Xử phúc thẩm vụ học sinh trường Gateway tử vong vào ngày 18/5
Hội đồng xét xử phúc thẩm phúc thẩm vụ án học sinh Trường Tiểu học Gateway (thuộc Trường phổ thông liên cấp Gateway) tử vong trên xe đưa đón gồm ba thẩm phán và phiên tòa dự kiến diễn ra trong một ngày.
Từ trái qua phải, các bị cáo gồm: tài xế Doãn Quý Phiến, nhân viên giám sát trên xe Nguyễn Bích Quy và Nguyễn Thị Bích Thủy (giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, Trường Gateway).
Ngày 18/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án học sinh Trường Tiểu học Gateway (thuộc Trường phổ thông liên cấp Gateway) tử vong trên xe đưa đón .
Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba thẩm phán. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong một ngày.
Trước đó, trong hai ngày 14-15/1, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên án phạt hai bị cáo Nguyễn Bích Quy (sinh năm 1964, nhân viên giám sát trên xe của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải và Du lịch Ngân Hà) 24 tháng tù, Doãn Quý Phiến (sinh năm 1966, lái xe ôtô đưa đón học sinh Trường Tiểu học Gateway) 15 tháng tù về cùng tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 128 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bị cáo Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1990, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, Trường Tiểu học Gateway ) bị Tòa tuyên phạt 12 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 – Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài án phạt tù, bị cáo Thủy còn bị Hội đồng xét xử tuyên cấm đảm nhiệm chức vụ giáo viên trong thời hạn một năm.
Bị hại trong vụ án là cháu Lê Hoàng L. (sinh ngày 13/6/2013, trú tại chung cư Trung Yên Plaza, số 1 phố Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội – là học sinh lớp 1 Tokyo, Trường Tiểu học Gateway, thuộc Trường phổ thông liên cấp Gateway).
Bản án sơ thẩm nhận định đây là vụ án không có đồng phạm song hành vi độc lập của ba bị cáo đã khiến cháu Lê Hoàng L. tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón.
Sau khi án sơ thẩm tuyên, cả ba bị cáo trong vụ án đều làm đơn kháng cáo. Bị cáo Nguyễn Bích Quy làm đơn kháng cáo, cho rằng mình không phạm tội “vô ý làm chết người” và nêu ra 10 lý do kháng cáo.
Bị cáo Quy cho biết, việc bị cáo nhận làm công việc đưa đón học sinh với Công ty Ngân Hà nhưng lại không có hợp đồng hay được tập huấn, bị cáo mới đi làm từ ngày 5/8/2019 thì đến ngày 6/8/2019 xảy ra sự việc cháu Lê Hoàng L. bị tử vong. Khi bị cáo Quy đưa học sinh đến trường không có giáo viên hay cán bộ nhà trường đứng ra điểm danh giao nhận.
Bị cáo Quy cho rằng bị cáo Doãn Quý Phiến (sinh năm 1966, lái xe ôtô đưa đón học sinh Trường Tiểu học Gateway) mới là người chốt cửa cuối cùng và thời điểm bị cáo Quy đóng cửa xe thì cháu L. chưa tử vong.
Bị cáo Quy còn đề nghị làm rõ các tình tiết như ai là người thay áo cho cháu Long, rèm cửa ô tô sáng mở mà chiều lại đóng, quả bóng bay trên xe có đúng là của học sinh mang lên từ hôm trước không…
Trong đơn kháng cáo, bị cáo Doãn Quý Phiến đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xem xét lại tội danh và hình phạt đối với bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Thị Thủy kháng cáo vì cho rằng mức hình phạt mà bản án sơ thẩm đã tuyên là quá nặng đối với bị cáo. Bị cáo Thủy cũng mong muốn Tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm có cơ hội được trở lại làm việc, cống hiến cho xã hội, chuộc lại lỗi lầm đã gây ra.
Ngoài ba bị cáo kháng cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải và Du lịch Ngân Hà cũng làm đơn kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại mức bồi thường dân sự.
Công ty Ngân Hà cho rằng việc Tòa cấp sơ thẩm tuyên buộc công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường 249 triệu đồng cho gia đình bị hại thay cho cả bị cáo Nguyễn Bích Quy và bị cáo Doãn Quý Phiến là không đúng quy định của pháp luật./.
Ý kiến ()