Xuân về khối, bản “ghép”
(LSO) – Một mùa xuân mới đang về. Với những thôn bản, khối phố sau sáp nhập thì mùa xuân năm nay, như đến sớm hơn bởi lòng dân, sức người, sức của được đoàn kết, hội tụ với khí thế chung tay xây dựng làng bản, khối phố ấm no, hạnh phúc.
Mùa xuân này là mùa xuân đầu tiên của 100 hộ dân thôn Đâư Linh, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định kể từ sau khi thôn sáp nhập với thôn Nà Puộc cùng xã. Những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý, chúng tôi có dịp về Đâư Linh; chứng kiến cảnh làng quê trù phú với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay; những con đường bê tông phẳng phiu xen lẫn hàng hoa mọc ven đường tỏa đến các ngõ xóm với những ngôi nhà san sát… mới thấy thôn đổi thay đến nhường nào. Năm 2019, sau khi Đâư Linh ghép với Nà Puộc, bà con trong thôn tích cực thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống. Đầu năm, thôn còn có tới 26 hộ nghèo, cận nghèo, đến cuối năm chỉ còn 12 hộ nghèo, cận nghèo và có tới 30 hộ khá, giàu. Cả thôn có 100 nóc nhà thì nay đã được xây kiên cố, không còn nhà ở tạm, dột nát. Anh Hoàng Văn Hưng, Trưởng thôn Đâư Linh cho biết: “Nhờ số dân đông hơn, năm nay, thôn huy động nhân dân góp tiền, góp sức sửa chữa, cơi nới xong được nhà văn hóa thôn có sức chứa 100 người. 100% hộ dân cải tạo xong chuồng trại chăn nuôi, nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới”.
Cán bộ huyện Hữu Lũng tham quan mô hình trồng cây ăn quả của người dân tại thôn sau sáp nhập, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng
Tương tự, ở khối 2, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia, mùa xuân này vui hơn hẳn bởi số hộ, số người dân trong khối đông hơn so với trước. Cách đây 1 năm, tuy sinh sống gần nhau nhưng hộ dân khối 1 và khối 2 lại sinh hoạt ở 2 khối khác nhau. Riêng khối 1 chỉ có 28 hộ dân, khối 2 có trên 94 hộ. Sau một năm ghép 2 thành 1, đến nay, hơn 120 hộ dân khối 1 và khối 2 đã thành một nhà, họ có điều kiện hợp sức xây dựng khối phố khang trang, sạch đẹp hơn. Mùa xuân này, không chỉ có nhà văn hóa mà 100% đường ngõ xóm được cứng hóa, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/người/năm, tăng gần 5 triệu đồng/người so với năm 2018. Chị Hoàng Thị Thủy, khối 2, thị trấn Bình Gia vui mừng kể: “Ban đầu nói đến việc ghép khối, chúng tôi lo lắng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt. Nay ghép rồi mới thấy sức mạnh khu dân cư được nâng lên, làm gì cũng dễ, cũng nhanh. Ít ngày nữa, nhân dân trong khối cùng nhau ra quân nạo vét mương máng, trồng cây thì chẳng mấy mà xong”.
Không riêng 2 thôn bản, khối phố trên đây, mùa xuân này, tại 234 thôn và 15 khối phố sau sáp nhập từ đầu năm 2019 của tỉnh cũng khác so với những mùa xuân trước. Tình làng, nghĩa xóm, tổ dân phố đong đầy; sức người sức của được hội tụ làm cho mùa xuân như đến sớm hơn, khí thế hơn. Điều này thể hiện ở chỗ cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống thủy lợi, nhà văn hóa tại các thôn bản, khối phố đã được nâng cấp, sửa chữa tạo nên bức tranh mới, khang trang, hiện đại hơn và người dân hăng hái lao động sản xuất. Ông Nguyễn Khắc Phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lạng Sơn khẳng định: Nếu như trước năm 2019, các thôn, bản, khối phố có quy mô dân số ít dẫn đến việc khó khăn trong huy động các nguồn lực từ cộng đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình văn hóa, thể thao thì năm 2019, sau khi sáp nhập đã cơ bản khắc phục được những hạn chế này. Hiện, 100% hộ dân tại các thôn bản, khối phố sau sáp nhập đều phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống; gần 100% thôn, khối phố huy động được nguồn lực để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng các công trình phúc lợi xã hội; hầu hết các thôn, khối phố đều đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa.
