Xuân Thủy - nhà hoạt động chính trị - xã hội, nhà báo lớn
Đồng chí Xuân Thủy sinh ngày 2-9-1912. Năm nay tròn 100 tuổi. Đồng chí mất ngày 18-6-1985. Mỗi năm, đến Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta không thể không nhớ đến nhà báo "cổ thụ" trong làng báo Việt Nam.Người chiến sĩ cộng sản kiên cườngTừ nhỏ, đồng chí Xuân Thủy (trong ảnh) đã được hun đúc lòng yêu nước từ người cha của mình là một nhà nho, thầy lang yêu nước ở vùng Canh, nay là xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đồng chí được giác ngộ cách mạng từ năm 1932. Nhưng phong trào cách mạng bị khủng bố ác liệt, đồng chí mất liên lạc. Năm 1934, đồng chí tự gây dựng cơ sở cách mạng ở vùng quê nhà, nhưng do hào lý theo dõi ráo riết, nên đã thoát ly lên vùng thị xã Phúc Yên tự gây dựng phong trào cách mạng tại đây, rồi bị bắt vào nhà tù Phúc Yên, sau đó đưa về nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động, lại bị bắt vào nhà tù Hà Đông, rồi đưa về Hỏa Lò.Tại Hỏa Lò, đồng chí bị...
|
Người chiến sĩ cộng sản kiên cường
Từ nhỏ, đồng chí Xuân Thủy (trong ảnh) đã được hun đúc lòng yêu nước từ người cha của mình là một nhà nho, thầy lang yêu nước ở vùng Canh, nay là xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đồng chí được giác ngộ cách mạng từ năm 1932. Nhưng phong trào cách mạng bị khủng bố ác liệt, đồng chí mất liên lạc. Năm 1934, đồng chí tự gây dựng cơ sở cách mạng ở vùng quê nhà, nhưng do hào lý theo dõi ráo riết, nên đã thoát ly lên vùng thị xã Phúc Yên tự gây dựng phong trào cách mạng tại đây, rồi bị bắt vào nhà tù Phúc Yên, sau đó đưa về nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động, lại bị bắt vào nhà tù Hà Đông, rồi đưa về Hỏa Lò.
Tại Hỏa Lò, đồng chí bị tra tấn cực hình dã man: Bị địch đánh bằng roi gân bò, đổ mắm ớt vào mũi, trói ghì hai cánh tay ra sau để tra tấn như lộn mề gà, tra điện tù nhân, gọi là đi tàu bay; bơm nước vào mồm tù nhân, gọi là đi tàu thủy; đấm đá thụi khắp người tù nhân, gọi là đi tàu ngầm.
Từ nhà tù Hỏa Lò, đồng chí bị đầy lên nhà tù Sơn La. Hết hạn tù, đồng chí lại bị cho đi đầy không thời hạn ở Bắc Mê (Hà Giang). Tại đây, đồng chí tổ chức vượt ngục nhưng không thành, bị giam ở xà lim nhà tù thị xã Hà Giang, sau đấy địch lại giam đồng chí ở nhà tù Sơn La.
Tại nhà tù Sơn La, đồng chí được kết nạp vào Đảng CS Việt Nam ngay khóa đầu tiên, do đồng chí Tô Hiệu và Trần Huy Liệu giới thiệu. Đồng chí được là đảng viên chính thức ngay, không qua dự bị. Sau đó, đồng chí tham gia chi ủy nhiều khóa, rồi Thường vụ Đảng bộ và thường xuyên được cử tham gia Ủy ban công khai lãnh đạo tù nhân và được cử làm công tác binh vận.
Ngay sau khi cách mạng thành công, đồng chí được bầu vào Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1955, đồng chí được vào T.Ư, với 27 năm là Ủy viên T.Ư Đảng. Năm 1968, đồng chí được cử làm Bí thư T.Ư Đảng và giữ cương vị này trong 14 năm.
Đồng chí Xuân Thủy là đại biểu Quốc hội từ khóa đầu tiên đến khóa VII, đồng thời liên tục tham gia cơ quan lãnh đạo cao nhất của Quốc hội từ khóa I và nhiều khóa tiếp theo.
