Xuân về trên Tổ hợp công nghiệp Than - Điện Na Dương
– Năm 2022, vượt qua những khó khăn, Công ty Than Na Dương và Công ty Nhiệt điện Na Dương đã hoàn thành hàng loạt các chỉ tiêu đề ra. Điều này càng khẳng định sự lớn mạnh của Tổ hợp công nghiệp Than – Điện Na Dương, từ đó tạo nền móng để tiếp tục phát triển, mở rộng Cụm Công nghiệp Na Dương.
Vượt khó
Dịp giáp tết đến với Tổ hợp công nghiệp Than – Điện Na Dương, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, nơi đang hiện hữu sự kết hợp giữa Công ty Than Na Dương và Công ty Nhiệt điện Na Dương mang lại cho phóng viên chúng tôi nhiều ấn tượng.
Tại khai trường của Công ty Than Na Dương những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, đâu đâu cũng thấy không khí thi đua lao động sản xuất sôi nổi. Mặc dù năm 2022 có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty nhưng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên của Công ty Than Na Dương đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) giao từ đầu năm.
Toàn cảnh Công ty Nhiệt điện Na Dương
Theo báo cáo của Công ty Than Na Dương, kết thúc năm 2022, công ty đã khai thác được 605 nghìn tấn than nguyên khai, cung ứng gần 550 nghìn tấn than sạch, tăng gần 10% so với kế hoạch; doanh thu đạt trên 662 tỷ đồng, thu nhập người lao động đạt trung bình trên 9,6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Hoàng Kiều Hưng, Giám đốc Công ty Than Na Dương chia sẻ: Trong năm 2021 và khoảng 5 tháng đầu năm 2022, do dịch bệnh công ty gặp nhiều khó khăn vì nguồn than sản xuất ra không tiêu thụ được, có thời điểm công ty phải tạm dừng khai thác. Nhưng không chùn bước, công ty đã đề ra hàng loạt phương án sản xuất kinh doanh như: chủ động tìm bạn hàng mới, động viên công nhân vững tin sản xuất… Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn đó, công ty đã đầu tư bổ sung máy móc hiện đại để nâng cao sản lượng như: đầu tư cải tiến công nghiệp khai thác than sạch; mua mới 8 xe ô tô CAT trọng tải 57 tấn và nâng cấp 18 xe ô tô trọng tải 38 – 42 tấn. Chính những giải pháp đó đã giúp công ty vượt khó để đến cuối năm 2022 đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu tập đoàn giao từ đầu năm. Đặc biệt là nâng cao thu nhập cho hơn 500 cán bộ, công nhân của công ty.
Cũng như Công ty Than Na Dương, vượt lên những khó khăn, thách thức, năm 2022 với sự đoàn kết, nỗ lực của hơn 270 cán bộ, công nhân viên, người lao động, Công ty Nhiệt điện Na Dương đã giành được những kết quả quan trọng. Theo báo cáo của công ty, năm 2022, sản lượng điện sản xuất đạt 740.000 Mwh, đạt 100% kế hoạch năm, tăng hơn 5% so với năm 2021. Doanh thu đạt gần 860 tỷ đồng, đạt 113,4% kế hoạch năm, tăng gần 15% so với năm 2021. Tiền lương bình quân đạt 16 triệu đồng/người/tháng, đạt 106,7% kế hoạch, tăng 4% so với năm 2021.
Ông Phạm Đức Tuyên, quyền Giám đốc Công ty Nhiện điện Na Dương cho biết: Bước vào thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022, công ty phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong gần 2 quý đầu năm 2022. Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó, tập thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên công ty không ngừng nêu cao tinh thần làm chủ, năng động, sáng tạo trong mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm là sản xuất điện, công ty luôn tập trung đầu tư công nghệ mới vào công tác điều hành, nâng cao độ tin cậy, rút ngắn thời gian xử lý sự cố và thời gian sửa chữa, bảo dưỡng để cung cấp điện ổn định, liên tục.
Ngày 9/11/2022, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 1794/QĐ-UBND về việc công nhận thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình là đô thị loại V. Phạm vi, quy mô đô thị: bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thị trấn Na Dương với diện tích 11,46 km2; với tính chất đô thị là trung tâm chuyên ngành cấp huyện về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, đầu mối giao thông quan trọng cửa ngõ phía Đông của tỉnh; đô thị có vị trí và ý nghĩa chiến lược về an ninh, quốc phòng. |
Những con số về chỉ tiêu sản xuất tưởng chừng rất khô khan nhưng đằng sau đó là cả một sự quyết tâm, vượt khó của cán bộ lãnh đạo, công nhân viên lao động của 2 công ty, trong năm 2022, lãnh đạo 2 công ty đã đề ra nhiều giải pháp triển khai đến từng tổ, đội sản xuất và cá nhân người lao động nên hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác vận hành… đều đi vào ổn định.
