Thứ 7, 16/11/2024 23:54 [(GMT +7)]
Xuân trên bản mới
Thứ 6, 20/01/2012 | 09:07:00 [(GMT +7)] A A
Một ngày ở bản Nà Bó, chúng tôi được cảm nhận một không khí xuân đầm ấm bên bếp lửa của bà con dân tộc Nùng ở vùng giáp biên này. Nói như đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lòa thì dự án di dân ra bản mới Nà Bó thực sự là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm giãn dân ra biên giới để bà con bám đất, bám rừng, giữ vững từng tấc đất, tấc rừng và chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Từ đó có thể thấy rằng, chính sách hỗ trợ giúp đỡ bà con ổn định cuộc sống thực sự là hợp với ý Đảng, lòng dân, để nhân dân củng cố thêm niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, yên tâm xây dựng cuộc sống mới.
LSO-Một ngày đầu xuân mới, tôi có dịp đến với bản định cư mới mang tên Nà Bó thuộc thôn Bản Lòa, xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc. Con đường đất đỏ từ trụ sở UBND xã dài hơn 5 cây số đến bản Nà Bó có khá nhiều ổ gà khiến cho tay lái cậu em đồng nghiệp đi cùng tôi nhiều lúc chệnh choạng. Không quen đường nên con ngựa sắt của chúng tôi không thể nào đeo bám được với xe của 2 bác cán bộ Phòng dân tộc huyện và Ban dân tộc tỉnh. Đi vào đến trung tâm bản Nà Bó, tôi mới thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn, vất vả của bà con dân tộc nơi đây hàng ngày vẫn thường xuyên đi lại trên con đường nắng thì bụi, mưa thì trơn như thế này. Nhấp một chén trà ngon, chị Thi Thị Mít nói chuyện với tôi bằng tiếng dân tộc Nùng phản slình, chị bảo, hồi bé chị học ít nên nói tiếng Kinh chưa sõi lắm, nếu cô nhà báo biết tiếng dân tộc thì mình nói chuyện bằng tiếng dân tộc nhé. Cũng may, tôi có chút vốn tiếng dân tộc Tày của cha mẹ dạy cho nên cũng nói chuyện được với chị. Nhìn cái dáng người nhỏ nhắn của chị không ai nghĩ rằng mới 35 tuổi mà chị đã là bà mẹ của 4 đứa con. Chị Mít quê ở Pò Phấy, xã Cao Lâu, lấy anh Vi Văn Cồ ở thôn Bản Lòa. Khi có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và di dân ra bản Nà Bó này, anh chị đã đăng ký để tách khẩu ra đây xây dựng đời sống mới. Chị Mít kể: mình ra đây từ năm 2009, ăn được 2 cái tết cổ truyền ở đây rồi. Hiện nay, vợ chồng mình đều cố gắng cho các con đi học đầy đủ, cháu lớn giờ học lớp 7 rồi, cháu nhỏ nhất thì đang học mầm non. Trước đây không biết nên đẻ nhiều, giờ được cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn kế hoạch hóa gia đình nên ra bản mới ở vợ chồng mình chí thú làm ăn thôi, không đẻ nữa, có 3 con trai và 1 con gái rồi mà…
Câu chuyện rất thật và cởi mở của chị Mít cũng giống như sự thân thiện của các gia đình khác ở bản Nà Bó, đó chính là một ấn tượng sâu đậm để lại trong lòng một người khách lạ như tôi khi đến với bản Nà Bó. Hiện nay, bản Nà Bó có 16 hộ, trong đó có 8 hộ đã ra ở ổn định, những hộ còn lại đang hoàn thiện xây dựng, sửa sang nhà cửa để chuẩn bị cho cuộc sống mới. Ông Lý Đức Trọng, Trưởng phòng Đầu tư và Xây dựng, Ban Dân tộc tỉnh chia sẻ: Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và di dân ra bản Nà Bó, xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh từ năm 2005. Qua 6 năm triển khai thực hiện, đến nay đã thực hiện xong các công trình, hạng mục và đưa nhân dân ra ổn định cuộc sống. Dự án hỗ trợ mỗi hộ 30 triệu đồng để làm nhà, hỗ trợ mỗi hộ 5 triệu đồng để sản xuất, 2,5 triệu đồng tiền điện sinh hoạt, hỗ trợ đất sản xuất tùy theo diện tích của mỗi hộ, ước tính bình quân mỗi hộ được hỗ trợ tổng cộng khoảng 40 triệu đồng. Theo đó, dự án đã hỗ trợ xây dựng cho bà con nhân dân 1 bể nước sinh hoạt tập trung tại đầu thôn và 1 bể nước sinh hoạt cho nhà trạm Biên phòng, hỗ trợ xây dựng 1 nhà trạm Biên phòng và 1 nhà văn hóa của thôn. Tổng dự án đầu tư tại Nà Bó trên 4,2 tỷ đồng.
