Xử phạt nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường
|
Qua điều tra, khảo sát, chúng tôi xác định có gần 100 doanh nghiệp ở KCN Hòa Xá (Nam Định) đổ trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra môi trường tự nhiên. Số lượng doanh nghiệp có trạm xử lý nước thải nội bộ chỉ đếm trên đầu ngón tay và đều là trạm xử lý ban đầu như Công ty may Young One, Công ty Bia Na Đa… Còn hầu hết các cơ sở sản xuất khác đang xả thẳng nước thải sản xuất chưa qua xử lý ra hệ thống thoát nước sẵn có trong KCN. Từ nhiều năm nay, dòng sông tiêu T3 chuyển mầu đen đặc, bốc mùi hôi thối. Mỗi khi mưa to, nước thải dềnh lên bốc mùi rất khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân sống quanh khu vực KCN. Tháng 4-2011, UBND tỉnh Nam Định công bố danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nặng buộc phải có biện pháp xử lý triệt để, trong đó có bốn doanh nghiệp ở KCN Hòa Xá là Công ty TNHH Dongyoung ST Vina, Công ty TNHH Hải Nam, Công ty TNHH Vĩnh Ký và Công ty TNHH may Garnet. Ngay tại thời điểm này, bốn doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã bị UBND tỉnh nêu đích danh cũng mới khắc phục được 50% tình trạng ô nhiễm, dù thời hạn cuối cùng quy định phải khắc phục xong trước ngày 30-6-2011. Mức độ ô nhiễm nước thải toàn KCN Hòa Xá hiện ở mức cao, vượt TCVN từ 1,33 đến 3,6 lần.
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm, một dự án xây dựng Trạm xử lý nước thải tại KCN Hòa Xá với tổng mức đầu tư 34 tỷ đồng, công suất 4,5 nghìn m3/ngày đêm được khởi công cuối năm 2008, đầu năm 2010 là thời điểm cuối cùng phải đưa công trình vào sử dụng. Nhưng đến nay đã quá thời hạn quy định gần 20 tháng mà nhà thầu thi công là Công ty cổ phần kỹ thuật Seen vẫn chưa hoàn thành.
Đến căn chòi gần cảng Tắc Cậu tỉnh Kiên Giang, chúng tôi được chị Tuyết cho biết: “Mấy hôm nay đỡ rồi vì nghe nói có mấy đoàn kiểm tra, giám sát xuống cảng làm việc, nên lượng nước thải xả ra cũng ít hơn. Dạo trước kinh khủng lắm! Nước tanh tưởi từ trong ào ào ra, gặp nước ròng không thể chịu nổi. Hôi lắm!”. Giám đốc Ban quản lý bến cảng cá (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang) Lê Hồng Khanh cho biết: Do nước thải từ các nhà máy thải ra chưa qua xử lý, cho nên chứa các chất hữu cơ cao. Nước lưu thông không được thường xuyên dẫn đến tình trạng tắc cống thoát nước. Bên cạnh đó do cao độ mặt bằng cảng thấp, khi triều cường lên cao nước chảy ngược vào miệng cống gây ra tình trạng ngập lụt cục bộ trong khu vực cảng. Đến thời điểm này, trong tổng số 18 nhà máy chế biến thủy sản nằm trong khu vực cảng, chỉ có năm nhà máy có trạm xử lý nước thải, nhưng hầu hết mang tính đối phó, ít hoạt động và nếu hoạt động chất lượng nước xử lý cũng chưa bảo đảm.
