Xuân về trên xã An Sơn
(LSO) – Về xã An Sơn, huyện Văn Quan vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi cảm nhận được không khí xuân đang lan tỏa khắp nơi đây. Những con đường bê tông rộng rãi, những ngôi nhà kiên cố, đường liên thôn sạch đẹp; nhà nhà, người người tất bật chuẩn bị đón tết.
Xã An Sơn được sáp nhập từ 3 xã: Đại An, Tràng Sơn, Chu Túc từ ngày 1/1/2020, toàn xã có 20 thôn, hơn 1.467 hộ với trên 6.000 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc chủ yếu là Nùng và Tày. Trước đây, đường vào xã là đường đất, đi lại rất khó khăn, cuối năm 2019, xã được Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường Lùng Pa – Pác Kéo dài khoảng 8km, với tổng mức đầu tư trên 51 tỷ đồng (nguồn vốn từ dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương), người dân ở xã đã hiến 70.347 m2 để làm đường.
Đường giao thông đến xã An Sơn đã được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại và giao thương hàng hóa
Chúng tôi gặp chị Lý Mỹ Diêm, thôn Ích Hữu đang tất bật dọn dẹp nhà cửa để đón tết, chị Diêm chia sẻ: Hơn một năm trước, nếu đi vào đường này rất dễ bắt gặp hình ảnh người dân như chúng tôi dắt xe đi vào những ngày mưa lầy lội, hay hình ảnh bụi mù mịt vào những ngày nắng. Cùng đó, nông sản làm ra bị ép giá do đường xấu. Nhưng năm nay, tuyến đường qua xã đã được nâng cấp, tôi cũng như những người dân nơi đây rất phấn khởi.
Mùa xuân này, người dân xã An Sơn không chỉ phấn khởi có con đường đi lại dễ dàng mà còn vui mừng vì được Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều dự án tạo sinh kế cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên. Theo đó, trong năm 2020, từ nguồn vốn của chương trình 30a, chương trình 135, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, người dân trên địa bàn xã đã được hỗ trợ các dự án như: dự án hỗ trợ vịt bầu lông trắng cho 20 thôn với số vốn là 300 triệu; dự án trồng rau hữu cơ tại thôn Phai Xả, Bản Noóc, Nà Mìn, Cốc Phường, Đoàn Kết, Nà Thòa với số vốn 300 triệu đồng; dự án chăn nuôi lợn nái cho 20 thôn với số vốn 340 triệu đồng; dự án nuôi lợn thịt với số vốn 132 triệu đồng… Đến nay, cơ bản các mô hình đều phát triển tốt và bước đầu cho thu nhập.
Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, thời gian qua, người dân ở xã An Sơn đã chủ động phát triển các mô hình kinh tế như: mô hình trồng rau cải ngồng tập trung ở các thôn: Phai Xả, Bản Noóc, Đoàn Kết đã góp phần tăng thu nhập cho các hộ. Nếu có dịp đi qua các thôn này những ngày giáp tết, chúng ta rất dễ nhìn thấy những thửa ruộng một màu xanh mướt của những cây cải ngồng đang phát triển tốt. Qua tìm hiểu, ở đây các hộ trồng ít cũng được hơn một sào, hộ trồng nhiều có hơn một mẫu, nhờ đó đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở xã, ông Nông Trần Cảnh, Chủ tịch UBND xã mời chúng tôi thưởng thức món bánh khẩu sli, đây là món bánh được người dân trên địa bàn xã duy trì và phát triển theo hướng hàng hóa trong vài năm gần đây. Đây cũng là sản phẩm được xã lựa chọn tham gia OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Hiện toàn xã có trên 10 hộ làm khẩu sli thành phẩm để bán, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong huyện Văn Quan mà còn tiêu thụ ở thành phố Lạng Sơn và một số tỉnh bạn như: Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Giang… Đặc biệt, vào dịp cận Tết Nguyên đán, số lượng khách đặt hàng nhiều hơn những tháng trong năm, vì vậy người dân ở đây lại tăng năng suất làm bánh để đáp ứng nhu cầu của khách.
Cùng cán bộ xã An Sơn đến thăm nhà chị Hà Thị Điềm, thôn Tân Tiến, chúng tôi bắt gặp hình ảnh chị Điềm đang tất bật đóng gói khẩu sli để giao cho khách. Chị Điềm cho biết: Năm năm nay, nhà tôi làm bánh khẩu sli thành phẩm để bán và được khách hàng rất ủng hộ, mỗi năm thu được hơn 100 triệu đồng. Theo đó, vào vụ làm bánh tết, mỗi ngày, tôi làm được khoảng 400 túi, mỗi túi bán giao cho các khách buôn là 17.000 đồng, trừ chi phí thu về hơn 2 triệu đồng/ngày.
Ông Nông Trần Cảnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong năm qua, xã được nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông đến trung tâm xã, tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Cùng đó, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống của người dân có chuyển biến rõ nét; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm qua từng năm, năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 9,49%, giảm 5,78 % so với năm 2019. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 25 triệu đồng/người/năm, tăng 2 triệu đồng so với năm 2019. Chúng tôi phấn đấu năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/người/năm.
Không khí xuân đã ngập tràn khắp các đường làng ngõ xóm của xã An Sơn, trên những trục đường chính liên thôn của xã đã rực rỡ những cờ hoa, những pano, khẩu hiệu chúc mừng năm mới. Tại đây, người dân đang nô nức chuẩn bị đón tết, một cái tết ấm no, hạnh phúc, an khang thịnh vượng.
Ý kiến ()