LSO- Trong tiết trời hanh khô, se lạnh của những ngày đông cuối năm, chúng tôi về thăm thôn Bình An, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, nơi cách thị trấn Bắc Sơn khoảng hơn 20 km. Cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi đến thôn là sự yên bình, ấp áp đúng như cái tên Bình An vốn có của nó. Bởi những con đường liên thôn được bê tông hoá sạch sẽ, uốn lượn mềm mại theo những nếp nhà, những chân nương, bờ ruộng, cộng với ngút ngàn màu xanh mát mắt của đồi rừng đã thể hiện cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân nơi đây. Đàn trâu được chăm sóc cẩn thận ở thôn Bình An, Chiến Thắng, Bắc SơnNgười đưa chúng tôi đi thăm cảnh thôn là anh Dương Quý Hương, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của thôn tâm sự: Cũng không rõ lắm về mốc thời gian, hình như là từ năm 1958, 1959, người dân tộc Dao chúng tôi di dân từ thôn Khau Vạ, xã Tân Tri theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến vùng đất này làm ăn sinh sống. Với...
LSO- Trong tiết trời hanh khô, se lạnh của những ngày đông cuối năm, chúng tôi về thăm thôn Bình An, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, nơi cách thị trấn Bắc Sơn khoảng hơn 20 km. Cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi đến thôn là sự yên bình, ấp áp đúng như cái tên Bình An vốn có của nó. Bởi những con đường liên thôn được bê tông hoá sạch sẽ, uốn lượn mềm mại theo những nếp nhà, những chân nương, bờ ruộng, cộng với ngút ngàn màu xanh mát mắt của đồi rừng đã thể hiện cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân nơi đây.
Đàn trâu được chăm sóc cẩn thận ở thôn Bình An, Chiến Thắng, Bắc Sơn
Người đưa chúng tôi đi thăm cảnh thôn là anh Dương Quý Hương, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của thôn tâm sự: Cũng không rõ lắm về mốc thời gian, hình như là từ năm 1958, 1959, người dân tộc Dao chúng tôi di dân từ thôn Khau Vạ, xã Tân Tri theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến vùng đất này làm ăn sinh sống. Với ước mơ xây dựng cuộc sống thanh bình, ai cũng đủ ăn, đủ mặc, cha ông đã đặt tên vùng đất mới là thôn Bình An. Đây là vùng đất ít ruộng, lại chủ yếu là ruộng cạn, quanh năm thiếu nước sản xuất, nên người dân phát triển kinh tế chính từ cây ngô, củ sắn kết hợp với chăn nuôi, trồng rừng. Mặc dù rất chăm chỉ, chịu khó cải tạo đất đồi, bãi thành đất cày sản xuất, nhưng không trồng được lúa, mà ngô, sắn hồi đó năng suất không cao, đổi lấy gạo cũng không được nhiều, vì vậy những năm trước năm 2000, đời sống của người dân rất khó khăn, thiếu thốn. Sự đổi mới đến với người dân bắt đầu từ ánh sáng của khoa học kĩ thuật, giống mới vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Anh Dương Quý Kim, trưởng thôn, bận rộn với ngôi nhà đang xây để kịp đón xuân mới, thấy chúng tôi liền bắt tay, vui vẻ câu chuyện phát triển kinh tế của thôn: Ai cũng băn khoăn với bài toán làm kinh tế thoát nghèo, do vậy, khi có các lớp tập huấn kĩ thuật, tất thảy người dân quan tâm. Sau đó, người dân học tập, tích cực thi đua ứng dụng kĩ thuật, đưa giống mới, máy cày, máy xay xát… vào phục vụ sản xuất. Có cách làm ăn, nương sắn, nương ngô đến mùa là xanh bát ngát, cho thu hoạch cao gấp rưỡi, rồi gấp đôi. Khi ngô, sắn trở thành hàng hoá ra thị trường đến vài chục tấn/hộ/năm, người dân nghĩ đến việc làm những con đường để tiện lợi cho đi lại, trao đổi mua bán. Thế là phong trào làm đường giao thông nông thôn được đẩy mạnh, những con đường từng bước hoàn thiện mới, sạch sẽ. Cùng với đó, chính sách vay vốn ưu đãi của Chính phủ đã mở ra cơ hội mới, làm đổi mới tư duy sản xuất, phương thức sản xuất của người dân tộc Dao nơi đây. Từ đây, người dân phấn khởi, có vốn để đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kĩ thuật, đưa giống mới vào sản xuất vươn lên làm giàu. Diện tích ruộng, nương được tận dụng tối đa, không chỉ bận rộn với chăm bón một vụ sắn, hai vụ ngô, thay thế tự cung tự cấp chỉ đôi lợn, đôi trâu trước đây, các hộ dân bắt đầu vay vốn đầu tư kiên cố hoá chuồng trại, chăn nuôi đàn lợn vài chục con; trâu, bò không còn thả rông lên rừng, lên bãi. Phát triển đàn trâu trong vài năm nay, nhiều nhà nuôi 5-8 con, như nhà ông Dương Phúc Hoa, vay Ngân hàng Chính sách 30 triệu đồng sửa chuồng, nuôi trâu, vừa để cày vừa để bán thương phẩm đã cải thiện đáng kể nguồn thu, nâng cao mức sống của gia đình. Hiện, cả thôn có số dư nợ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 700 triệu đồng.
Ông Dương Hữu Nhạc, Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng cho biết: Bình An gồm có 58 hộ dân với 100% dân số là người Dao. Ở đó, điều kiện sản xuất khó khăn nhất xã, nhưng người dân ai nấy đều tích cực ứng dụng khoa học kĩ thuật, sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả, năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nên đời sống của người dân đã không ngừng được cải thiện. So với cách đây 5 năm, thu nhập đã tăng lên gấp đôi, năm 2010 đạt 10 triệu đồng/người/năm, hiện nay, toàn thôn chỉ còn có 5 hộ nghèo. Từ một thôn nghèo, hiện Bình An đã vươn lên là một trong những thôn phát triển kinh tế khá của toàn xã.
Lăng Bích
Ý kiến ()