Gặp anh Phó Trưởng thôn Vi Văn Nhất đi chợ mua sắm đồ về, ở xe đồ đạc nào rau, nào bát mới còn lỉnh kỉnh nhưng anh vui vẻ cho biết: hôm nay ngày chợ ở thành phố Lạng Sơn nên mình tranh thủ ra chợ mua chút đồ, cũng sắp đến Tết cổ truyền rồi, với lại xem một số giống lợn con, để xuất xong 5 con lợn này mình sẽ mua tiếp lợn con về nuôi và tăng gia sản xuất luôn. Vừa nói anh vừa dẫn chúng tôi đi xem những chú lợn béo núc ních trong chuồng, con nào con nấy tính sơ sơ cũng được gần trăm cân. Đi một vòng bản mới, tôi thấy nhà nào cũng nuôi lợn và trồng được rau xanh cũng như rau lang, trồng sắn để cung cấp thức ăn phục vụ chăn nuôi lợn. Không những vậy, chục năm trở lại đây, phong trào trồng rừng ở thôn Bản Lòa, nhất là bà con ở bản Nà Bó rất tích cực. Được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Lòa hướng dẫn, giúp đỡ nên hiện nay các quả đồi ở bản mới đã được phủ xanh bằng cây bạch đàn và cây thông. Ở bản Nà Bó này, trung bình nhà nào cũng có khoảng 4-5 ha, nhà nhiều có trên 10 ha. Nguồn tài nguyên rừng này sẽ là một hướng phát triển kinh tế giúp bản mới Nà Bó cũng như nhân dân thôn Bản Lòa sớm thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu. Bà Lý Thị Thẳn, hộ nghèo duy nhất năm 2011 của bản Nà Bó cho biết: Tôi ra ở với vợ chồng con trai, giúp các con quán xuyến nhà cửa và hai cháu nhỏ để các con tập trung làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Vừa rồi thôn thực hiện bình xét hộ nghèo, gia đình tôi còn khó khăn nên vào danh sách hộ nghèo. Chúng tôi sẽ cố gắng làm ăn, học tập các kiến thức mà cán bộ xuống hướng dẫn để đưa các giống mới vào sản xuất, cho sản lượng năng suất cao, phấn đấu thoát nghèo trong năm tới.
Cuộc sống ở bản Nà Bó mặc dù còn nhiều khó khăn vất vả song ra bản mới bà con đi làm ruộng, làm rừng gần hơn, lại có nhà xây khang trang, kiên cố để ở nên bà con rất vui và yên tâm ổn định đời sống. Nói chuyện về tết, trẻ em ở bản mới có chưa đến chục cháu với các lứa tuổi lớn, nhỏ khác nhau nhưng ai cũng háo hức chờ đón ngày tết. Trong ánh mắt bọn trẻ tết về là được mua sắm quần áo mới, được ăn ngon hơn, nhiều bánh kẹo, hoa quả nữa, đặc biệt chúng thích được nhận tiền lì xì của ông, bà, bố, mẹ và người lớn tới chơi tết, xông nhà. Ông Lộc Xuân Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lòa phấn khởi cho biết: Xã Thanh Lòa là vùng 3 còn nhiều khó khăn với 35,35% hộ nghèo theo điều tra năm 2010, xã có 2 ngày hội xuân diễn ra vào ngày mùng 1 và mùng 2 tháng 2 âm lịch tại thôn Bản Lòa và thôn Nà Làng. Tết cổ truyền năm nay, xã tiếp tục chỉ đạo tổ chức ngày hội văn hóa, thể dục thể thao gắn với Hội xuân tại thôn Nà Làng nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi để bà con bước vào một năm mới sản xuất thắng lợi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cho địa phương.
Một ngày ở bản Nà Bó, chúng tôi được cảm nhận một không khí xuân đầm ấm bên bếp lửa của bà con dân tộc Nùng ở vùng giáp biên này. Nói như đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lòa thì dự án di dân ra bản mới Nà Bó thực sự là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm giãn dân ra biên giới để bà con bám đất, bám rừng, giữ vững từng tấc đất, tấc rừng và chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Từ đó có thể thấy rằng, chính sách hỗ trợ giúp đỡ bà con ổn định cuộc sống thực sự là hợp với ý Đảng, lòng dân, để nhân dân củng cố thêm niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, yên tâm xây dựng cuộc sống mới.
Thanh Huyền
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()