Xuân Lộc phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa
Là huyện miền núi thuần nông của tỉnh Đồng Nai, Xuân Lộc đã tập trung sức phát triển nông nghiệp hàng hóa, trong đó ngành sản xuất chính là trồng các loại cây lương thực và cây ăn quả. Sản lượng các loại cây trồng tăng rất nhanh, năm 2010 đạt giá trị 1.730 tỷ đồng, gấp hơn ba lần so với mười năm trước.Khai thác hiệu quả tài nguyên đấtChủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Trần Anh Tuấn cho biết, sản lượng cây trồng của huyện tăng nhanh trong những năm qua là kết quả của cách làm bài bản. Ngay năm đầu thành lập huyện (1991), huyện đã tổ chức khảo sát hơn 72.500 ha đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp hơn 49.500 ha (bao gồm gần 30 nghìn ha đất đỏ ba-dan, đất xám màu mỡ, còn lại là các loại đất nâu thẫm, tầng đất mỏng và đất xám độ phì thấp). Diện tích đất đang sử dụng để trồng cây hằng năm hơn 18 nghìn ha và hơn 7.000 ha cây lâu năm. Trên cơ sở đó, huyện quy hoạch thành bốn tiểu vùng và có phương án cơ cấu lại mùa vụ,...
Là huyện miền núi thuần nông của tỉnh Đồng Nai, Xuân Lộc đã tập trung sức phát triển nông nghiệp hàng hóa, trong đó ngành sản xuất chính là trồng các loại cây lương thực và cây ăn quả. Sản lượng các loại cây trồng tăng rất nhanh, năm 2010 đạt giá trị 1.730 tỷ đồng, gấp hơn ba lần so với mười năm trước.
Khai thác hiệu quả tài nguyên đất
Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Trần Anh Tuấn cho biết, sản lượng cây trồng của huyện tăng nhanh trong những năm qua là kết quả của cách làm bài bản. Ngay năm đầu thành lập huyện (1991), huyện đã tổ chức khảo sát hơn 72.500 ha đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp hơn 49.500 ha (bao gồm gần 30 nghìn ha đất đỏ ba-dan, đất xám màu mỡ, còn lại là các loại đất nâu thẫm, tầng đất mỏng và đất xám độ phì thấp). Diện tích đất đang sử dụng để trồng cây hằng năm hơn 18 nghìn ha và hơn 7.000 ha cây lâu năm. Trên cơ sở đó, huyện quy hoạch thành bốn tiểu vùng và có phương án cơ cấu lại mùa vụ, bố trí cây trồng thích hợp.
Để bảo đảm nước tưới, huyện tận dụng địa hình núi, đồi thoải đầu tư nhiều công trình thủy lợi mới, cùng với việc khai thác nước hồ đập tự nhiên phục vụ sản xuất. Hiện tại, đã hình thành mạng lưới thủy lợi gồm các hồ Gia Ui, Lang Minh, Gia Liêu 1 và 2, Núi Le, Ba Buông, Suối Khỉ,… gần 100 đập bán kiên cố với sức chứa hơn 25 triệu m3 nước và hơn 63 km kênh mương nội đồng. Huyện cũng tạo điều kiện để bà con tự khoan hơn sáu nghìn giếng nâng tổng diện tích được tưới lên hơn 12.500 ha, bằng hơn 27% diện tích đất nông nghiệp của huyện, trong đó phần lớn là diện tích vụ đông xuân mới mở và nhiều loại cây trồng mới được đưa vào trồng, góp phần nâng diện tích trồng trọt tăng nhanh, năm vừa qua đạt hơn 63 nghìn ha, gấp 2,6 lần năm 1991.
Chủ nhiệm Hợp tác xã Suối Lớn (xã Xuân Hưng), người đầu tiên khai phá vùng đất xám bạc màu để trồng xoài, anh Nguyễn Thế Bảo, cho biết: Đất cứng quá, không thể trồng rau, đậu. Nay được địa phương tạo điều kiện, tôi cùng bốn em trai sang nhượng 10 ha đất, trồng xoài giống Hòa Lộc, Cát Chu… Chỉ sau ba năm vườn xoài xanh tốt, ra hoa đậu trái. Thành công này đã thu hút nhiều hộ bỏ vốn trồng xoài và nhanh chóng đạt hơn 500 ha, biến vùng đất bạc màu bị bỏ hoang thành vùng xoài hàng hóa lớn, nổi tiếng ở Đồng Nai.
Tại cánh đồng xã Lang Minh, anh Lý Phát Sinh (ấp Tây Minh, xã Lang Minh) cũng khoe, trước đây cánh đồng chỉ sản xuất lúa vụ mùa, năng suất bấp bênh, trúng mùa cao lắm cũng chỉ bốn tấn/ha. Từ khi có kênh dẫn nước hồ Gia Ui về, người dân chủ động nước tưới, đã cơ cấu lại mùa vụ, đưa ngô vào trồng vụ đông xuân. Vậy là cũng cánh đồng ấy nhưng diện tích canh tác đã nhân ba, sản lượng hàng hóa cũng tăng tương ứng. Ở các xã khác, như Xuân Phú, Suối Cao, Xuân Đông, Xuân Bắc,… nước về tới đâu thì thâm canh tăng vụ tới đó, hình thành nhiều cánh đồng ba vụ trên diện tích hơn hai nghìn ha; đưa vào trồng nhiều loại cây mới năng suất cao như dưa hạt, mãng cầu na… nên hiệu quả kinh tế rất cao, từ 100 đến 200 triệu đồng/ha/năm trong khi bình quân chung toàn huyện là 57,7 triệu đồng.
Ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào đồng ruộng
Nhờ ứng dụng và chuyển giao khoa học, kỹ thuật công nghệ đã góp phần tăng nhanh sản lượng cây trồng của huyện Xuân Lộc. Chị Nguyễn Thị Ninh, cán bộ phòng nông nghiệp huyện cho biết, mỗi năm huyện tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình trình diễn, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất cho hơn mười nghìn lượt hộ tham gia. Nhiều cách làm hay được ứng dụng rộng rãi như trồng bắp sử dụng phân đơn, hoàn trả dinh dưỡng cho đất bằng xác bã thực vật, bảo vệ thực vật bằng phương pháp làm đất, trồng rau phủ bạt, trồng rau trong nhà lưới, không sử dụng phân tươi, sử dụng thuốc trong danh mục, tưới nước tiết kiệm, bón phân qua đường ống… góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Anh Lê Văn Tâm, ấp Bàu Sình xã Suối Cao, cho biết, từ khi ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm vào vườn xoài, chôm chôm, sầu riêng, đã đạt được kết quả khá bất ngờ, ngay trong mùa khô, chôm chôm, sầu riêng vẫn xanh tốt, khỏe mạnh, ra hoa đồng loạt, tỷ lệ đậu trái cao, năng suất chôm chôm tăng gấp hai lần, sầu riêng tăng 1,7 lần; cây xoài mới 12 tháng tuổi đã đạt chiều cao 2 m, đường kính tán lá gần 2,5 m. Nhiều vườn cây lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm như vườn xoài của các anh Phạm Văn Hướng, Phạm Văn Được ở xã Xuân Tâm năng suất tăng từ 20 đến 50%, đạt 25-30 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm hơn 30% so với trước. Anh Nguyễn Thế Bảo ở Hợp tác xã Suối Lớn cũng khẳng định, đã thực hiện phương pháp xử lý cho ra hoa sớm ba tháng, cùng với đợt ra hoa lần hai để xoài vừa có trái vụ chính, vừa có thêm vụ nghịch, năng suất đạt 40-45 tấn/ha/năm, gấp hơn hai lần trước kia và gấp hơn ba lần so với bình quân toàn huyện.
Ứng dụng công nghệ sinh học về giống vào đồng ruộng cũng đã tạo bước đột phá về năng suất chất lượng sản phẩm cây trồng. Anh Đỗ Phước Dũng, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Xuân Lộc cho biết, chỉ sau vài năm ứng dụng chuyển đổi giống, 100% diện tích cây trồng ngắn ngày đã được thay thế bằng giống mới. Các vườn cây lâu năm, cây ăn trái già cỗi được 'trẻ hóa' tái canh bằng giống mới và đến nay đạt 78% ở cây chôm chôm, gần 95% ở cây sầu riêng, cà-phê vối và cây điều đạt 70%, cá biệt cây tiêu Vĩnh Linh gần 100%. Nhờ đó năng suất cây trồng tăng rất cao, so với năm 1991, nhiều loại tăng gấp ba lần như bắp lai, xoài… Việc chuyển giao giống được tiến hành đúng quy trình từ tiếp nhận, khảo nghiệm, chọn lọc, trình diễn, chuyển giao. Hiện tại huyện đang thực hiện đề tài 'Áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để sản xuất khoai lang Nhật tại huyện' và đang trong giai đoạn vừa nhân giống hom sạch bệnh vừa tổ chức trồng trình diễn 0,7 ha tại ba xã để mọi người tham quan.
Tất cả những biện pháp tổng hợp đó được thực hiện bài bản, đồng bộ, góp phần rất lớn vào việc tăng năng suất, sản lượng, chất lượng, sức cạnh tranh và hạ giá thành sản phẩm làm tăng thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt gần 19 triệu đồng, gấp 8,5 lần năm 1991.
Phát triển kinh tế tập thể
Đến nay, toàn huyện Xuân Lộc đã xây dựng được 11 hợp tác xã nông nghiệp, 206 câu lạc bộ năng suất cao và bảy liên hiệp câu lạc bộ năng suất cao với hơn 8.000 thành viên tham gia, với hơn 7.800 ha. Các thành viên được ưu tiên tiếp cận kỹ thuật canh tác tiến bộ, thường xuyên gặp gỡ trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau, cùng nhau thực hiện đồng loạt những quy trình chăm sóc, trồng trọt, bảo vệ cây trồng, được mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trả chậm và không tính lãi… Nhờ vậy năng suất mỗi ha của các hợp tác xã cao hơn năng suất bình quân chung toàn huyện, như tiêu đạt 36 tạ cao hơn chín tạ, điều đạt 20 tạ cao hơn 9,1 tạ, bắp đạt 115 tạ cao hơn 52 tạ/ha. Hiện tại một số hợp tác xã, câu lạc bộ đang thực hiện quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGap hoặc AseanGap để có sản phẩm sạch, đồng thời chuẩn bị 'giấy thông hành' chờ ngày vươn ra thị trường thế giới.
Sản lượng cây trồng của huyện Xuân Lộc tăng nhanh cũng có sự đóng góp lớn của 556 trang trại, với tổng diện tích hơn 4.000 ha, bởi lợi thế về quy mô lớn, có điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Toàn khẳng định, tiếp tục chủ trương đầu tư mạnh vào lĩnh vực thủy lợi để mở rộng diện tích đất nông nghiệp được tưới và nhất là phát triển diện tích vụ đông xuân đến năm 2020 thêm hơn chục nghìn ha. Hiện tại huyện đang khảo sát xây dựng trạm bơm điện lấy nước sông La Ngà tưới hàng trăm ha diện tích thuộc các xã Xuân Bắc, Suối Cao, Xuân Thọ và một phần Xuân Thành…
Theo Nhandan
Ý kiến ()