Xuân này gặp lại Tiểu đội nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ
- Gần 60 năm qua nhưng ký ức về sự kiện Tiểu đội nữ dân quân xã Quang Lang, huyện Chi Lăng bắn rơi máy bay F105 của đế quốc Mỹ vẫn luôn vang vọng. Lần nào cũng vậy, có dịp gặp mặt là các bà, các chị trong tiểu đội lại rưng rưng, chung lời hào sảng vọng vào đại ngàn núi Kai Kinh.
Tôi trở lại miền quê trong sắc vàng đỏ của phố hoa Đồng Mỏ. Nơi đây, đồng bào các dân tộc đang nô nức kỷ niệm 60 năm thành lập huyện Chi Lăng (16/12/1964- 16/12/2024). Các đường phố, nhà cửa được mọi người trang hoàng cây cảnh, cờ hoa rực rỡ, niềm vui lan tỏa khắp phố núi…
Kỷ niệm thành lập huyện nhà, cũng là dịp tiểu đội bước sang năm thứ 60 truyền thống. Tôi cùng các anh lãnh đạo địa phương đến thăm một số chị trong Tiểu đội nữ dân quân Quang Lang đã từng bắn rơi máy bay Mỹ, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong tổng số 11 người biên chế tiểu đội xưa thì nay chỉ còn 7 chị hội ngộ. Có người đã “khuất núi”, nhiều cựu nữ dân quân khác tha phương, mất liên lạc. Điều đáng mừng là các chị nay đã lên chức bà nội, bà ngoại, tóc đã bạc trắng, song tất cả đều lạc quan với đôi mắt sáng như ngày nào. Tất cả đều mang tâm thế của những người đã được tôi luyện, trưởng thành trong chiến đấu. Các chị cười bảo: “Tuy tuổi đã cao nhưng chúng tớ vẫn thích gọi là chị cho nó trẻ, mãi mãi tuổi hai mươi !”
Bài ca chiến thắng
Ấn tượng là khi gặp khách quý, các chị trong tiểu đội đều vận bộ quần áo người Tày truyền thống. Chị Vy Thị Bay, sinh sống tại xã Quang Lang (nay thuộc thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng), năm nay bước sang tuổi 77 nhưng còn tinh anh, nhanh nhẹn, hoạt bát. Chị vào trong căn buồng nhỏ lấy ra tấm Huy chương Kháng chiến hạng Nhất rồi hồi nhớ và kể lại: “Chuyện bắn rơi máy bay Mỹ là kỷ niệm không bao giờ quên đối với chúng tôi. Tiểu đội được thành lập vào năm 1963 gồm 11 chị em do Nguyễn Thị Thìn làm Tiểu đội trưởng. Ngày ấy, mọi người còn xuân xanh, độ tuổi 16, 17 song luôn thi đua với cánh nam giới, hăng hái tham gia làm trận địa, lên đồi núi tập bắn, làm quen với hiệu lệnh. Ngày nào cũng vậy, ban ngày trực chiến, tối về tiếp tục lao động, sản xuất, Cuối tuần thì luyện tập văn nghệ, đóng kịch vui…
“Cuối năm 1965, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc. Mục tiêu của bọn chúng là đánh sập cây cầu sắt khu lâm trường Mỏ Đá, huyện Chi Lăng. Đây là huyêt mạch giao thông của ta trong việc vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực viện trợ của phe Xã hội chủ nghĩa từ phía biên giới Việt Nam- Trung Quốc vào Nam. Sáng nào cũng vậy, từ khi cành lá còn sương, Tiểu đội nữ dân quân Quang Lang túc trực tại chốt tiền tiêu ở đồi Khau Phục, điểm cao nhất ở địa phương. Khi giặc chưa tới, chị em tranh thủ đào giao thông hào, hầm trú ẩn, lấy lá ngụy trang phủ lên khẩu pháo cao xạ. Ngày đó, do thời tiết khắc nghiệt, có chị em ốm mà không muốn nghỉ vì chưa được lập công đầu…”, chị Bay kể lại.