Năm 2020, Lạng Sơn tiếp tục có thêm 165 thôn, khối phố “ghép” trên cơ sở sáp nhập từ 341 thôn bản, khối phố, theo đó, toàn tỉnh chỉ còn 1.850 thôn bản, khối phố. Tin rằng với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân, xuân này, những ngôi làng, khối phố sau sáp nhập ở Xứ Lạng sẽ lại tiếp tục thay da, đổi thịt, đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.
MINH ĐỨC
Đồng lòng xây dựng thôn bản, khối phố văn minh
(LSO) – Sau khi thôn bản, khối phố được sáp nhập, cán bộ, người dân ở các thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh đã đoàn kết xây dựng làng bản, khối phố ngày càng văn minh và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Lê Đức Minh, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận khu Trung Tâm, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng: “Diện mạo khu đổi mới nhờ sáp nhập”.
“Thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, khối phố của tỉnh, khu Trung Tâm, thị trấn Đồng Mỏ được hình thành trên cơ sở sáp nhập khu Chính với khu Thống Nhất. Hiện nay, khu có diện tích 505.000 m2, có 332 hộ dân với 1.386 nhân khẩu. Từ khi được sáp nhập, các tổ chức chính trị và người dân trong khu đã đồng lòng xây dựng khu phố văn minh, phát triển. Theo đó, năm 2019, huy động được 170 triệu đồng từ nhân dân để sửa chữa miếu Thổ Công và làm mới sân bóng chuyền hơi,… phục vụ đời sống tinh thần của bà con. Khu cũng vận động bà con thực hiện tốt các phong trào phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng đời sống văn hóa…. Năm 2019, số hộ nghèo giảm từ 15 hộ xuống còn 10 hộ; đời sống người dân ngày càng khấm khá hơn; Chi bộ khu đạt vững mạnh xuất sắc, khu dân cư văn hóa, 293/332 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa… Mùa xuân mới về, chính quyền và nhân dân khu Trung Tâm quyết tâm phấn đấu xây dựng khu phố ngày một giàu đẹp, văn minh hơn, là khu dân cư kiểu mẫu của cả thị trấn Đồng Mỏ”.
Bà Hoàng Thị Điểm, thôn Bản Quang, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình: “Đời sống kinh tế gia đình được nâng lên”.
“Thôn Bản Quang được sáp nhập từ thôn Phiêng Phấy và Bản Quang, xã Hữu Khánh. Việc sáp nhập thôn không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hay phát triển kinh tế mà còn giúp người dân chúng tôi có nhiều cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi. Riêng gia đình tôi năm nay thu nhập được trên 100 triệu đồng từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, khấm khá hơn nhiều so với trước rồi. Không chỉ vậy, nhờ sáp nhập, gần 90 hộ dân sinh hoạt chung trong một thôn lại càng gắn kết tình làng, nghĩa xóm, góp phần xây dựng làng bản đẹp hơn. Năm nay, chúng tôi đã tự nguyện đóng góp mỗi gia đình 600.000 đồng và công sức để cải tạo, sửa chữa nhà văn hóa rộng hơn 100 m2 và phát quang đường làng ngõ xóm nên đến nay, bộ mặt của thôn sạch đẹp, khang trang hơn, bà con ai cũng phấn khởi”.
Ông Tô Văn Sưng, khối 4, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn: “Khối phố được mở rộng và ngày càng văn minh”.
“Năm 2019, khối 4 được sáp nhập với khối 10 nên số hộ tăng lên hơn 360 hộ. Không chỉ số hộ tăng, sau sáp nhập, diện tích khối phố được mở rộng giúp xã và nhân dân trong khối dễ dàng triển khai, thực hiện việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Từ khi sáp nhập đến nay, chúng tôi đã ủng hộ đầy đủ các loại quỹ và đóng góp tiền cải tạo nhà văn hóa khối. Hiện tại, nhà văn hóa đã rộng rãi, khang trang hơn, không chỉ đáp ứng tốt yêu cầu hội họp mà còn có sân để người già thường xuyên tập dưỡng sinh mỗi sáng, có chỗ cho thanh niên chơi bóng chuyền.
Là một trong những hộ dân hiện nay đang sinh sống tại khối 4, gia đình tôi rất phấn khởi và hoàn toàn ủng hộ chủ trương sáp nhập khối. Chúng tôi tuyên truyền, nhắc nhở nhau cùng chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng gia đình và khu phố văn hóa. Bản thân tôi là hội viên chi hội cựu chiến binh của khu phố nên tôi thường xuyên vận động con cháu, bà con trong khu thực hiện tốt quy định của nhà nước. Tết này sẽ là cái tết rất vui vì chúng tôi được đón giao thừa đầm ấm trong một khu phố mới”.
HOÀNG HIẾU
Ý kiến ()