Chiều 12-4, ông Lưu Minh Hải – Giám đốc Đài khí tượng – thủy văn Lào Cai cho biết: Gió nóng Ô Quý Hồ bắt đầu xuất hiện trở lại, từ ngày 10-4, thổi mạnh từ phía đèo Ô Quý Hồ (giáp ranh Lào Cai – Lai Châu) xuống thị trấn Sa Pa, với tốc độ gió cấp 4-5, giật trên cấp 5, tốc độ gió 8m/s, khiến nhiệt độ tăng cao đột ngột (26 độ C), độ ẩm giảm thấp tới 41%.
Gió nóng Ô Quý Hồ làm cho khí hậu hanh khô, cây cối táp lá, khô héo; đặc biệt là những rừng thảo quả và thảm thực vật (cỏ, cây bụi) bị giập nát do mưa tuyết hồi cuối tháng 1-2016 trở nên khô héo, rất dễ bắt lửa, đẩy nguy cơ cháy rừng tại Sa Pa lên mức nguy hiểm, nhất là ở Vườn quốc gia Hoàng Liên lên mức cực kỳ nguy hiểm.
Ông Hải cho biết: Gió Ô Quý Hồ là dạng thời tiết đặc biệt, đặc trưng ở vùng núi cao Sa Pa, có đặc điểm là ấm khô, độ ấm thấp tối đa, tốc độ mạnh, thường xuất hiện ở Sa Pa trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 hằng năm. Năm nay, gió nóng xuất hiện với cường độ cao, biên độ chênh lệch nhiệt độ lớn, gây suy kiệt sức khỏe của con người và vật nuôi, là nguyên nhân chính gây thảm họa cháy rừng ở Vườn quốc gia Hoàng Liên và khu vực lân cận dãy núi Hoàng Liên, thuộc địa phận hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu.
Để phòng, chống cháy rừng khi xuất hiện gió nóng Ô Quý Hồ, Vườn quốc gia Hoàng Liên và Hạt kiểm lâm Sa Pa đã củng cố, kiện toàn 19 tổ, đội bảo vệ rừng “cắm” ở các khu vực trọng điểm để canh gác, phát hiện sớm đám cháy. Vườn quốc gia Hoàng Liên tập trung nhân lực cùng với chính quyền bốn xã là: San Sả Hồ, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ vận động nhân dân thu dọn thực bì bị chết khô sau đợt mưa tuyết, làm đường băng trắng cản lửa, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng xảy ra, trên diện rộng.
Ý kiến ()