Xuân về trên mọi miền đất nước Bến Tre tự tin, vững chãi
Hòa chung niềm vui lớn hướng về Đại hội Đảng lần thứ XI, người dân xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) tự hào kỷ niệm 51 năm Ngày Đồng khởi. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Thạnh ở ấp Thanh Vân, một điển hình từ nghèo khó vươn lên làm giàu bằng nuôi cá bóng tượng và nuôi bò. Ao cá bóng tượng có hơn 3.000 con, đàn bò gần 20 con. Anh Thạnh cho biết: "Tôi nuôi bò gần 10 năm, còn cá bóng tượng đây là lứa thứ tư.Lúc đầu vì chưa có kinh nghiệm, tôi qua Tiền Giang mua về 500 con nuôi thử, thấy lớn nhanh, lợi nhiều, lứa sau tôi dọn lại ao, nuôi số lượng lớn. Nếu bình thường, nuôi 3.000 con cá trong một năm, trừ chi phí cũng thu về 30 triệu đồng; nuôi 18 con bò nái, mỗi năm cũng có từ 13 đến 15 con bê, lời khoảng 60 triệu đồng'.Đến ấp An Nhơn, ai cũng biết nông dân Út Hiểu nổi tiếng về cải tạo vườn dừa trồng xen cây ca-cao. Với năm công đất (5.000 m2) trồng dừa khô, mấy năm trước giá thấp,...
Hòa chung niềm vui lớn hướng về Đại hội Đảng lần thứ XI, người dân xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) tự hào kỷ niệm 51 năm Ngày Đồng khởi. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Thạnh ở ấp Thanh Vân, một điển hình từ nghèo khó vươn lên làm giàu bằng nuôi cá bóng tượng và nuôi bò. Ao cá bóng tượng có hơn 3.000 con, đàn bò gần 20 con. Anh Thạnh cho biết: “Tôi nuôi bò gần 10 năm, còn cá bóng tượng đây là lứa thứ tư.
Lúc đầu vì chưa có kinh nghiệm, tôi qua Tiền Giang mua về 500 con nuôi thử, thấy lớn nhanh, lợi nhiều, lứa sau tôi dọn lại ao, nuôi số lượng lớn. Nếu bình thường, nuôi 3.000 con cá trong một năm, trừ chi phí cũng thu về 30 triệu đồng; nuôi 18 con bò nái, mỗi năm cũng có từ 13 đến 15 con bê, lời khoảng 60 triệu đồng'.
Đến ấp An Nhơn, ai cũng biết nông dân Út Hiểu nổi tiếng về cải tạo vườn dừa trồng xen cây ca-cao. Với năm công đất (5.000 m2) trồng dừa khô, mấy năm trước giá thấp, dừa vào mùa thu được 600 trái, trái mùa cũng cỡ 400, bán với giá 3.000 đồng/trái, thì tổng thu từ sản phẩm cây dừa và chuối chưa đến ba triệu đồng/tháng. Vợ chồng anh phải đi làm suốt ngày, mà chẳng đủ tiền để các con ăn học. 'Đến khi được Nhà nước phát động trồng cây ca-cao, Hội Nông dân hướng dẫn kỹ thuật, giúp vốn, tôi sửa lại mảnh vườn, nhận 400 cây ca-cao về trồng xen. Ba năm sau ca-cao bắt đầu cho trái, vụ đầu được hơn 100 kg hạt, giá hồi đó chỉ 21.000 đồng/kg, tôi thu về gần ba triệu đồng. Vợ chồng tôi mừng lắm. Bắt đầu từ vụ thu hoạch năm sau sản lượng và giá đều tăng. Vụ vừa rồi thu khoảng 30 triệu đồng. Cộng với dừa năm nay được giá, có tháng lên đến 110 nghìn đồng/chục (12 trái), mỗi tháng cũng được từ bốn đến năm triệu đồng. Cộng dồn cả năm từ ca-cao và dừa, chuối cũng gần 100 triệu đồng. Năm công đất mà thu ngần ấy là sướng lắm rồi' – anh Út Hiểu hồ hởi kể.