Câu chuyện thêm xôm tụ khi ký ức ùa về, các chị thuật lại chuyện đánh giặc Mỹ như nổ ngô rang. Trưa ngày 1/12/1965, tiểu đội đang tranh thủ tập một bài hát bên giao thông hào cho hội diễn văn nghệ quần chúng sắp tới thì có tiếng ra-đa báo động. Trên bầu trời xuất hiện tốp máy bay Mỹ lao về hướng cầu sắt. Các chị mỗi người một khẩu súng trường, chọn góc độ đã định sẵn sàng nhả đạn. Một chiếc F105 chúc đầu xuống đồi Khau Phục cắt bom. Đúng lúc đó, có tiếng của Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Thìn hô to “Bắn”, mọi người nhất loạt nổ súng, từng loạt đạn đanh thép vút lên bầu trời lao thẳng vào máy bay địch. Trong mịt mùng bom đạn, trên bầu trời xuất hiện một cột lửa bốc cháy rồi rơi xuống ruộng lúa góc đồi xa. “Cháy rồi. Máy bay Mỹ rơi rồi các đồng chí ơi”. Nhiều tiếng reo mừng thốt lên. Các chị ôm nhau khóc vì vui mừng. Chị Thìn - Tiểu đội trưởng ra lệnh mọi người nhanh chóng cùng bộ đội, người dân đi tìm xác “con ma giặc”.
Chúng tôi nghe chuyện đánh giặc mà lan tỏa niềm kiêu hãnh. Bởi vì hầu hết các nữ “xạ thủ” tham gia chiến đấu khi tuổi đời đang còn trẻ, chị em đều chưa có kinh nghiệm chiến đấu và sử dụng súng đạn. Nhưng khi đối đầu với giặc Mỹ, dù là trực tiếp hay gián tiếp thì mọi người đều thể hiện bản lĩnh vững vàng, tự tin chiến đấu để biến điều không thể thành có thể. Lòng dũng cảm, dám đứng lên đấu tranh vì độc lập dân tộc của chị em là truyền thống yêu nước tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam đã có từ ngàn đời nay. Và tinh thần đó vẫn được tiếp nối bởi thế hệ trẻ với những chiến tích mới trong xây dựng đất nước thời kỳ mới…
Tri ân
Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Sự kiện Tiểu đội nữ dân quân Quang Lang dùng súng trường bắn rơi máy bay F105 của giặc Mỹ trở thành niềm vui, tự hào cho lực lượng dân quân tự vệ và quân dân ta. Nhận được thông tin, nhiều đồng chí lãnh đạo trung ương, Quân khu 1, tỉnh Lạng Sơn tới thăm, tặng quà và động viên. Trong đó có ông Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tới gặp và được Tiểu đội nữ dân quân Quang Lang trao tặng mảnh xác máy bay mà đơn vị đã bắn hạ. Các chị đều được biểu dương trong các phong trào, các hội nghị báo công và được tặng danh hiệu “Phụ nữ đảm đang”, “Chiến sỹ thi đua”, nhận bằng khen của Quân khu I, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh….
Năm 1998, Tiểu đội nữ dân quân Quang Lang được Nhà nước trao tặng Huân Chương chiến công hạng Nhì; 11 cá nhân tham gia bắn rơi máy bay Mỹ được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.
