Chủ nhật, 24/11/2024 10:47 [(GMT +7)]
Xử phạt vi phạm TTATGT: Tăng sức răn đe để ngăn ngừa tai nạn giao thông
Thứ 2, 06/08/2012 | 09:36:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Sau hơn 2 năm đi vào cuộc sống, Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB) theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt phần nào đã có tác động răn đe, giáo dục đối với một bộ phận người tham gia giao thông. Tuy nhiên, Nghị định cũng bộc lộ bất cập, hạn chế: một số chế tài chưa đủ mạnh và gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng…
CSGT Lạng Sơn kiểm tra người điều khiển xe mô tô chạy quá tốc độ trên quốc lộ 1A
Điều khiển xe mô tô lưu thông trên quốc lộ 1A, có đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách, trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/ 1 lít khí thở, anh Hoàng Thế Vinh, trú tại phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn bị xử phạt 900.000 đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày. Nặng hơn nữa là trường hợp anh Vũ Đình Sanh, trú tại xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, chạy xe ô tô tải trên quốc lộ 1A vượt quá tốc độ quy định trên 35km/h (101/60), bị xử phạt tới 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 60 ngày. Hai trường hợp trên, người vi phạm Luật GTĐB đều bị xử phạt theo Nghị định 34/2010 với mức phạt cao hơn so với quy định tại Nghị định 146/2007. Đến Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn nộp phạt, cả anh Vinh, anh Sanh đều khẳng định: bị phạt nặng nên sau lần này, các anh không dám tái phạm nữa.
Chính thức có hiệu lực từ ngày 20/5/2010, so với Nghị định 146/2007 trước đây, Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định chế tài mạnh hơn đối với các vi phạm nhằm tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường việc bảo đảm ATGT đường bộ. Nhìn chung, mức tiền phạt các hành vi vi phạm quy định ở nghị định này hầu hết đều tăng từ 50 đến 150% so với quy định tại Nghị định 146 nhằm tăng khả năng răn đe, giáo dục phòng ngừa. Chẳng hạn, người điều khiển ôtô chạy quá tốc độ hơn 35 km, có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở bị phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng (mức cũ 3 đến 5 triệu đồng). Người điều khiển xe mô tô, xe máy có hành vi lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép… bị phạt từ 5 đến 7 triệu đồng (cao hơn trước 1 đến 2 triệu đồng). Tại Lạng Sơn, trong hơn 2 năm qua, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền Luật GTĐB, Nghị định 34… cho nhân dân, các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát (TTKS), xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT. Năm 2010, toàn tỉnh đã xử phạt 78.854 trường hợp vi phạm, với số tiền gần 25,5 tỷ đồng, tăng 13.055 trường hợp, tăng gần 6 tỷ đồng so với năm 2009. Năm 2011, đã xử lý 81.837 trường hợp với số tiền trên 32,4 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2012, đã xử lý 47.421 trường hợp với số tiền trên 17,9 tỷ đồng, tăng trên 2,1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2011. Riêng tại TP Lạng Sơn, năm 2010, lực lượng chức năng đã xử lý 4.226 trường hợp với số tiền trên 2,65 tỷ đồng, tăng 503 trường hợp, tăng trên 600 triệu đồng so với năm 2009. Năm 2011, xử lý 6.471 trường hợp với số tiền gần 3,43 tỷ đồng, tăng 2.245 trường hợp, tăng trên 700 triệu đồng so với năm 2010. 7 tháng đầu năm 2012, đã xử lý 4.016 trường hợp với số tiền gần 1,85 tỷ đồng. Thiếu tá Nguyễn Cao Huy-Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Lạng Sơn cho biết: thời gian qua, bên cạnh tổ chức truyền thông trực tiếp tại khu dân cư, trường học …; thông qua TTKS, xử lý vi phạm, cán bộ, chiến sĩ CSGT cũng tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn Luật GTĐB, Nghị định 34 để người dân hiểu và chấp hành tốt các quy định về TTATGT. Đặc biệt, để ngăn ngừa, giảm TNGT, lực lượng CSGT đã tăng cường TTKS, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm, người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn… Từ đó, phần nào đã tăng cường hiệu quả răn đe, giáo dục đối với một bộ phận người tham gia giao thông, góp phần giảm TNGT cả 3 tiêu chí. Mặc dù tăng nặng mức phạt đối với các hành vi vi phạm Luật GTĐB, song không ít quy định tại Nghị định 34/2010 chưa đủ sức răn đe, hoặc không phù hợp với thực tiễn. Chẳng hạn như quy định xử phạt người đi bộ vi phạm, do không tạm giữ được tài sản, phương tiện để đảm bảo thực hiện quyết định xử phạt nên hơn 2 năm qua kể từ khi Nghị định 34 có hiệu lực, các cơ quan chức năng chưa xử lý được trường hợp nào dù vi phạm diễn ra khá phổ biến. Hay như hành vi người từ đủ 14 đến đưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng trên đường bộ, chỉ bị xử phạt cảnh cáo và tạm giữ xe 10 ngày nên tính răn đe còn thấp, nhiều trường hợp biết không bị phạt tiền nên tái phạm nhiều lần, Các hành vi: không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách… chỉ bị xử phạt 100-200 ngàn đồng và theo thủ tục đơn giản nên tính răn đe thấp trong khi những hành vi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT…
Để tăng cường hiệu quả răn đe, giáo dục người vi phạm nói riêng và người tham gia giao thông nói chung, vấn đề đặt ra là cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực GTĐB cho phù hợp với thực tiễn và tăng sức răn đe. Cùng với đó là tăng cường trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho lực lượng làm nhiệm vụ TTKS. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về TTATGT, ngăn ngừa, kiềm chế tai nạn.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()