Xuất khẩu cá ngừ dự kiến tăng cao trong “bão lạm phát”
Trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam có sự tăng trưởng tốt ở hầu hết các thị trường, ngoại trừ các thị trường có biến động chính trị lớn như châu Âu, Israel và Ai Cập.
Biến động kinh tế toàn cầu cùng với những biến động chính trị đã tác động mạnh mẽ đến chi tiêu, tiêu dùng của người dân hiện nay. Những tác động này khiến cho chi tiêu cao hơn với một lượng hàng hóa ít hơn.
Tuy nhiên, với nhu cầu lương thực, thực phẩm, người tiêu dùng có cắt giảm thì cũng phải đáp ứng khẩu phần tối thiểu. Điều này khiến cho các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu vẫn có chỗ đứng trên thị trường thế giới; trong đó, có sản phẩm cá ngừ Việt Nam.
Dự kiến tăng trưởng 45%
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam có sự tăng trưởng tốt ở hầu hết các thị trường, ngoại trừ các thị trường có biến động chính trị lớn như châu Âu, Israel và Ai Cập.
Sở dĩ những thị trường này có sự tăng trưởng chững lại so với thị trường khác là vì cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá của không chỉ các mặt hàng năng lượng tăng, mà nhiều loại lương thực, thực phẩm tại các nước cũng tăng giá rất mạnh.
VASEP cho biết, tại thị trường Mỹ, tính đến hết tháng 6/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ đạt hơn 300 triệu USD, tăng 96% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong tháng 6.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng đánh bắt cá ngừ tại khu vực Đông Thái Bình Dương (EPO) thấp, ảnh hưởng tới sản lượng khai thác của đội tàu đánh bắt của Mỹ.
Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao đã đẩy nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp tăng lên. Tất cả những điều này đã thúc đẩy nhập khẩu cá ngừ của Mỹ từ các nguồn cung; trong đó, có Việt Nam.
Đối với các thị trường thuộc khối CPTPP (Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chuyên gia ngành cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, xuất khẩu cá ngừ sang Canada, Nhật Bản và Mexico tiếp tục đà tăng trưởng khả quan.
Tính đến hết tháng 6/2022, CPTPP là khối thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam (sau Mỹ và châu Âu).
Nhu cầu nhập khẩu cá ngừ từ các nước tham gia Hiệp định này đạt 68 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu sang Canada tăng 68%, sang Nhật Bản tăng 26% và sang Mexico tăng 30%.
Riêng Chile, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này sau khi chững lại trong tháng 5 đã có dấu hiệu giảm trong tháng 6, giảm 48%.
Ngoài ba thị trường nhập khẩu cá ngừ Việt Nam lớn trên, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá ngừ sang Saudi Arabia, Thái Lan, Philippines hay Nga vẫn tăng trưởng tốt. Tổng giá trị xuất khẩu sang Saudi Arabia đạt 1,2 triệu USD, sang Thái Lan tăng 59%; Philippines tăng 86%…
Với đà tăng trưởng này, VASEP dự kiến xuất khẩu cá ngừ trong nửa cuối năm 2022 sẽ tiếp tăng trưởng tốt, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại, cả năm ước vượt 1 tỷ USD trị giá xuất khẩu, tăng 45% so với năm 2021.
Đòn bẩy từ lạm phát
Kể từ quý 3 năm 2021 cho đến nay, giá nhiên liệu tăng liên tục, đỉnh điểm là 2 tháng gần đây, giá nhiên liệu có tỷ lệ tăng 50% so với trước đây, khiến cho 40-45% tàu cá cả nước phải nằm bờ, không thể vươn khơi khai thác cá ngừ, cung ứng cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu.
Điều này đã ảnh hưởng lớn tới nguồn cung cá ngừ nguyên liệu cho các nhà máy, đặc biệt là nguồn cung nguyên liệu có xuất xứ thuần túy (tức là nguyên liệu có xuất xứ trong nước).
Do đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ phải nhập từ các nước và vùng lãnh thổ chưa có Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) với Việt Nam.
Điều này đã khiến cho các lô hàng cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam không thể tận dụng được các lợi thế từ FTAs để tăng sức cạnh tranh so với các nước đối thủ khác, khi xuất sang các nước có FTAs với Việt Nam như các nước châu Âu.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco) chia sẻ, với sức tăng chóng mặt của nhiên liệu, hầu như một nửa tàu cá của các tỉnh khu vực miền Trung như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đều khó ra khơi đánh bắt hải sản.
Bởi với chi phí nhiên liệu này, tàu cá không đảm bảo có lời, thậm chí có tàu ra khơi và chịu lỗ khi giá nhiên liệu, xăng dầu tăng nhanh vượt tính toán của ngư dân.
Với tình hình này, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ bắt buộc phải nhập khẩu nguyên liệu cá ngừ từ các quốc gia khác để chế biến, xuất khẩu, đáp ứng các đơn hàng tồn đọng từ năm 2021 chưa đáp ứng được, kể cả những đơn hàng ký kết trong năm 2022.
Cho dù giá nhiên liệu tăng, kéo theo giá các mặt tăng tỷ lệ thuận, nhưng nhu cầu về thực phẩm không thể dừng lại, nên các doanh nghiệp vẫn tiếp tục nhập khẩu để chế biến.
Thêm vào đó, lạm phát diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, đồng Đô la (USD) tăng vọt, làm giá trị tiền tệ các quốc gia khác cũng giảm mạnh, đồng Euro cũng khó cạnh tranh.
Tính đến ngày 18/7/2022, 1 Euro chỉ bằng 0,99 USD, khiến cho các giao dịch của các quốc gia châu Âu sử dụng đồng Euro gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ lạm phát kéo theo giá thực phẩm cũng tăng.
Bên cạnh đó, thông tin từ VASEP cho biết, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã công bố, Mỹ đối mặt với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua, giá thực phẩm tăng 19% so với trung bình 10 năm qua; trong đó có thịt gà, một thực phẩm cung cấp protein giá rẻ phổ biến tại Mỹ.
Không dừng lại ở đó, giá thị gà, gia cầm tại Mỹ được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng từ 15% đến 18% trong năm 2022. Đại diện VASEP đánh giá, khi giá thực phẩm cung cấp protein phổ biến với giá rẻ còn có biến động tăng, thì cá ngừ có thể là nguồn thực phẩm được thay thế trong lựa chọn nguồn protein tuyệt vời hàng ngày của người tiêu dùng Mỹ.
Như vậy, cá ngừ Việt Nam có thêm cơ hội được lựa chọn nhiều hơn trước những biến động giá thực phẩm này./.
Ý kiến ()