Xuân Lộc (Đồng Nai): Đi lên từ sản xuất nông nghiệp chất lượng cao
Từ một vùng đất nghèo do ảnh hưởng của chiến tranh ác liệt, trải qua một thời gian dài xây dựng và phát triển, huyện Xuân Lộc đã đi lên từ sản xuất nông nghiệp với định hướng sản xuất hàng hóa, tập trung đầu tư vào các vùng chuyên canh có giá trị cao.
Để có thể phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, Xuân Lộc đã căn cứ vào các yếu tố tự nhiên và điều kiện kinh tế – xã hội để quy hoạch thành các tiểu vùng, như: vùng công nghiệp – dịch vụ và nông nghiệp; vùng chuyên canh cây lâu năm, cây đặc sản; vùng nông – lâm nghiệp và chăn nuôi thủy sản…
Nhờ vậy, đến nay, huyện Xuân Lộc đã có khá nhiều vùng chuyên canh có giá trị sản xuất từ 100 đến 250 triệu đồng/hécta/năm. Đó là vùng sản xuất ngô, lúa với diện tích 600 ha tại xã Lang Minh, vùng sản xuất ngô, lúa 1200 ha tại xã Xuân Phú; vùng chuyên canh hồ tiêu tại xã Xuân Thọ và Suối Cao với diện tích trên 1 nghìn ha; vùng sản xuất cây ăn trái trên 1 nghìn ha cây ăn ở xã Xuân Định…, toàn huyện Xuân Lộc đã có hơn 5,4 nghìn ha cây hàng năm và trên 12 nghìn ha cây lâu năm.
Huyện Xuân Lộc được các địa phương khác biết đến từ những cánh đồng “hai bắp – một lúa”, “hai lúa – một bắp” ở xã Xuân Phú, xã Lang Minh cho năng suất từ 12 đến 13 tấn/1 ha; vườn cây hồ tiêu ở xã Xuân Thọ đạt năng xuất từ 8 đến 10 tấn/ha. Cá biệt, vườn hồ tiêu của anh Trần Hữu Thắng, Chủ nhiệm liên hiệp Câu lạc bộ tiêu ấp Phước Lộc, xã Xuân Thọ nhiều năm qua luôn cho năng suất trên 10 tấn/ha. Anh Thắng đã trở thành cá nhân điển hình không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài với danh hiệu người trồng hồ tiêu nổi tiếng.
Đến thăm Xuân Lộc, đâu đâu, người ta cũng bắt gặp một vùng cây trái xanh tươi, bốn mùa cho sản phẩm. Xã Xuân Định và Xuân Phú là hai địa phương được chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới, sau đó nhân rộng ra các xã còn lại. Nguyên nhân là do Xuân Định và Xuân Phú có nhiều mô hình kinh tế phát triển hiệu quả như vùng kinh tế trọng điểm về cây công nghiệp, cây ăn trái gồm cao su, sầu riêng, chôm chôm, mít Thái Lan.v.v…, riêng Xuân Phú là địa phương đã chuyển đổi hàng trăm ha diện tích lúa sang trồng ngô vụ đông xuân với năng suất bình quân đạt trên 10 tấn/ha, thậm chí, nhiều vùng trong câu lạc bộ năng suất cao còn đạt trên 12 tấn/ha.
Có thể khẳng định, có được kết quả trên là do có sự chỉ đạo, định hướng đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền nơi đây, cùng với đó là sự đồng thuận của người dân địa phương, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ phong trào này, Xuân Lộc đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành một vùng đất trù phú với những vùng chuyên canh cây sầu riêng, thanh long, xoài và các loại cây rau quả.
