Thứ 6, 22/11/2024 17:48 [(GMT +7)]
Xuân xanh miền biên giới
Chủ nhật, 30/01/2011 | 16:52:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Một ngày rét đến tê cứng cả cảm xúc, chiếc xe của Ban Dân vận Tỉnh ủy lục cục trèo qua những con dốc, lượt sượt trườn trên những cung đường lầy lội đưa chúng tôi từ thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định đến xã Đào Viên nơi cuối nguồn sông Kỳ Cùng. Tiếng là Đào Viên nhưng suốt dọc đường đi chúng tôi không thấy bóng dáng một bông hoa nào, có lẽ do trời quá lạnh, vườn đào ngủ quên. Không thấy sắc đỏ của đào, nhưng bù lại, đến Đồn biên phòng 67 Bình Nghi, chúng tôi lại được ngập tràn trong sắc xanh của màu áo lính Biên phòng, của lá dong, của dòng Kỳ Cùng. Đồn 67 đón tết, một cái tết xa nhà nhưng ấm áp tình đồng đội.
Đồn Biên phòng 67 Bình Nghi đón tiếp đoàn đến thăm chúc tết |
Tranh thủ lúc đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Đình Thọ làm việc với đồn về công tác năm 2010, chúng tôi tham quan một vòng Đồn 67, ai cũng trầm trồ: Đúng là lính, mọi thứ gọn gàng, ngăn nắp như duyệt binh. Trong chuyến tham quan ngắn ngắn ấy, chúng tôi đặc biệt chú ý đến 3 góc không gian của đồn, đó là vườn thuốc nam của chiến sĩ thanh niên, khoảng sân với chiếc bàn đá ngồi uống nước nhìn ra sông Kỳ Cùng với những giò lan nhỏ xinh và đặc biệt nhất là mấy chiếc cột mốc cũ được các anh ở đồn rời từ đường biên về đặt trang trọng như một hiện vật quý của lịch sử. Nếu vườn thuốc nam tượng trưng cho sức sống của các chiến sĩ trẻ, khoảnh sân nhỏ với những giò lan thể hiện sự lạc quan yêu đời của người lính, thì những chiếc cột mốc xanh nâu màu thời gian là minh chứng hiển hiện nhất cho chiến công của những người lính biên phòng trong việc bảo vệ đường biên mốc giới, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Trời rét tê tái, gió từ lòng sông Kỳ Cùng hun hút thổi, nhưng những nụ cười của các chiến sĩ trẻ sao vẫn ấm áp đến vậy. Đứng cười bẽn lẽn trước ống kính máy ảnh, chiến sĩ Kim Xuân Phẩm, người xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn trả lời “phỏng vấn” của chúng tôi: năm nay là năm đầu tiên em ăn tết tại đồn, cũng còn nhiều lo lắng vì chưa quen xa nhà, nhưng với sự động viên của chỉ huy đồn, sự thân tình của anh em trong đơn vị, em cũng bớt “nóng ruột” ngóng tết nhà hơn. Ai cũng bảo, sau cái tết này là quen ngay, lính biên phòng ăn tết xa nhà là chuyện thường, em cũng xác định rõ tinh thần ấy để ở lại trực tết với đồn, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, đảm bảo cho bà con hai xã Đào Viên và Tân Minh đón xuân, đón tết thật đầm ấm, vui tươi.
Chiến sĩ Đồn Biên phòng 67 chuẩn bị lá dong gói bánh chưng |
Khác với Phẩm, thiếu úy Dương Quang Chung đã có đôi lần trực tết tại đồn, nhưng năm nay Chung cũng hồi hộp không kém gì Phẩm. Chả là chàng Thiếu úy trẻ người Bắc Giang mới lấy vợ được mấy tháng, tết đầu tiên đã phải xa cái tổ ấm nhỏ ở Bắc Giang, công cuộc thuyết phục “hậu phương” để mình trực tết tại đồn cũng khổng phải là công cuộc dễ dàng gì. Chung cười hiền: Mới đầu cũng phản đối ghê lắm các anh ạ! Vì tết đầu tiên còn bao nhiêu việc nội, ngoại hai vợ chồng phải lo. Cháu rể mới năm đầu tiên nhất nhất phải đi chúc tết anh em, họ hàng bên ngoại cho trọn vẹn mà em còn nhiệm vụ ở đơn vị. Thuyết phục, động viên mãi, bây giờ thì “xuôi” rồi! Sẵn sàng động viên em lên đường làm nhiệm vụ và hứa là ở nhà sẽ yên tâm ăn tết, em cũng phấn khởi lây. Vượt qua lần này chắc năm sau đi trực tết dễ hơn, vợ biên phòng phải quen dần với cảnh vắng chồng dịp tết đi chứ các anh nhỉ?! Nghe Chung nói mà chúng tôi thầm cảm phục các anh, những người hy sinh niềm riêng vì sự thiêng liêng của chủ quyền biên giới quốc gia, vì sự bình yên trên suốt dọc dải biên cương. Nếu dùng cụm từ “đầu sóng, ngọn gió” để nói về Đồn Biên phòng 67 Bình Nghi thì cũng đúng hoàn toàn cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đồn quản lý, bảo vệ cả đường biên giới trên bộ và trên sông, công việc cũng mang những đặc thù riêng. Đóng ở Đồn Bình Nghi, các chiến sĩ cần có những kỹ năng toàn vẹn cả thủy bộ để có thể giữ vững từng tấc đất, từng dòng nước của quê hương. Biểu trưng của những chiến sĩ biên phòng là hình ảnh người chiến sĩ cưỡi ngựa, cầm súng vượt qua núi cao, biển rộng sông sâu với tấm áo choàng bay trong gió. Đến Bình Nghi, chúng tôi phần nào cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của tấm biểu trưng sáng rực màu đồng ấy.
Các chiến sĩ giao lưu văn nghệ mừng xuân với Hội Phụ nữ huyện Tràng Định |
Trao đổi với chúng tôi, trung tá Đỗ Văn Thoan, Chính trị viên Đồn biên phòng 67 cho biết: Một mặt chúng tôi luôn cố gắng để cho các cán bộ chiến sĩ trong đồn đón tết vui tươi, tiết kiệm và lành mạnh, mặt khác chúng tôi cũng quán triệt tinh thần “vui xuân không quên nhiệm vụ”, quân số trực phải luôn đảm bảo đúng quy định, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới luôn được đặt lên hàng đầu, đồng thời vui xuân – đón tết phải gắn với việc chăm lo đời sống của bà con trên địa bàn, cùng bà con đón một cái tết thật đầm ấm và ý nghĩa.
Các chiến sĩ rộn ràng chuẩn bị lá dong để gói bánh, trời lạnh, nhưng dường như không khí ấm áp của mùa xuân đã tràn ngập nơi này. Chiếc xe của Phòng chính trị Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh vội vã rời bánh để lên Đồn Biên phòng Bắc Xa, nhìn chiếc xe xa dần mà chúng tôi cứ tiếc hùi hụi mãi. Cơ hội để được ăn tết cùng các chiến sĩ biên phòng ở cả hai đầu con sông Kỳ Cùng trôi qua mất. Lặng nhìn con sông êm đềm chảy, chúng tôi được an ủi nhiều bởi ý niệm rằng: Ở đâu cũng vậy, nơi đầu sông hay cuối sông, tết đều đầm ấm như như nhau cả, vì nơi ấy có các anh – những chiến sĩ biên phòng Việt Nam.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()