|
Qua sáu thập kỷ gặp lại nhau, các cựu nữ dân quân mừng tủi và không quên hỏi han chuyện chồng con, cuộc sống. Chị Vi Thị Trong nhỏ nhẹ kể, khi còn ở tiểu đội đã lập gia đình với một cán bộ lâm nghiệp, song do hoàn cảnh chiến tranh, tham gia trực chiến nhiều, tình cảm rạn nứt nên chia tay nhau. Sau này tái giá muộn nên không có con... Còn chị Trần Thị Hiền sinh được bốn người con, cô con gái thứ hai làm giáo viên dạy học gần nhà bỗng mắc chứng bệnh tâm thần, việc chữa chạy mất thời gian, tiền bạc nên cuộc sống gia đình trở nên khó khăn. Mọi người đều nhắc đến Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Thìn hiền lành, tốt bụng. Ngoài tích cực tham gia huấn luyện, chiến đấu, chị còn là Phó Bí thư chi đoàn, xã viên lao động giỏi nhưng sau đó mất sớm do bệnh tật…
Năm 1973 khi hoàn thành nhiệm vụ, các nữ dân quân Quang Lang trở về cuộc sống đời thường. Hiện có 7 người đang sinh sống ở các xã Vân Thủy, Quan Sơn và thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Vào dịp lễ tết, kỷ niệm 30/4 hoặc đi chợ phiên có dịp gặp nhau. Còn 4 cựu nữ dân quân khác thì ở xa, có người đã mất liên lạc. Là người dễ xúc động, chị Vy Thị Bay tâm sự: Đa phần các thành viên Tiểu đội nữ dân quân Quang Lang sức khỏe đã giảm sút, tuy thế ai cũng lạc quan, yêu đời và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, trọn nghĩa vẹn tình là những người cựu chiến binh gương mẫu.
Thấm nhuần đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan đoàn thể và tuổi trẻ địa phương đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực để tri ân đối với những người có công với Tổ quốc. Bằng những công việc cụ thể, các cấp các ngành ở địa phương luôn quan tâm, động viên, hỗ trợ gia đình các cựu nữ dân quân Quang Lang đã nỗ lực vươn lên, ổn định cả vật chất lẫn tinh thần. Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng chia sẻ thêm: Huyện Chi Lăng rất quan tâm chăm lo các chế độ, chính sách cho các cựu dân quân Quang Lang và thường xuyên tổ chức các chương trình tri ân, gặp mặt truyền thống. Gần đây, tiểu đội được đi viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn.
Gặp mặt, các chị nhắc nhớ đến những món quà của báo Tiền Phong và các nhà hảo tâm. Nhất là được tuổi trẻ địa phương bố trí một bữa cơm ấm cúng, cùng ăn sau bao năm tháng xa cách, được ôn chuyện xưa và “thắp lửa” truyền thống cho thế hệ sau, ai cũng vui mà ngấn lệ…Nắm tay chúng tôi, chị Vy Thị Bay chỉ vào chiếc lược kim loại làm bằng xác máy bay Mỹ đang cài trên mái tóc ánh lên niềm kiêu hãnh nói rằng, sau chiến công vang dội của tiểu đội, nhiều nhà báo, nhà văn, đến quay phim chụp ảnh phỏng vấn, ghi hình, lại có một bài hát ca ngợi chiến công của tiểu đội.
Trong niềm vui đón mừng kỷ niệm 60 năm thành lập huyện Chi Lăng, gia đình chị Vi Thị Bay vừa vào ở căn nhà mới khang trang, sạch đẹp. Đây là món quà của Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phối hợp với các đơn vị đồng hành hỗ trợ tổ chức xây dựng và bàn giao ngôi nhà xây dựng trên mảnh đất gần 100m² với kinh phí xây dựng khoảng 170 triệu đồng. Với những niềm vui chung này, trong gian phòng gặp mặt ấm cúng bỗng tràn ngập lời ca tiếng hát thiết tha sôi nổi, hào hùng một thời: “Ơi! những cô: Thìn, Dung, Len, Sáy/ Yến, Tuyết, Hiền, Bay, Trong, Nệ, Páy/ Mười một tên, mười một cành hoa/ Mười một bát cốm thơm giữa nhà… Chớ nghi gái Lạng chỉ quen hát/ Lại xem Tiểu đội nữ Quang Lang/ Phản lực Mỹ chúc đầu tan xác/ Phi công Mỹ đã hai tay hàng… “ (Trích thơ “Tiểu đội nữ Quang Lang”, tác giả Nông Minh Châu, Hội Nhà văn Việt Nam)
Ý kiến ()