Nhờ có kinh tế phát triển, người dân trong huyện đã đồng lòng tham gia tích cực các phong trào do địa phương phát động như tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Người dân còn đồng hành cùng chính quyền địa phương tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục, xây dựng trường học, nhà văn hóa và nhiều công trình phục vụ dân sinh như đưa điện, nước vào tận các cánh đồng, khu dân cư phục vụ việc tưới tiêu, sản xuất, sinh hoạt…
Chăm sóc hồ tiêu ở Xuân Lộc- Đồng Nai |
Từ thành công trong sản xuất nông nghiệp theo định hướng giá trị hàng hóa tại Xuân Định và Xuân Phú, Đảng bộ huyện Xuân Lộc đã xác định phải lấy sản xuất nông nghiệp làm nền tảng. Dựa trên căn cứ quy hoạch nông nghiệp và quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, Xuân Lộc tập trung chỉ đạo phát triển các nhóm cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện về đất đai, khí hậu, tập quán sản xuất của người dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng giá trị sản phẩm, hạ giá thành sản xuất. Để nhân rộng, triển khai hiệu quả mô hình nói trên, Xuân Lộc tập trung mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, ưu tiên cho người dân vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp giúp nông dân ổn định sản xuất, tăng năng suất cây trồng. Ngoài việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các xã còn tạo điều kiện giúp người dân tăng diện tích sản xuất bắp trên chân ruộng vụ Đông Xuân năm 2013 – 2014 lên trên 9.600 ha, tăng hơn 1.238 ha so với cùng kỳ.
Cũng do việc chuyển đổi mô hình từ trồng “2 lúa – 1 ngô” sang “2 ngô và 1 lúa” ở các xã có điều kiện về nước tưới đã đem lại hiệu quả kinh tế và lợi nhuận thêm cho người dân lên hơn 50 triệu/1ha diện tích đất canh tác. Huyện đã xây dựng thành công các cánh đồng mẫu chất lượng cao tại các xã Xuân Thọ, Xuân Phú, Lang Minh, Xuân Tâm và Xuân Bắc. Nhờ được ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên, năng suất và chất lượng của các cánh đồng mẫu vượt hơn hẳn so với khu vực khác. Nổi bật hơn là Xuân Lộc đã nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, có giá trị kinh tế cao như: các mô hình cây hồ tiêu tại các xã Suối Cao, Xuân Thọ, nhờ áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật như chọn giống, tưới nước tiết kiệm, bón phân qua đường ống đã đưa năng suất tiêu luôn đạt cao.
Là huyện đi đầu trong cả nước về phát triển mô hình kinh tế tập thể, toàn huyện có 27 tổ hợp tác hoạt động với 360 tổ viên, các tổ viên góp vốn được gần 500 triệu đồng để hợp tác tự sản xuất thức ăn chăn nuôi, phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đan lát, sản xuất cùng một loại cây trồng, nhằm tạo sức cạnh tranh trong cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2008 đến nay huyện còn phát triển được trên 300 câu lạc bộ năng suất cao, nâng tổng số câu lạc bộ toàn huyện là 437 câu lạc bộ với hơn 12 nghìn hội viên. Hội viên của liên hiệp câu lạc bộ được tạo nên bởi các câu lạc bộ, tạo thành hình thức hợp tác, liên kết mới hiệu quả hơn. Hoạt động của kinh tế tập thể là cơ sở, tiền đề để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tạo đầu ra và tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Từ những cách làm ăn mới, hiệu quả mà hiện trên 5.500 ha diện tích cây hàng năm và gần 12.130 ha cây lâu năm trên địa bàn huyện có thu nhập từ 100 đến 250 triệu đồng/ha/năm.
Trong chuyến công tác tại huyện Xuân Lộc mới đây, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã biểu dương những cách làm hay, sáng tạo của huyện Xuân Lộc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nhờ tạo được sự đồng thuận cao trong dân, biết cách tận dụng sức dân để xây dựng phát triển nông thôn mới Xuân Lộc đã thành công trong việc thực hiện Nghị quyết số 26 về phát triển tam nông và xây dựng nông thôn mới. Để phát huy là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới, Xuân Lộc cần tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu và tìm kiếm những giống cây, giống con mới, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng để nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp; tập trung mọi nguồn lực để giữ vững và phát huy những thành quả đạt được trong công tác xây dựng nông thôn mới, xứng đáng là địa chỉ để các địa phương khác trong cả nước đến học tập.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()