Được biết, đầu năm 2004, cảng cá Tắc Cậu chính thức đưa vào hoạt động với quy mô lớn nhất nước (32 ha), tuy nhiên ngay từ khâu quy hoạch đã có sự thiếu nhất quán. Ban đầu khu cảng cá dự kiến chỉ bố trí năm nhà máy trong phạm vi chín ha, các công trình hạ tầng cơ sở cũng được thiết kế tương ứng với quy mô này. Nhưng sau khi quy hoạch, cảng phải thực hiện chủ trương thu hút đầu tư, mở rộng với quy mô 32 ha, bố trí xây dựng 33 nhà máy. Chính điều này, các công trình hạ tầng cơ sở hiện có không đủ sức đáp ứng nhu cầu phát triển. Chẳng hạn hệ thống xử lý nước thải tập trung có công suất thiết kế 400 m3/ngày đêm, nhưng nhu cầu xử lý nước thải thực tế hơn 5.000 m3/ngày đêm.
Không chỉ có vậy, cách quản lý đối với các doanh nghiệp ở đây, nhất là về chính sách bảo vệ môi trường cũng thiếu nhất quán. Một chủ doanh nghiệp bức xúc: “Lúc cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải góp tiền để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chung cho toàn khu cảng cá, khi thanh tra đến làm việc lại đòi phạt vì doanh nghiệp không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho từng nhà máy”. Theo đồng chí Lê Hồng Khanh, năm 2007, Sở Thủy sản Kiên Giang (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trương xây dựng một khu xử lý nước thải tập trung cho cả khu vực. Các doanh nghiệp mòn mỏi chờ đợi, nhưng đến tháng 2-2010 UBND tỉnh Kiên Giang ra Công văn 409 thông báo không xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, các đơn vị sản xuất phải tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn cho riêng mình.
Từ thực tế nói trên tại hai KCN Hòa Xá (Nam Định), Tắc Cậu (Kiên Giang) và nhiều KCN khác, chúng tôi cho rằng: Sở dĩ có tình trạng nhiều KCN, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường là do cấp cơ sở làm quy hoạch KCN không thống nhất; chưa làm nghiêm việc thanh tra, kiểm tra; lực lượng thanh tra thiếu về số lượng, yếu về năng lực, thiếu phương tiện quan trắc tự động tại các nguồn thải; nhiều doanh nghiệp đầu tư làm tốt khu xử lý thải cũng không được ưu ái gì hơn doanh nghiệp không xây dựng khu xử lý chất thải.
Chúng tôi kiến nghị trong thời gian tới các cấp có thẩm quyền cần tăng cường chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết đạt tiêu chuẩn môi trường, cũng như tăng cường công tác kiểm tra sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, sau khi xác nhận bản cam kết đạt tiêu chuẩn môi trường của dự án đầu tư trong KCN.
Ban quản lý các KCN chủ trì và phối hợp chặt chẽ với sở tài nguyên và môi trường, công an các tỉnh (phòng cảnh sát môi trường) tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong KCN. Theo chúng tôi, đây là biện pháp hiệu quả nhất trong thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó cũng cần cương quyết đình chỉ hoạt động nếu doanh nghiệp để tình trạng ô nhiễm kéo dài; truy tố trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng; tăng cường hoạt động giám sát nguồn thải của các KCN; tăng cường hệ thống các trạm quan trắc liên tục, tự động tại các nguồn thải.
Cần phát huy tối đa vai trò của công cụ kinh tế trong quản lý môi trường KCN nhằm nâng cao hiệu quả cải thiện chất lượng môi trường với chi phí thấp nhất. Điều này rất quan trọng đối với nước ta trong điều kiện còn thiếu ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường.
Tạo các nguồn vốn vay ưu đãi (quỹ vay, đối tượng vay, các hình thức ưu đãi, các cơ chế đặc biệt) cho các dự án đầu tư bảo vệ môi trường trong KCN.
Ban hành khung giá dịch vụ môi trường làm cơ sở để áp dụng triển khai thống nhất trên cả nước, tránh hình thức nâng giá, ép giá doanh nghiệp và ngược lại.
Địa phương ban hành các cơ chế phạt đối với hình thức vi phạm của doanh nghiệp và thưởng đối với các sáng kiến tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường phù hợp các quy định hiện hành.
Ý kiến ()