Xuân Long: Nông dân lo lắng vì cây gừng nhiễm bệnh
(LSO) – Thời gian qua, nhiều hộ dân xã Xuân Long, huyện Cao Lộc đã đưa cây gừng vào trồng, đem lại thu nhập khá. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, bệnh thối củ trên cây gừng lan rộng, gây thiệt hại về năng suất, chất lượng, khiến người dân nơi đây không khỏi lo lắng.
Vụ gừng năm nay, gia đình bà Lý Thị Phẻn, thôn Long Giang, xã Xuân Long trồng được 5 sào gừng. Tuy nhiên từ tháng 6 âm lịch, gia đình bà phát hiện cây gừng bắt đầu bị thối củ, vàng lá. Ngay khi phát hiện, gia đình bà đã chủ động mua thuốc để phun phòng trừ nhưng bệnh vẫn tiếp tục gây hại và lan rộng. Bà Phẻn nói: “Từ mấy chục cây gừng bị bệnh giờ đã lan ra hơn 3 sào. Mỗi lần ra thăm vườn, tôi lại thấy xót xa. Mặc dù còn 2 tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch nhưng để cứu vãn vườn gừng, thu hồi vốn, gia đình tôi đã thu hoạch gừng giữa tháng 7 âm lịch. Với dịch bệnh thế này, dự tính năm nay gia đình tôi chỉ thu được 1,5 tấn, giảm một nửa so với vụ gừng năm ngoái.
Cán bộ xã Xuân Long kiểm tra, theo dõi tình hình bệnh hại cây gừng tại thôn Long Giang
Không chỉ hộ bà Phẻn, nhiều hộ trồng gừng trên địa bàn xã Xuân Long cũng đang lao đao vì cây gừng bị bệnh. Được biết, cây gừng được người dân xã Xuân Long đem vào trồng như hàng hóa khoảng 10 năm nay. Qua thời gian, cây gừng phù hợp và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn, những năm được mùa, được giá, có hộ trồng gừng có thể thu về 100 triệu đồng. Hiện toàn xã Xuân Long có 516 hộ dân thì có trên 400 hộ trồng gừng (chiếm trên 80%), hộ nào trồng ít thì 1 sào, hộ trồng nhiều lên đến hơn 1 mẫu. Diện tích trồng gừng hằng năm của xã đều đạt trên 30 ha, trải đều ở cả 6 thôn. Tuy nhiên, 2 năm nay, cây gừng xuất hiện một số bệnh như bệnh: cháy lá, héo xanh, thối khô và nghiêm trọng nhất là bệnh thối nhũn củ xuất hiện trên một số diện tích gừng. Năm 2020, toàn xã trồng được 37 ha gừng. Hiện tại, có khoảng 30% (khoảng 11 ha) diện tích gừng bị bệnh thối nhũn củ ở nhiều mức độ, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng củ gừng.
Ông Lý Văn Thông, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Long cho biết: Nếu như những năm trước, cây gừng không bị bệnh thì năng suất có thể đạt từ 8 tạ đến 1 tấn/sào nhưng năm nay, do bị thối củ nên năng suất ước giảm xuống còn 5 đến 6 tạ/sào. Do đó, ở những diện tích gừng bị bệnh, bà con đang tranh thủ thu hoạch củ gừng non để đem bán, tránh tình trạng mất trắng.
Được biết để phòng trừ bệnh ở cây gừng, thời gian qua, cơ quan, đơn vị liên quan ở huyện Cao Lộc cũng phối hợp với UBND xã theo dõi, nắm bắt tình hình sâu bệnh và chữa trị. Ông Vũ Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cao Lộc cho biết: Bệnh thối nhũn củ do vi khuẩn gây ra, lây lan nhanh, rất khó trị. Trung tâm đã cùng chính quyền xã cử cán bộ xuống kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng, trừ như rắc vôi quanh gốc, phun thuốc phòng trừ đúng thuốc và đúng cách. Chúng tôi cũng đã có một số khuyến cáo về thuốc bảo vệ thực vật và cách dùng, tuy nhiên hiện nay bà con nông dân làm chưa đúng cho nên tác động rất lớn đến năng suất, sản lượng. Bệnh hại có thể phát triển, lan rộng ra nên người dân cần chủ động kiểm tra, theo dõi để kịp thời phát hiện và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hoặc tranh thủ thu hoạch trước thời vụ.
Hiện diện tích sản xuất cây gừng trên địa bàn huyện Cao Lộc khoảng 93 ha. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra trên cây gừng, UBND huyện Cao Lộc đã ban hành Công văn 2141 ngày 3/9/2020 về việc chủ động phòng, trừ dịch hại cây gừng. Theo đó, UBND huyện yêu cầu các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt các nội dung: tăng cường mở rộng tuyến điều tra, điều tra bổ sung nắm bắt tình hình phát triển của bệnh hại, tuyên truyền hướng dẫn người dân cách nhận biết triệu chứng, quy luật phát sinh gây hại và biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Tăng cường phát sóng bản tin truyền thanh đến các thôn tuyên truyền về tác hại của sâu bệnh và các biện pháp phòng trừ…
Ý kiến ()