Anh Hoàng Văn Ngọc, công nhân sửa chữa máy thuộc Phân xưởng khai thác, Công ty Than Na Dương chia sẻ: Thời gian qua, bên cạnh thực hiện giải pháp của lãnh đạo công ty, tôi luôn nỗ lực, thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc, thường xuyên bám nhà máy, bám công việc được phân công để khai thác có hiệu quả những ưu thế của đơn vị gắn với tối ưu hóa chi phí sản xuất và các chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật.
Thúc đẩy hoạt động của Tổ hợp Than – Điện tại cụm công nghiệp
Lộc Bình là huyện có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nổi bật là than. Với tiềm năng đó, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 cụm công nghiệp (CCN) Na Dương 1, 2, 3, 4 với tổng diện tích 150 ha, hiện đã có 4 công ty sản xuất công nghiệp đang hoạt động tại CCN này. Trong đó, Công ty Than Na Dương và Công ty Nhiệt điện Na Dương là hai đơn vị tiên phong và cũng là doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp tại CCN Na Dương này. Theo thống kê của Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Lộc Bình, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 của huyện đạt trên 2.500 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp của 2 công ty chủ lực này chiếm khoảng 70%.
Công nhân Công ty Than Na Dương bám máy, bám công việc để hoàn thành tốt các công việc được giao
Giám đốc Công ty Than Na Dương cho biết thêm: Năm 2023, công ty tiếp tục tập trung sử dụng công nghệ máy móc hiện đại để nâng cao sản lượng than sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản trị chi phí, nâng cao năng lực hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đồng thời, ưu tiên mọi nguồn lực cho các dự án đầu tư khai thác phát triển mỏ, trong đó tập trung rà soát kỹ kế hoạch đầu tư của từng dự án để đảm bảo hiệu quả trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tiếp đó là chủ động giữ vững an toàn trên mọi mặt, cải thiện điều kiện lao động, cải thiện tiền lương nhằm nâng cao thu nhập cho công nhân viên, người lao động…
Công ty Nhiệt điện Na Dương cũng vậy, năm 2023, công ty phấn đấu sản lượng điện 780.000 kWh; doanh thu từ 1 nghìn tỷ đồng trở lên. Để đạt được mục tiêu trên, công ty tiếp tục hoàn chỉnh quy trình bảo dưỡng và bổ sung các nội dung còn thiếu trong các quy trình vận hành để phục vụ công tác bảo dưỡng, sửa chữa. Song song với đó là phát huy tinh thần sáng tạo, sự đoàn kết của người lao động, đẩy mạnh các phong trào thi đua nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như các phong trào sáng kiến cải tiến hợp lý hoá sản xuất, triệt để thực hành tiết kiện tránh lãng phí trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Nhằm tiếp tục khẳng định vị thế của mình tại cụm công nghiệp Na Dương, bước sang năm 2023, là năm trọng điểm thực hiện nhiệm vụ của giai đoạn 2020 – 2025, Công ty Than Na Dương và Công ty Nhiệt điện Na Dương sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả công tác, phối hợp chặt chẽ trong quản trị, thúc đẩy đầu tư một cách đồng bộ, tiếp tục nghiên cứu để đưa ra phương án công nghệ sản xuất nhằm khai thác hiệu quả, phù hợp với thực trạng tài nguyên hiện có.
Mùa xuân mới đã về sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, xuân này mang theo mong ước một năm sản xuất công nghiệp hanh thông, đảm bảo an toàn và tăng trưởng của vùng đất đi đầu trong phát triển công nghiệp của Lạng Sơn.
“Giai đoạn 2021 – 2025, huyện Lộc Bình phấn đấu tốc độ tăng thêm bình quân giá trị ngành công nghiệp đạt từ 10 – 12%/năm. Đồng thời, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động 1 CCN và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư xây dựng các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo có tiềm năng của huyện như: điện gió, điện sinh khối. Cùng đó, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất của Công ty Than Na Dương để đáp ứng nhu cầu sử dụng khi Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II đi vào hoạt động….”. Ông Hoàng Văn Chiều, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình |
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()