Xuân vui bên những công trình thủy lợi
LSO-Cùng với niềm hân hoan đón chào xuân mới, xuân này, bà con ở Văn Lãng - vùng đất quê hương cách mạng còn vui hơn bởi nhiều công trình được nâng cấp, kiên cố, đem lại hiệu quả sử dụng cao.
Mương Nà Tèo, xã Tân Việt, huyện Văn Lãng được kiên cố hóa trong năm 2016, dài 450 m |
Trong chuyến thăm quan một số công trình thủy lợi mới xây ở Văn Lãng, tôi có dịp đến với công trình sửa chữa nâng cấp đập, mương Phai Ỏ, thôn Nà Ngườm, xã Tân Thanh – công trình thủy lợi tương đối quy mô trong năm 2016 ở huyện. Trực tiếp chiêm ngưỡng mới cảm nhận hết ý nghĩa của công trình đem đến với bà con thôn Nà Ngườm.
Bà Hoàng Thị Khan, người dân thôn Nà Ngườm kể: “Từ bao đời nay, đến mùa vụ, người dân ở đây lấy nước vào ruộng bằng cách tự đắp đập để nước ở con suối Nà Tồng – Nà Ngườm dâng lên rồi tràn vào ruộng. Nước cứ từ ruộng nọ chảy xuống ruộng kia. Chảy thế này bất tiện lắm, ruộng thấp phải chờ ruộng cao đủ nước thì mới đến lượt. Nhà tôi có lúc chờ 3 đến 5 ngày cũng chưa có nước nên cày ải, vào vụ bị chậm hơn”. Ngay gần đó, ông Hoàng Văn Cảnh vui reo: “Có đập và mương mới, từ vụ mùa năm nay, chúng tôi không lo nước ruộng nữa rồi. Vụ lúa vừa gặt xong, nhà nào cũng bội thu, đạt 3 tạ thóc/sào, so với trước thì cao hơn gần 1 tạ”. Công trình sửa chữa nâng cấp đập, mương Phai Ỏ thi công từ đầu 4/2016 đến cuối tháng 6 hoàn thành gồm làm mới đập dâng dài 12 m, cao trên 3 m và tuyến mương kiên cố dài gần 300 m, tạo nguồn nước tưới ổn định cho 20 ha đất canh tác trong thôn.
Không riêng công trình thủy lợi Phai Ỏ, tính đến nay, toàn huyện Văn Lãng có 105 công trình thủy lợi, đáp ứng tưới tiêu trên 1.050 ha đất nông nghiệp. Được sự quan tâm của tỉnh và phân bổ vốn từ các chương trình 135, xây dựng nông thôn mới, sự nghiệp thủy lợi, những năm gần đây, việc đầu tư, xây dựng hạ tầng thủy lợi ở huyện tương đối phát triển. Riêng năm 2015, 2016, toàn huyện có 19 công trình được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, làm mới với tổng vốn gần 12 tỷ đồng, cung ứng nước tưới ổn định cho hơn 350 ha đất canh tác, trong đó, tưới tăng thêm ổn định 120 ha. Kể với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết: Nhiều công trình đem lại hiệu quả tưới tiêu cao, giúp nông dân ổn định sản xuất, mùa vụ không còn bấp bênh như trước. Điển hình như công trình kiên cố hóa mương Bản Vạc ở xã Trùng Quán, Bắc Sàng – Lùng Đúc, xã Hồng Thái, Pắc Sào và Phai Ỏ, xã Tân Thanh…
Văn Lãng vào những ngày xuân, núi non nơi đây vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp thanh bình nhưng giờ đây tô đẹp thêm vào bức tranh đó là những công trình thủy lợi nhỏ đang ngày ngày dẫn nước về đồng, đem lại niềm vui cho nông dân nơi đây, góp phần làm giàu cho đời sống, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới trên vùng quê cách mạng và vùng đất biên cương này.
Ông Bế Văn Nhớ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhiều công trình được đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán giúp nhân dân đón xuân vui tươi, phấn khởi. Các công trình được thực hiện công khai, dân chủ từ việc giám sát, quản lý vốn đầu tư xây dựng; cách tổ chức, điều hành và thanh quyết toán công trình. Các công trình cấp nước tự chảy giải quyết nhu cầu về nước sinh hoạt cho nhân dân cả mùa mưa và mùa khô. Đối với sản xuất lúa nước, nhờ có hệ thống thủy lợi nhỏ, nông dân đã mạnh dạn đầu tư khai hoang ruộng nước, phát triển sản xuất.
Để những công trình thủy lợi hoàn thành, giúp cánh đồng thêm xanh tươi, nhiều công trình ở đây được xây dựng bằng cả trái tim, trí tuệ, mồ hôi, công sức và sự cống hiến của cải của bao người. Anh Tô Văn Tuấn, nguyên cán bộ phụ trách công tác thủy lợi, Phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng cho biết: Do địa hình huyện chủ yếu là đồi núi, giao thông không thuận lợi; trong quá trình thi công liên quan đến mùa vụ nên việc xây dựng các công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn. Có công trình không có đường vào, đơn vị thi công phải làm đường xong mới chở được vật liệu bằng cách vác bộ, chở xe máy vào xây mương như công trình thủy lợi Nà Tèo, xã Tân Việt. Có công trình đang chuẩn bị thi công thì phải tạm dừng để bà con lấy nước vào đồng nên gặp áp lực về tiến độ hoàn thành… Tuy nhiên, với sự ủng hộ của nhân dân, nhiều công trình được hiến đất làm đường, mở mương giúp việc xây dựng thuận lợi. Ví dụ điển hình là từ năm 2015, nhân dân xã Trùng Quán hiến hơn 3.000m 2đất và nhiều cây cối để thi công tuyến mương Nà Bó – Tồng Kịt hoặc dân cũng hiến đất làm đường thi công mương Nà Tèo, xã Tân Việt và Bản Vạc, xã Trùng Quán.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()