Đêm Trường Sa, vẳng đưa theo gió thánh thót tiếng chuông chùa. Không gian yên bình quá! Giữa bốn bề phong ba, bão tố, rạng ngời lên một khí phách Trường Sa. Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Lớn vui văn nghệ sau giờ huấn luyện. ( Ảnh: TRẦN QUYẾT ) Gió gầm réo. Biển quăng quật những con sóng dữ, như muốn nhấn chìm hết thảy. Con tàu trọng tải cả nghìn tấn mà chòng chành chừng như một chiếc lá tre. Nhưng hành trình vẫn thẳng hướng. Trường Sa đó! Những nếp nhà ngay ngắn thấp thoáng dưới bóng cây xanh. Trường Sa đó! Trên cầu tàu xa tít, những bàn tay nhỏ xíu vẫy vẫy, chào đón những chuyến tàu từ đất liền chở Xuân ra đảo, mang đủ đầy những gạo nếp, lợn, gà, lá dong... và cả những cành mai nhỏ nồng nàn hơi ấm đất liền. Trên đảo Trường Sa lớn, chiến sĩ trẻ Nguyễn Tấn Hải, quê Cam Lâm (Khánh Hòa) đang chuẩn bị hành trang chuyển công tác về đất liền. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ của mình ở Trường Sa. "Trường Sa là ngôi nhà thứ hai của em....
Đêm Trường Sa, vẳng đưa theo gió thánh thót tiếng chuông chùa. Không gian yên bình quá! Giữa bốn bề phong ba, bão tố, rạng ngời lên một khí phách Trường Sa.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Lớn vui văn nghệ sau giờ huấn luyện. ( Ảnh: TRẦN QUYẾT )
Gió gầm réo. Biển quăng quật những con sóng dữ, như muốn nhấn chìm hết thảy. Con tàu trọng tải cả nghìn tấn mà chòng chành chừng như một chiếc lá tre. Nhưng hành trình vẫn thẳng hướng. Trường Sa đó! Những nếp nhà ngay ngắn thấp thoáng dưới bóng cây xanh. Trường Sa đó! Trên cầu tàu xa tít, những bàn tay nhỏ xíu vẫy vẫy, chào đón những chuyến tàu từ đất liền chở Xuân ra đảo, mang đủ đầy những gạo nếp, lợn, gà, lá dong… và cả những cành mai nhỏ nồng nàn hơi ấm đất liền.
Trên đảo Trường Sa lớn, chiến sĩ trẻ Nguyễn Tấn Hải, quê Cam Lâm (Khánh Hòa) đang chuẩn bị hành trang chuyển công tác về đất liền. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ của mình ở Trường Sa.
“Trường Sa là ngôi nhà thứ hai của em. Hồi mới ra, em bỡ ngỡ lắm. Các anh ở đây chỉ bảo em từng tí một, sống với nhau như ruột thịt. Giờ em tự tin lắm rồi! Những ngày sống ở Trường Sa, với em là những ngày thật đẹp, thật khó quên, anh ạ!”. Hải bùi ngùi bộc bạch.
Còn Trần Thanh Tú, một chiến sĩ trẻ vừa mới đặt chân lên quần đảo Trường Sa bày tỏ: “Nghe nhiều, thấy nhiều trên ti-vi, nay được đặt chân lên vùng biển đảo xa xôi này của Tổ quốc, em thấy bồi hồi quá. Em biết, hiện đang có rất nhiều bạn thanh niên ước muốn được như em. Em sẽ cố gắng hết sức để xứng đáng với vinh dự này”.
Tết này, Hải ăn Tết cùng gia đình. Còn Tú ăn Tết cùng đồng đội. Cái Tết đầu tiên ở đảo chắc hẳn sẽ đọng lại trong Tú thật nhiều cảm xúc, như ngày trước Hải từng trải qua. Cả Hải, cả Tú đều rất trẻ. Các anh đã và đang dâng hiến sức trẻ của mình cho sự lớn mạnh không ngừng của Đoàn Trường Sa anh hùng.
Tôi đến lớp học của cô giáo Bùi Thị Nhung, ở thị trấn Trường Sa. Trên bảng đen, có những dòng thơ của Trần Đăng Khoa: “Em ơi cứ ngủ/ Tay anh đưa đều/ Ba gian nhà nhỏ/ Đầy tiếng võng kêu…” Cô giáo đang dạy cho các em nhỏ biết yêu ông bà, cha mẹ, biết yêu những ngôi nhà xinh xắn bên bờ biển xanh đầy nắng và gió Trường Sa. Trong năm 2011, cô giáo Nhung có thật nhiều niềm vui: Được kết nạp vào Đảng ngày 3-1-2011, chỉ mấy ngày trước Đại hội lần thứ XI của Đảng diễn ra. Cô giáo xúc động nói: “Được kết nạp Đảng ngay trên vùng biển đảo của Tổ quốc thế này, em thấy mình hạnh phúc lắm”.
