch được.
Bộ trưởng Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia Veng Sakhon từng dự báo, từ năm 2018 đến năm 2022, nguồn cung cao su thế giới sẽ tăng hơn nhu cầu, do đó sẽ kéo giá xuống. Tuy nhiên, tới năm 2023, giá sẽ tăng trở lại khi cầu vượt cung.
Các doanh nghiệp sản xuất cao su ở Campuchia kêu gọi Chính phủ nước này giảm thuế xuất khẩu cao su để thúc đẩy đầu tư trong nước, và tăng sức cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.
Ngành công nghiệp cao su Campuchia hình thành có phần đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam. Tại một cuộc hội thảo diễn ra ở thủ đô Phnom Penh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) Huỳnh Trung Trực cho biết, tính đến ngày 30-6-2016, tổng diện tích cao su các doanh nghiệp Việt Nam đã trồng được tại Campuchia là hơn 180 nghìn ha trong tổng quỹ đất các doanh nghiệp Việt Nam được Chính phủ Campuchia cấp để trồng cao su là hơn 200 nghìn ha. Đây là một thành tựu lớn bởi để có được con số này, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mất có chín năm so sánh với Pháp trồng cây cao su 47 năm mà chỉ được có 53.000 ha, ông Trực nhấn mạnh.
Vốn đầu tư vào lĩnh vực cao su cũng chiếm tới khoảng 60% trong tổng số vốn đầu tư đăng ký lũy kế khoảng 2,9 tỷ USD của Việt Nam sang Campuchia cho tới nay.
Cùng với hoạt động đầu tư kinh doanh tại Campuchia, các doanh nghiệp cao su Việt Nam tích cực đóng góp vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn triển khai dự án, như xây dựng đường giao thông, trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt, nhà ở cho công nhân…, được phía Campuchia đánh giá cao.
Theo Nhandan
Ý kiến ()