Tôi nói lại chuyện anh Thạnh và Út Hiểu với anh Nguyễn Văn Rồi, Chủ tịch UBND xã Định Thủy. Anh Rồi cho biết thêm: 'Số hộ cỡ vậy có nhưng chưa nhiều. Chúng tôi đang nhân rộng. Nhìn chung, dân ở đây còn nghèo, xã có vị trí heo hút, không có điều kiện phát triển kinh tế đa dạng, nên vẫn còn khó khăn. Cái hay của xã là có phong trào phụ nữ tương trợ nhau phát triển kinh tế gia đình. Cây, con giống cũng bán chịu, khi thu hoạch mới trả tiền. Các chị có cách là nuôi 'heo đất', hễ đầy là rút tiền ra cho các chị em có nhu cầu mượn; rồi chuyện xây dựng 'mảnh vườn tình thương' để giúp những gia đình không còn sức lao động… Quỹ tín dụng nhân dân của xã hoạt động khá mạnh, đến nay có gần 1.400 thành viên, tổng vốn huy động hơn 13 tỷ đồng, nhờ thế mà hạn chế được phần nào nạn cho vay nặng lãi'. Là anh khiêm nhường nói vậy, chứ nhìn lại báo cáo năm 2010 của Đảng ủy xã, thấy đâu đến nỗi. Thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 12,5 triệu đồng/người, so với năm 2009 tăng một triệu đồng. Số hộ nghèo giảm nhanh, chỉ còn 12,8% theo tiêu chí mới. Đời sống khá dần lên, người dân háo hức làm đường giao thông nông thôn. Xã có tổng cộng 11 ấp, 121 tổ tự quản thì đã có hơn ba phần tư số tổ cơ bản có đường bê-tông theo tiêu chí của huyện đưa ra 'xe đạp đến nhà, hon-đa đến ngõ'.
Trở về huyện, gặp anh Nguyễn Hiệp Quốc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỏ Cày Nam. Anh kể nhiều chuyện, nào là kinh tế, mặc dù có gặp khó khăn nhưng thu nhập bình quân cũng hơn 14 triệu đồng/người/năm, so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra vượt 300 nghìn đồng. Hộ nghèo cũng giảm. Thế mạnh của Mỏ Cày Nam là trồng dừa và chăn nuôi. Dừa năm nay được giá, bà con phấn khởi, cộng với trồng xen ca-cao, nên thu nhập trên diện tích vườn dừa tăng lên gấp bội. Nông dân càng phấn khởi. Còn chăn nuôi thì gặp phải dịch lợn tai xanh, nhưng đàn lợn trong huyện vẫn không giảm, tổng đàn vẫn ở mức 400 nghìn con, số lượng hộ nuôi lợn tập trung từ 100 đến vài nghìn con vẫn duy trì. Nghe anh nói, tôi nhớ lại câu chuyện với anh Chánh, một kỹ sư môi trường mà huyện phân công chuyên lo việc chăn nuôi lợn trong huyện. Tay bắt mặt mừng, anh Chánh khoe: Tuy phân công trái nghề, nhưng tôi thấy có hiệu quả anh ạ. Số lượng đàn lợn ngày càng tăng, mà môi trường được bảo đảm, không bị ô nhiễm.
Kỷ niệm Ngày Đồng khởi, huyện Mỏ Cày Nam không tổ chức lễ lớn mà chủ yếu là tổ chức trao đổi ý kiến giữa các đồng chí lão thành cách mạng và nhân dân xoay quanh chủ đề: Làm gì để tiếp tục phát huy truyền thống năm xưa; để truyền thống có ý nghĩa thiết thực trong đời sống hiện tại. Cùng với việc chăm lo Tết cho nhân dân, Huyện ủy phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng. Năm 2010, huyện xây được 111 căn nhà tình nghĩa cho các hộ chính sách và 1.000 căn nhà theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, nay chỉ còn 23 căn do nguồn vốn đối ứng chậm. Còn việc lo quà trong dịp Tết, trước hết là các gia đình chính sách, cán bộ lão thành và người nghèo, chừng vài trăm nghìn đồng cho một phần quà, nhưng dứt khoát phải bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có Tết.
Chúng tôi đến một số xã trong huyện, thấy không khí thi đua khẩn trương ở các công trình xây dựng, như trụ sở xã Tân Hội, đường vào cầu Cẩm Sơn, cầu 26/3 cũ (xã Tân Hội), đường dẫn vào cầu Tân Điền, thuộc xã Thành Thới B nằm trên đường vào cầu Cổ Chiên… Đó là những công trình chào mừng Đại hội lần thứ XI của Đảng. Khi hỏi huyện có bao nhiêu công trình, anh Quốc bảo, hiện chưa nắm được đầy đủ, huyện chỉ phát động là căn cứ vào điều kiện và nhu cầu thiết thực của từng xã để mà có công trình chào mừng Đại hội Đảng. Các xã chủ động và có nhiều sáng tạo.
Trên gương mặt những người xứ dừa ánh lên niềm vui. 'Dáng đứng Bến Tre' trong thời đổi mới thật tự tin, vững chãi.
