Xu thế chính trị mới của Pháp
Khung cảnh Quốc hội Pháp. -Vòng hai của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp đã khép lại với hai dấu ấn nổi bật: chiến thắng áp đảo của cánh tả và tỷ lệ cử tri vắng mặt kỷ lục.Những kỷ lụcKhông nằm ngoài dự báo, vòng hai của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra ngày 17-6 đã mở ra cơ hội mới cho chiến thắng của các lực lượng cánh tả Pháp. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây là thắng lợi áp đảo của các đảng cánh tả trong đó nổi bật là kết quả của Đảng Xã hội (PS) cầm quyền và thất bại nặng nề của đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) thuộc cánh hữu.Cuộc bầu cử Quốc hội vòng hai diễn ra ngày 17-6 đã lập những kỷ lục mới trong lịch sử nền Cộng hòa thứ V của Pháp. Với tỷ lệ 55,41 phần trăm cử tri đi bỏ phiếu trong tổng số hơn 43 triệu cử tri, như vậy đã có 44,59 phần trăm cử tri vắng mặt dù có nhiều nỗ lực vận động của các đảng phái chính trị giữa hai kỳ bỏ phiếu. Lãnh đạo...
Khung cảnh Quốc hội Pháp. |
Những kỷ lục
Không nằm ngoài dự báo, vòng hai của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra ngày 17-6 đã mở ra cơ hội mới cho chiến thắng của các lực lượng cánh tả Pháp. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây là thắng lợi áp đảo của các đảng cánh tả trong đó nổi bật là kết quả của Đảng Xã hội (PS) cầm quyền và thất bại nặng nề của đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) thuộc cánh hữu.
Cuộc bầu cử Quốc hội vòng hai diễn ra ngày 17-6 đã lập những kỷ lục mới trong lịch sử nền Cộng hòa thứ V của Pháp. Với tỷ lệ 55,41 phần trăm cử tri đi bỏ phiếu trong tổng số hơn 43 triệu cử tri, như vậy đã có 44,59 phần trăm cử tri vắng mặt dù có nhiều nỗ lực vận động của các đảng phái chính trị giữa hai kỳ bỏ phiếu. Lãnh đạo đảng UMP đã tập trung vận động cử tri nhằm giữ vị thế đa số trong quốc hội còn lãnh đạo đảng PS kêu gọi cử tri bỏ phiếu ủng hộ để thiết lập cơ sở đa số mới trong Quốc hội cho chính phủ của Tổng thống François Hollande. Đây là tỷ lệ vắng mặt kỷ lục trong một đợt bầu cử quốc hội kể từ nền Cộng hòa thứ V khởi đầu từ năm 1958 đến nay.
Với 313 đại biểu Quốc hội được bầu, đảng Xã hội của Tổng thống François Hollande đã trở thành đảng chiếm đa số trong quốc hội so với quy định 289 ghế để trở thành đảng chiếm đa số và lập lại thành tích mà Tổng thống François Mitterand đã xác lập kể từ năm 1981. Tuy nhiên thành công của Tổng thống François Hollande còn lớn hơn rất nhiều so với con số 291 ghế của đảng Xã hội dưới thời Tổng thống François Mitterand cách đây 31 năm. Cộng lại con số 18 ghế của liên minh với Đảng Xã hội là Đảng Xanh và Sinh thái châu Âu (EELV) và 10 ghế của Mặt trận cánh tả (FG) và các đại biểu cánh tả ở lãnh thổ hải ngoại, các lực lượng cánh tả chiếm 343 ghế trong tổng số 577 ghế và trở thành đa số tuyệt đối trong cơ quan lập pháp quan trọng này của Pháp. Với kết quả này, lần đầu tiên trong lịch sử nền cộng hòa thứ V, các lực lượng cánh tả của Pháp đã chiếm đa số tại tất cả các cơ quan lập pháp là Thượng viện và Quốc hội cũng như ở hội đồng vùng và địa phương. Đây là cơ hội lớn để đảng Xã hội cầm quyền có thể thực thi những chương trình đề xuất trong chiến dịch tranh cử mà không phải chấp nhận tình trạng chia sẻ quyền lực trong quá trình điều hành đất nước và không vấp phải sự chống đối của các đảng đối lập trong quá trình xây dựng luật dẫn tới tình trạng “đóng băng” quá trình xây dựng khung pháp lý.
