Xuân sớm trên đỉnh Khau Kiêng
Thật vui khi các chiến sĩ “chủ nhà” vừa trực điện đài, vừa tiếp khách đến chúc tết. Hai chiến sĩ trong kíp trực chỉ khẽ quay đầu chào chúng tôi, nhưng mắt thì nhìn chăm chú vào cuốn sổ nhận điện, tai không rời ống nghe còn tay thì ghi chép liên tục. Thiếu úy Nguyễn Quý Hợi, Phó Trạm trưởng vui vẻ nói: “Các đồng chí thông cảm, chúng tôi tuy vui xuân mới, nhưng nhiệm vụ thì phải thực thi nghiêm túc, bởi những ngày này là ngày cao điểm”. Nhìn các chiến sĩ liên tục nhận và truyền đi những bức điện mật ngữ bằng những dãy số, tôi bỗng hiểu vì sao người lính thông tin vẫn ví von: “Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phải như mạch máu trong cơ thể” và “Vào ca là vào vị trí chiến đấu”, bởi chỉ một phút lơ là, sao nhãng thôi là có thể những bức điện “khẩn” về đảm bảo công tác trực trong dịp tết này bị chậm chễ, sẽ ảnh hưởng tới nhiều đơn vị trên địa bàn 6 tỉnh của LLVT Quân khu 1. Binh nhất Đỗ Tiến Việt, quê ở huyện Định Hóa (Thái Nguyên ) bộc bạch với tôi: “Đây là cái tết thứ 2 em đón xuân ở đây chị ạ. Nhớ giao thừa năm ngoái, xung quanh vắng lặng, chỉ có tiếng gió trượt dài xuống núi, tiếng lá cây va vào đá lạt sạt, em nhớ nhà đến phát khóc. Nhưng, khi nghe tiếng thủ trưởng từ đầu dây Trung đoàn xa xôi chúc tết, em bỗng vừa khóc lại vừa cười”. Riêng với binh nhất Lưu Viết Tường, thì nhoẻn miệng cười hồ hởi: “Tuy không được vui đón xuân cùng gia đình, nhưng khi nghĩ mình làm nhiệm vụ trực tết, để nhà nhà vui xuân đầm ấm, bản làng bình yên là tụi em phấn khởi lắm. Nhưng mà ở đây vui lắm chị ạ, tí nữa là các cô giáo dưới trường kết nghĩa cùng thanh niên địa phương lên đây cùng gói bánh chưng với tụi em đấy”. Những người lính ở trên đỉnh Khau Kiên, quanh năm “gội sương, tắm gió”, 5 ngày một phiên thay ca trực, lên và xuống núi khó khăn, vất vả bởi họ cõng theo lương thực, thực phẩm… và cả nước sinh hoạt vào mùa khô, nhưng họ vẫn đồng tâm, hiệp lực, vui vẻ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, và thật cảm động khi tôi chứng kiến, họ không nguôi ao ước: Giá như đầu xuân được xum vầy cùng gia đình….
Chúng tôi ngồi “chưa ấm chỗ” đã thấy vọng vào lao xao tiếng nói cười vui vẻ. Đó là các thiếu nữ người địa phương, ai nấy gương mặt tươi như hoa ào vào cửa. Em Lương Thị Vĩnh, tay cầm cành đào ken dầy những nụ chúm chím màu hồng nhanh nhảu “giới thiệu”: “Chúng em ở dưới xã Vũ Sơn, lên đây gói bánh chưng, trang trí trạm đài cùng bộ đội đón xuân”. Có ai đó trong đoàn hỏi vui: “Thế, các cô gái có….ai xung phong “sánh bước quân hành suốt đời” cùng bộ đội không?”. Các cô gái e lệ nhìn nhau, em Hoàng Thị Thúy, tươi cười: “Chúng em đang xếp hàng…chờ bộ đội đấy”. Mọi người cùng cất lên tiếng cười giòn giã, vui vẻ làm không gian ấm hẳn lên. Từng đám mây quấn quít theo người ùa vào trong nhà bỗng như tan loãng ra, vấn vít theo gió bay ào qua cửa… Và tôi như bị cuốn hút vào “nhịp điệu” tươi trẻ của những người lính và các cô gái khi họ từng cặp, từng đôi ríu rít vừa vo gạo, đãi đỗ, rửa lá dong, gói bánh, vừa tâm tình thủ thỉ chuyện trò. Loáng cái, họ đã gói xong. Khi những chiếc bánh chưng vuông vắn xếp cạnh những chiếc bánh dài và lửa bếp tỏa sáng cũng là lúc tiếng hát trầm hùng, sôi nổi bay bổng ngân vang. Đoàn chúng tôi tạm biệt những người lính thông tin, chia tay với các cô gái địa phương để xuống núi. Hình ảnh những chiến sĩ “cánh sóng”, vui xuân đầm ấm, giản dị với các cô gái giữa ngút ngàn hoa đào rực rỡ, cùng không gian thanh bình như muốn níu bước chân tôi.
Ý kiến ()