Nhịp sống vùng lũ Phú Yên
Tuyến tỉnh lộ từ ngã ba Chỉ Thạnh về huyện miền núi Đồng Xuân như được rút ngắn lại, hai bên đường lúa đông xuân đã lên xanh. Bà con đổ ra đồng làm cỏ, bón phân, dặm ruộng. Những chuyến ô-tô tải đầy ắp mía, sắn chạy tấp nập trên đường.
Nơi cửa ngõ vào thị trấn La Hai, trung tâm huyện Đồng Xuân, hàng chục chiếc xe đào, xe chở đất với hàng chục công nhân đang chạy nước rút để kịp hoàn thành công trình Cầu đường sắt mới La Hai. Kỹ sư Phan Hoàng Nam, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Tân Đại Nam, cho biết: Theo yêu cầu của chủ đầu tư, chúng tôi phải làm việc cả ngày, đêm để kịp trả lại mặt bằng cho địa phương sản xuất. Tập thể cán bộ, công nhân viên công ty phấn khởi, vinh dự được tham gia công trình vượt lũ nơi quê hương anh hùng đúng vào dịp cả nước đang tưng bừng hướng về Đại hội XI của Đảng. Công trình cầu đường sắt mới La Hai có tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng, khởi công ngày 18-5-2010. Đây là công trình do Công ty cổ phần Công trình đường sắt chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Những năm trước đây, đoạn đường sắt này thường xuyên bị đe dọa mất an toàn chạy tàu. Trong đợt lũ đầu tháng 11-2009, đường ray nơi đây bị nước lũ cuốn trôi, phá hủy nền đường gây gián đoạn chạy tàu nhiều ngày liền.
Theo Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân Lương Mộng Sanh, năm nay lũ đến sớm, lại kết thúc muộn, toàn huyện có hơn 50 công trình thủy lợi, giao thông bị hư hỏng. Nhưng chỉ sau một tháng, huyện đã chủ động khắc phục xong, vụ đông xuân này lúa phát triển tốt. Phấn khởi nhất là hai loại cây trồng chủ lực của người dân vùng lũ Đồng Xuân là mía và sắn, năm nay lại được mùa, được giá, nông dân đang thu hoạch, bán cho các nhà máy để mua sắm Tết. Giá mía nguyên liệu hiện tại bình quân hơn một triệu đồng/tấn, giá củ sắn tươi 2.000-2.300 đồng/kg, tăng gần hai lần so với năm trước, người nông dân có thu nhập khá.
Đồng Xuân là nơi thành lập Chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh. Đảng bộ và nhân dân toàn huyện rất tự hào với truyền thống đó, một lòng trung kiên với Đảng. Xã Xuân Lãnh có bốn buôn có đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống là Xí Thoại, Da Dù, Soi Nga và Hà Rai, với 930 hộ và gần 3.500 khẩu, chiếm hơn 40% số dân toàn xã. Từ ngày giải phóng đến nay, bà con các dân tộc trong xã luôn thực hiện tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để xây dựng cuộc sống mới. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Mang Kỷ, 53 tuổi, vui vẻ kể: Trước đây không có bò cày, làm bữa sáng, ăn bữa chiều. Nay thì gia đình ông nhờ cần mẫn trồng trọt, chăn nuôi, bình quân mỗi năm thu lãi 100 triệu đồng, cho nên đã xây được nhà, mua sắm xe công nông, máy cày để phục vụ sản xuất. Ông nói: 'Công lao của Đảng, Nhà nước với đồng bào chúng tôi lớn lắm. Có đường, có điện, có vốn sản xuất, có trường cho con trẻ học hành'.
Từ nhiều năm nay, đồng bào các dân tộc ở huyện Đồng Xuân luôn đoàn kết một lòng, giúp nhau làm ăn, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo xây dựng quê hương. Già làng La Mô Đức, dân tộc Ba Na, ở buôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh đã bước sang tuổi 70, từng bao năm đánh giặc giữ làng, vận động bà con đổi mới cách nghĩ, cách làm ăn để có cuộc sống hôm nay. Những ngày này ông vui cái bụng lắm. Khi nghe đài, ti-vi đưa thông tin về Đại hội Đảng, ông nói: 'Mong sao Đảng ta ngày càng mạnh, lắng nghe dân nhiều hơn, biết được cái bụng người dân nghĩ gì. Đảng càng mạnh là dân ta càng no ấm. Tôi mong Đảng tiếp tục đổi mới, lãnh đạo đất nước mình giàu hơn, đẹp hơn'.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()