Xuất bản tập 9, Văn kiện Quốc hội toàn tập
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia vừa ấn hành quyển 1, quyển 2 của Tập 9, Văn kiện Quốc hội toàn tập; Hai quyển tiếp theo sẽ ra mắt bạn đọc trong quý IV-2013. Tập 9 bao gồm các văn kiện của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số báo cáo chính của Chính phủ trình bày tại 11 kỳ họp của Quốc hội khóa X.
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia vừa ấn hành quyển 1, quyển 2 của Tập 9, Văn kiện Quốc hội toàn tập; Hai quyển tiếp theo sẽ ra mắt bạn đọc trong quý IV-2013. Tập 9 bao gồm các văn kiện của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số báo cáo chính của Chính phủ trình bày tại 11 kỳ họp của Quốc hội khóa X.
Quốc hội khóa X (1997 – 2002) hoạt động trong bối cảnh đất nước ta đạt được những thành tựu quan trọng sau hơn 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm (1996 – 2000), nhân dân ta đã thu được những kết quả to lớn: Kinh tế tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trong nước tăng bình quân hằng năm 7%. Nông nghiệp phát triển liên tục, đặc biệt là sản xuất lương thực. Sản xuất công nghiệp bình quân hằng năm tăng 13,5%. Các ngành dịch vụ, xuất khẩu và nhập khẩu đều phát triển. Văn hóa, xã hội có những tiến bộ, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Giáo dục và đào tạo phát triển cả về quy mô và cơ sở vật chất. Tình hình chính trị – xã hội cơ bản ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng được chú trọng, hệ thống chính trị được củng cố. Quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng, hội nhập kinh tế quốc tế được tiến hành chủ động và đạt nhiều kết quả tốt.
Những thành tựu nói trên có ý nghĩa rất to lớn, tăng cường sức mạnh tổng hợp, làm thay đổi bộ mặt đất nước và đời sống nhân dân, củng cố vững chắc độc lập dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Tuy vậy, chúng ta vẫn còn có những yếu kém, khuyết điểm cần khẩn trương khắc phục, đó là: Nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp; một số vấn đề văn hóa, xã hội bức xúc gay gắt chậm được giải quyết; tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; cải cách hành chính chậm, thiếu kiên quyết, hiệu quả thấp…
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Quốc hội khóa X đã có những đổi mới về tổ chức và hoạt động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và lòng mong mỏi của cử tri cả nước.
Về công tác lập pháp: Quốc hội khóa X đã tập trung công sức, trí tuệ và thời gian để thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, thông qua 35 luật, bộ luật, 44 pháp lệnh và nhiều nghị quyết quan trọng.
Ðiểm nổi bật là Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992, thể chế hóa đường lối đổi mới, theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội lần thứ IX của Ðảng. Quốc hội còn sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy nhà nước như Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân…
Về lĩnh vực kinh tế: Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các luật, pháp lệnh về doanh nghiệp, chính sách đầu tư, tín dụng, ngân hàng, cải cách chính sách thuế, chống tham nhũng, hội nhập khu vực và thế giới như Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Pháp lệnh chống tham nhũng, Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường và xã hội: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh để điều chỉnh nhiều vấn đề bức xúc, cần thiết như Luật Giáo dục, Luật Di sản văn hóa, Luật Tài nguyên nước, Luật Phòng, chống ma túy, Pháp lệnh người cao tuổi, v.v.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn ban hành các văn bản pháp luật, nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân như Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự; Luật Giao thông đường bộ, v.v.
Về công tác giám sát: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã tập trung giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết và hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện những nhiệm vụ quan trọng về kinh tế, ngân sách nhà nước, về vấn đề dân tộc, miền núi; về giáo dục, đào tạo; khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…
Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: Quốc hội đã thảo luận, thông qua kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2001 – 2005), quyết định nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm từ năm 1998 đến năm 2002 và các công trình quan trọng quốc gia; phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước từ năm 1996 đến năm 2000, v.v.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Có thể nói việc xuất bản Tập 9, Văn kiện Quốc hội toàn tập sẽ góp phần giúp cho cử tri và các nhà nghiên cứu hiểu rõ quá trình phát triển của Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; động viên toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, đưa đất nước vững bước tiến lên. Trước mắt là hoàn thành thật tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2013, chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và hai năm 2014 – 2015.
Theo Nhandan
Ý kiến ()