Thứ 4, 05/02/2025 21:03 [(GMT +7)]
Xuân Mãn: Gian nan bài toán chuyển đổi
Thứ 3, 21/02/2012 | 09:43:00 [(GMT +7)] A A
Giờ đây cùng một lúc xã phải giải hai bài toán là, chuyển đổi- tăng tốc. Tuy nhiên không thể đi vào cây trồng đơn thuần mà phải có hướng bứt phá. Theo Bí thư Hoàng Văn Nghịch trong 5 thôn, có 3 thôn có thể phát triển rừng, 2 thôn còn lại tập trung vào nông nghiệp, như vậy cái thế nông lâm đã hình thành, giờ đây chỉ còn là việc đi, bước đi như trước đây họ đã mày mò tìm ra khoai tây và dưa hấu. Chỉ có điều là phải đi tắt đón đầu mà thôi.
LSO-Cách đây chưa lâu, xã Xuân Mãn huyện Lộc Bình là một trong những xã đi đầu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thế nhưng giờ đây phong trào ấy lại đang có hướng thoái trào.
Nông dân xã Xuân Mãn (Lộc Bình) chọn mua khoai tây giống vụ đông
Còn nhớ vụ dưa hấu cách đây khoảng 10 năm, khi ấy những người nông dân mang dưa hấu ra thành phố bán cứ tự hào khoe: “Dưa Xuân Mãn, Đồng Bục đấy!”. Chẳng biết người mua có biết hai địa danh ấy không, nhưng rõ ràng niềm tự hào đã khẳng định vùng đất có cây dưa hấu lai đầu tiên. Và đây cũng đánh dấu một bước phát triển của Xuân Mãn trên con đường làm giàu. Từ cây dưa hấu, rất nhiều hộ dân ở Xuân Mãn đã xây được nhà. Cùng thời điểm đó, người dân trong xã đã biết trồng khoai tây, có nhà sang tận Trung Quốc để tìm giống về trồng thử nghiệm. Chẳng bao lâu Xuân Mãn lại được ghi danh như một vùng khoai tây mới. Tuy không thành công và có “thương hiệu” như dưa, nhưng khoai và dưa đã đưa xã trở thành một trong những xã điển hình về chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế lan rộng, Lộc Bình trở thành đất dưa, rồi đất dưa rồi lan sang huyện khác. Một số vùng trong huyện bắt đầu chuyển đổi sang trồng củ đậu, ớt, rau màu thì Xuân Mãn vẫn loanh quanh với dưa và khoai. Theo anh Hoàng Văn Nghịch, Bí thư Đảng bộ xã Xuân Mãn, nguyên nhân ở đây là sự chậm chuyển dịch. Khi bà con thấy dưa trồng ra không bán được, khoai tây thì chất đống ngoài ruộng mà dân không buồn thu hoạch đã tác động không nhỏ đến tâm lý. Sự chậm chuyển đổi cây trồng đã làm cho nhân dân tụt dốc trên con đường làm giàu. Hiện toàn xã có 5 thôn, 1.045 nhân khẩu với 247 hộ thì đến gần nửa là hộ nghèo. Để tìm hướng phát triển Đảng bộ xã đã định hướng cho dân không chuyển dịch cơ cấu cây trồng thì chuyển dịch cơ cấu lao động. Theo định hướng, nhiều đảng viên chuyển sang làm dịch vụ, bán hàng, làm đại lý. Nhưng xã chỉ cách huyện có 5 km, người ta muốn mua gì cứ vù xe lên huyện thế là cơ cấu dịch vụ không phù hợp. Một số hộ mở ra các nghề, làm đậu, giá đỗ, thực phẩm nhưng cũng không tồn tại lâu được, họ lại trở về sản xuất nông nghiệp. Qua rồi cái thời vàng son khi đi đầu làm dưa, khoai tây, người dân phải quay về cây trồng truyền thống, đó chính là lúa, ngô. Buồn nỗi, ở đây sau một thời gian dài tập trung vào dưa, khoai người dân ít chú ý chuyển đổi cơ cấu giống, vì vậy cơ bản giống lúa vẫn là bao thai truyền thống năng suất không cao. Cái thuận của xã là hệ thống thủy lợi khá tốt, sức tưới đảm bảo, nhưng do diện tích đất canh tác ít nên sản phẩm nông nghiệp cũng chỉ đủ để tiêu dùng tại chỗ mà chưa thành hàng hóa. Bí thư Nghịch trăn trở, năm nay với phong trào xây dựng nông thôn mới, xã không biết sẽ phải bắt đầu như thế nào khi cơ sở hạ tầng thấp kém. Nói rồi anh chỉ những vết loang lỗ chỗ nước mưa dột trên mái trụ sở: “Đến trụ sở còn lụp sụp thế này không biết sẽ phải vận động nhân dân xây dựng thế nào. Quyết tâm thì đã có nhưng chỉ sợ lực bất tòng tâm”. Với Xuân Mãn bài toán quan trọng nhất là phải làm sao thoát nghèo tới gần một nửa số hộ, trong đó có những hộ ven sông như Tằm Lịp đất canh tác ít đến nỗi người dân chỉ biết trông vào mỗi cây ngô. Mà muốn thoát nghèo lời giải cho bài toán vẫn phải là chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chuyển dịch có thể là vật nuôi, cây trồng, cơ cấu lao động, dịch vụ, những thứ ấy không còn là thế mạnh của xã, vì sau một thời gian chậm chuyển đổi Xuân Mãn đã bị các xã khác vượt xa.
Giờ đây cùng một lúc xã phải giải hai bài toán là, chuyển đổi- tăng tốc. Tuy nhiên không thể đi vào cây trồng đơn thuần mà phải có hướng bứt phá. Theo Bí thư Hoàng Văn Nghịch trong 5 thôn, có 3 thôn có thể phát triển rừng, 2 thôn còn lại tập trung vào nông nghiệp, như vậy cái thế nông lâm đã hình thành, giờ đây chỉ còn là việc đi, bước đi như trước đây họ đã mày mò tìm ra khoai tây và dưa hấu. Chỉ có điều là phải đi tắt đón đầu mà thôi.
Đông Bắc
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()