Xu thế mở mã ngành mới ở các trường nghề
Cùng với việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh những ngành nghề “hot”, năm 2024, các trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội còn mở thêm các mã ngành nghề mới, đồng thời điều chỉnh chương trình đào tạo nghề phù hợp với thực tiễn thị trường lao động.
Thực hiện việc phân luồng tốt, công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp những năm qua có nhiều tín hiệu tích cực. Học sinh, sinh viên đăng ký học các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn ngày càng gia tăng. Nhiều trường nghề ưu tiên các lĩnh vực, ngành nghề mới với kỹ năng mới, góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Về cơ cấu các nghề của trường cơ bản không thay đổi nhưng do thực tế thị trường lao động xuất hiện một số công việc mới nên một số khoa chuyên môn đã linh hoạt thay đổi chương trình đào tạo. Nắm bắt điều này, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội đã mạnh dạn chuyển nghề lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp sang nghề mới là tự động hóa; chuyển nghề cắt gọt kim loại sang nghề công nghệ chế tạo máy. Do đó, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào những nghề mới nhiều hơn. Cùng với việc chuyển đổi nghề, nhà trường xây dựng chương trình phù hợp và để đáp ứng chuẩn đầu ra của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Trong khi đó, năm nay, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội lần đầu tiên trong cả nước chính thức tuyển sinh nghề kỹ thuật thang máy với 100 chỉ tiêu; 50 chỉ tiêu nghề tiếng Đức trình độ cao đẳng giúp mở rộng cơ hội việc làm cho người học. TS Nguyễn Yên Thắng, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, năm nay nhà trường tăng 700 chỉ tiêu xét tuyển so với năm học trước và dự kiến tăng chỉ tiêu ở các nghề thuộc nhóm ngành cơ khí, điện-điện tử và công nghệ thông tin vì thị trường lao động “khát” nhân lực nhóm ngành công nghệ cao.
Bà Trần Thu Hà, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề cơ khí 1 Hà Nội cho hay, với xu thế của xã hội, các ngành nghề mới, đặc biệt là logistics, công nghệ 4.0 đang có nhu cầu cao. Từ chương trình đào tạo, nhà trường có hướng thay đổi cho phù hợp với các mô đun đào tạo tại doanh nghiệp, chương trình đào tạo, các trang thiết bị máy móc cũng phải thay đổi theo thị trường hiện nay.
Theo ghi nhận, năm nay, các trường cao đẳng ở Hà Nội đều chú trọng tuyển sinh những ngành nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Nhóm ngành được dự đoán sẽ thu hút nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển là: Lập trình máy tính, thiết kế đồ họa, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, an ninh mạng, kỹ thuật robot... Bên cạnh việc mở ngành mới, các nhà trường cũng nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng chương trình bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, tập trung thực hành và ứng dụng thực tế; đầu tư trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, các đơn vị đào tạo cũng đào tạo thêm về ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản... Qua đó, đóng góp hiệu quả vào chất lượng đào tạo nghề, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho Thủ đô và cả nước.
Ý kiến ()