Xử nghiêm thanh, thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông
Ảnh minh họa |
Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, thời gian gần đây, trên cả nước đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng liên quan đến thanh, thiếu niên điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi và không có Giấy phép lái xe (GPLX).
Điển hình như vụ TNGT nghiêm trọng ngày 12/3/2021 tại Hải Phòng do 2 học sinh (sinh năm 2005, chưa đủ tuổi để lái xe mô tô và chưa có GPLX mô tô) điều khiển xe gắn máy va chạm với ô tô làm 2 thiếu niên tử vong. Hay vụ TNGT ngày 11/3/2021, tại Vĩnh Phúc, do 2 học sinh (sinh năm 2004) điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, phóng với tốc độ cao đã cố tình đâm vào lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, hậu quả làm 1 chiến sĩ cảnh sát giao thông bị thương. Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Gia Lai vào tháng 2/2021 dẫn tới 4 người trên xe mô tô tử vong (người điều khiển chưa có GPLX mô tô).
Trong năm 2019 và 2020, cũng đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng do các trẻ em học sinh điều khiển xe gắn máy (bao gồm xe gắn động cơ xăng có dung tích xy lanh dưới 50cm 3và xe gắn động cơ điện) gây ra, làm nhiều trẻ em chết và bị thương.
Nhằm ngăn chặn các vụ TNGT tương tự, Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu Chủ tịch UBND kiêm trưởng Ban ATGT các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm vi phạm trật tự ATGT của người tham gia giao thông bằng môtô, xe máy, xe đạp điện.
Trong tuần tra xử lý phải chú trọng vào đối tượng là thanh, thiếu niên với các hành vi vi phạm như điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, không có GPLX phù hợp với loại xe, không đội mũ bảo hiểm và các vi phạm tương tự khác; tập trung xử lý trách nhiệm của cá nhân giao xe mô tô, xe gắn máy cho trẻ em điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có GPLX phù hợp; tăng cường cung cấp thông tin về học sinh vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT cho các cơ sở giáo dục để phối hợp giáo dục và xử lý.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục, các trường học trên địa bàn phối hợp với cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi hoặc không có GPLX phù hợp; phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn học sinh kỹ năng tham gia giao thông an toàn với xe máy điện, xe đạp điện, xe đạp.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông yêu cầu cha mẹ học sinh ký và thực hiện cam kết với nhà trường về việc bảo đảm ATGT cho con, em mình; không giao xe mô tô, xe gắn máy cho con, em mình điều khiển khi chưa đủ tuổi hoặc khi chưa có GPLX; cha, mẹ và gia đình có trách nhiệm phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn trước khi cho phép con, em mình điều khiển xe gắn máy, xe đạp điện.
Đối với các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong các nhà trường trong việc giữ gìn trật tự ATGT; đẩy mạnh Cuộc vận động “Học sinh, sinh viên với văn hoá giao thông”; thực hiện “Đã uống rượu, bia – Không lái xe”; tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giúp thanh, thiếu niên hoàn thiện các kỹ năng tham gia giao thông an toàn; cách lựa chọn và sử dụng mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng quy định; cách nhận diện và phòng tránh các tình huống có nguy cơ xảy ra TNGT.
Các cơ quan thông tấn, báo chí ở địa phương, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về trật tự ATGT liên quan đến mô tô, xe máy, xe máy điện, xe đạp điện cho thanh, thiếu niên và học sinh.
Ý kiến ()