Từ năm 1951, T.Ư Đảng thành lập cơ quan lãnh đạo Mặt trận và Dân vận của Đảng, rồi thành lập Đảng đoàn Mặt trận, đồng chí Xuân Thủy được Đảng cử ra phụ trách công tác này. Với cương vị đó, đồng chí vừa là người tham mưu đường lối đại đoàn kết toàn dân cho Đảng, vừa là người thay mặt Đảng lãnh đạo Mặt trận dân tộc Thống nhất trong suốt cuộc kháng chiến và những năm đầu của thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Xuân Thủy là người được phân công chỉ đạo trực tiếp việc thống nhất Mặt trận cũng như các đoàn thể hai miền nam, bắc. Công việc này khá phức tạp nhưng đã được hoàn thành rất tốt đẹp. Khi thống nhất hai Mặt trận ở hai miền, việc lấy tên là Mặt trận gì, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Cuối cùng, đồng chí Xuân Thủy đã thuyết phục mọi người nên lấy tên là “Mặt trận Tổ quốc” với lý lẽ thiết tha, rung động, không ai từ chối.
Một nhà báo lớn
Từ những năm 1935, đồng chí Xuân Thủy là thông tín viên của Báo Trung Bắc Tân văn và đã có thơ, bài đăng trên báo ở Hà Nội. Năm 1941, tại nhà tù Sơn La, đồng chí Xuân Thủy đã là chủ bút tờ báo Suối reo, tờ báo bí mật của tù chính trị. Từ năm 1944, đồng chí Xuân Thủy được Đảng phân công Chủ nhiệm Báo Cứu quốc bí mật rồi Báo Cứu quốc ra hằng ngày trong Cách mạng Tháng Tám. Suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Báo Cứu quốc là tờ báo duy nhất ra hằng ngày, là tiếng nói của Mặt trận, của Đảng và của Nhà nước (vì Đảng ta rút vào bí mật). Trong điều kiện kháng chiến, đất nước bị chia cắt, đồng chí Xuân Thủy đã có sáng kiến tổ chức chi nhánh Báo Cứu quốc ở khắp các liên khu trên cả nước. Do vậy, Báo Cứu quốc có mặt ở khắp nơi trên đất nước và ngày nào cũng ra mắt đồng bào. Đồng chí Xuân Thủy thường viết xã luận và bình luận, viết ca dao và nhiều hình thức khác nhau. Đồng chí Xuân Thủy viết hàng nghìn bài trên mặt báo trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Lời văn hùng hồn, tha thiết, mạch lạc.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí đã đứng ra tổ chức tập hợp những người viết báo thành Đoàn báo chí Việt Nam. Khi kháng chiến chống thực dân Pháp lan rộng, đồng chí Xuân Thủy trực tiếp phụ trách Đoàn báo chí kháng chiến (1947). Đến năm 1950, thấy cần phải có một đoàn thể chính thức cho những người viết báo Việt Nam, theo chỉ đạo của Bác Hồ, đồng chí Xuân Thủy đã chủ trì tổ chức Đại hội Những người viết báo Việt Nam lần thứ nhất. Tại Đại hội này, đồng chí được tín nhiệm bầu làm chủ tịch. Năm 1949, đồng chí Xuân Thủy đã tổ chức lớp viết báo đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng và là một trong những giáo viên dạy ở đây. Năm 1957, đồng chí Xuân Thủy là người Việt Nam đầu tiên được bầu làm Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ), và cũng là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng báo chí quốc tế của tổ chức này.
Những ngày cuối cùng của đời mình, đồng chí Xuân Thủy vẫn gắn liền với báo chí, với Hội Nhà báo. Để chuẩn bị kỷ niệm Ngày nhà báo Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam, đồng chí Xuân Thủy đã hẹn hàng trăm nhà báo trong khối Mặt trận đến gặp mặt. Nhưng không may, ngày 18-6 năm đó, đồng chí Xuân Thủy đã ngã bệnh trên bàn làm việc của mình và ra đi mãi mãi, với các bài báo viết dở cho tập sách “Những chặng đường Báo Cứu quốc”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()