Và cũng trong năm 2011, cô giáo Nhung đã sinh thêm một em bé – một công dân mới của quần đảo Trường Sa anh hùng. Lớp trẻ ở Trường Sa, như con của cô giáo Nhung ở đây chẳng hạn, ngày ngày không chỉ sống trong tình thương yêu của ba mẹ mà còn được sống trong sự chở che, đùm bọc của những người lính. Rồi các em sẽ lớn lên, sẽ cứng cáp như những cây phong ba, cây bão táp ngày thêm vững vàng, hiên ngang trước sóng gió trùng khơi cùng cha anh giữ gìn quần đảo Trường Sa – vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Lâu nay, các đảo trên quần đảo Trường Sa luôn coi công việc cứu hộ, cứu nạn tàu cá của dân là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trên đảo Song Tử Tây, Thượng úy Lê Hanh, Bệnh xá trưởng của đảo cho biết, ngư dân mình thường xuyên vào đây khám bệnh, lấy thuốc. Không chỉ có vậy, bệnh xá ở đây đã cấp cứu nhiều trường hợp ngư dân bị tai nạn trên biển. Tháng 10-2011 vừa qua, anh Phạm Văn Thương trên tàu QNg 6417 do lặn sâu tới 40 m nên bị giảm áp nghiêm trọng. Trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ bị tử vong hoặc tàn phế suốt đời. Được điều trị khỏi hẳn bệnh, trở lại tham gia sản xuất, anh Thương xúc động không kể xiết: “Nhờ có các anh ở đây đã giành lại sự sống cho tôi!”.
Ngồi trên boong tàu ướt sũng nước, Đại tá Nguyễn Đức Vượng, Phó Chính ủy vùng D Hải quân cho biết, những năm qua, tiềm năng to lớn về kinh tế biển của cả vùng biển đảo Trường Sa đang từng bước được phát huy. Cán bộ, chiến sĩ trên các đảo cùng lớp lớp các thế hệ ngư dân kiên cường bám biển, không chỉ khai thác tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá mà còn góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Các lực lượng trên đảo đã phối hợp chặt chẽ thực hiện hai nhiệm vụ kinh tế và quốc phòng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển ngày thêm vững chắc.
Từ rất sớm trước Tết, các đảo đã chuẩn bị bàn thờ Tổ quốc, Bác Hồ, đủ đầy và ấm áp hương hoa. Thường ngày, nhà cửa vốn đã gọn ghẽ, tinh tươm rồi, ấy vậy mà sắp Tết, anh em vẫn cứ lúi húi lau chùi. Rồi lại trang trí cho thật đẹp. Không có mai vàng tươi thì đã có những cành mai vàng giấy. Những bữa cơm cuối năm trên đảo thật đầm ấm, thiêng liêng, đậm đà phong vị quê hương. Vẫn thịt gà, thịt lợn, vẫn bánh chưng, bánh dày. Sau bữa cơm, anh em hăng hái tham gia hái hoa dân chủ, ca hát.
Chủ tịch HĐND huyện Trường Sa Nguyễn Văn Thắng khoe: Năm 2011 vừa qua, quân và dân huyện đảo Trường Sa đã hoàn thành một cách xuất sắc các nhiệm vụ về kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, xây dựng chính quyền… ở Trường Sa, Tết đến sớm cả tháng so với đất liền. Từ trước Tết rất lâu, bên cạnh các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, anh em trên đảo đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; phát động, hưởng ứng phong trào thi đua “Mừng Đảng, mừng Xuân ra quân quyết thắng”… Nghe tình hình kinh tế – xã hội đất nước phát triển, đời sống nhân dân quê nhà được nâng cao, anh em ai nấy đều rất yên lòng về hậu phương vững chắc của mình.
Ngày Xuân rộn rã, bất giác, tôi nhớ mấy câu thơ của bác sĩ quân y Từ Công Tào, người đã có rất nhiều năm gắn bó với Trường Sa: “Đụn mây giăng ở chân trời/Nhấp nhô như thể núi đồi quê hương”. Mây mà cứ ngỡ đất đai quê nhà! Phải, Tổ quốc dường như luôn hiện lên thật gần, thật rõ trong tâm trí những người con từ khắp mọi miền đất nước đang sinh sống, lao động và chiến đấu ở tuyến đầu Trường Sa.
Xuân đang đến. Trong trạm gác trên đảo, những nụ mai vàng chúm chím cứ khẽ đong đưa, đong đưa.
Ngoài kia, có tiếng con chim chiền chiện reo vui lảnh lót, nghe xao xuyến cả đất trời Xuân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()