Kết quả bỏ phiếu cũng cho thấy cử tri Pháp đã ủng hộ chính sách mới của Tổng thống François Hollande và cánh tả trong quá trình điều hành đất nước. Những lá phiếu của cử tri dồn cho các đại biểu cánh tả thể hiện sự kỳ vọng của cử tri rằng cánh tả Pháp có thể mang lại những đổi thay tích cực trước những ảnh hưởng và khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính đang ngày càng lan rộng trên phạm vi toàn cầu.
Thắng lợi của cánh tả Pháp cũng đồng nghĩa với thất bại nặng nề của đảng UMP. Cách đây 5 năm, đảng UMP của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đã giành chiến thắng áp đảo với 305 ghế trong Quốc hội. Tại cuộc bầu cử lần này, đảng UMP và liên minh chỉ giành được 215 ghế. Như vậy, kể từ khi thành lập năm 2002 đến nay, lần đầu tiên UMP đã trở thành đảng đối lập trong Quốc hội. Trước thất bại này, Tổng thư ký UMP Jean – François Copé kêu gọi sự đoàn kết trong nội bộ đảng và đề xuất tổ chức đại hội đảng vào tháng 11 tới để bầu ra chủ tịch đảng mới. Như vậy, bắt đầu từ ngày 17-6, cuộc đua tranh chức chủ tịch đảng UMP sẽ diễn ra để tìm ra nhân tố mới có khả năng đoàn kết, tập hợp lực lượng và lãnh đạo đảng cánh hữu lớn nhất trên chính trường Pháp này hướng tới các cuộc đấu chính trị trong tương lai.
… và những nghịch lý
Những nghịch lý lớn nhất tồn tại trong cuộc bầu cử quốc hội lần này chính là sự thất bại của ba ứng cử viên và ba đảng chính trị trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra cách đây hơn một tháng.
Cả ba ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra hồi tháng 4 vừa qua là Jean – Luc Mélenchon của đảng Mặt trận cánh tả (FG), François Bayrou của Đảng Phong trào Dân chủ (Modem) thuộc cánh trung hữu và Marine Le Pen của đảng cựu hữu Mặt trận quốc gia (FN) đều thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi. Tại cuộc bầu cử tổng thống vòng một diễn ra cuối tháng tư vừa qua, bà Marine Le Pen giành 17,9% số phiếu bầu, ông Jean – Luc Mélenchon giành 11,4% số phiếu bầu còn ông François Bayrou thu hơn 9% số phiếu bầu. Sau tám tuần, cả ba ứng cử viên đều trượt trong cuộc đua vào Quốc hội. Một nghịch lý nữa là cả ba ứng cử viên này đã giành hơn 13 triệu phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 22-4, nhưng không có ai thu đủ số phiếu vào Quốc hội. Số ghế của FG tại Quốc hội lần này chỉ là 10 ghế, trong khi đó số ghế của FN và Modem tại Quốc hội lần này là 3 ghế và 4 ghế dành cho mỗi đảng, một tỷ lệ hoàn toàn không cân xứng.
Trước kết quả trên, Thủ tướng Jean – Marc Ayrault, người vừa đệ đơn từ chức của chính phủ lâm thời lên Tổng thống François Hollande và đã được Tổng thống François Hollande tín nhiệm bầu lại để tiếp tục xây dựng bộ máy chính phủ mới dự kiến sẽ công bố vào ngày 21-6 tới cho rằng: Đảng Xã hội đã ở vị thế đa số nhưng tôi nhận thức được điều cần thiết của sự đa dạng chính trị và sự tôn trọng của người dân Pháp. Đảng Xã hội sẽ bảo đảm quyền đa dạng chính trị. Sự đa số không có nghĩa là mọi việc đều dễ dàng. Tình hình kinh tế, chính trị vẫn đang rất khó khăn. Một trong những ưu tiên hàng đầu mà Tổng thống François Hollande đã đặt ra trong chương trình tranh cử của Đảng Xã hội là vấn đề thanh niên, và chúng tôi sẽ triển khai ưu tiên này với mục tiêu đưa nước Pháp trở nên mạnh hơn và công bằng hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()