Xử lý xe dù, bến cóc: Bài toán khó cho nhà quản lý
LSO-Nạn bến cóc, xe dù trên địa bàn thành phố đã có từ rất lâu, trong thời gian qua, các ngành chức năng đã tổ chức xử lý một số bến cóc nhưng xử lý được điểm này thì lại phình ra ở điểm khác. Do vậy, đây đang là bài toán khó cho các ngành chức năng.
LSO-Nạn bến cóc, xe dù trên địa bàn thành phố đã có từ rất lâu, trong thời gian qua, các ngành chức năng đã tổ chức xử lý một số bến cóc nhưng xử lý được điểm này thì lại phình ra ở điểm khác. Do vậy, đây đang là bài toán khó cho các ngành chức năng.
Thanh tra Sở GTVT kiểm tra phương tiện và lập biên bản xử lý xe vi phạm |
Trao đổi về vấn đề này, anh Vũ Văn Nhiên, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 1, Sở Giao thông vận tải cho biết: xe dù là những xe không có luồng, tuyến; không có sổ nhật trình xác nhận 2 đầu bến; không có phù hiệu. Theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có trên 60 xe không đăng ký bến chủ yếu chạy tuyến Hà Nội – Lạng Sơn, trong đó, 95% là xe ngoại tỉnh. Tình trạng “xe dù” trên địa bàn tương đối phổ biến song để xử lý thì rất khó vì xe dù chạy không đúng luồng, đúng tuyến, không có hành trình cụ thể và thường chạy rất sớm (từ 4 – 6 giờ sáng) trong khi lực lượng làm công tác tuần tra, kiểm soát còn mỏng không thể khép kín được địa bàn. Hơn nữa các chủ “xe dù” thường gửi xe, bắt khách tại những điểm trông giữ xe trá hình nên lực lượng chức năng rất khó phát hiện. Cùng với đó, lái xe thường xuyên liên lạc với khách bằng điện thoại và đón trả khách tại nhà nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp không ít khó khăn. Để qua mắt lực lượng chức năng, nhiều chủ xe còn chuẩn bị sẵn các bản hợp đồng du lịch khi khách lên xe, lái xe chỉ cần điền họ tên của khách để hoàn tất thủ tục. Thêm vào đó, “xe dù” trên địa bàn thành phố chủ yếu là xe của các tỉnh khác lại gửi tại các bãi trông giữ xe, vì vậy, việc phát hiện xử lý gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, một số nhà xe còn bố trí lực lượng “cò”, chuyên gom khách và những người này còn có nhiệm vụ trông chừng lực lượng chức năng, vì vậy, khi thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông có mặt thì các xe đều chấp hành tốt song khi vắng bóng lực lượng này thì tình trạng đâu lại vào đó.
Việc quản lý không chỉ khó do phương thức hoạt động tinh vi của các lái xe, chủ xe mà một phần còn do chính người dân. Chị Đinh Bích Hợp, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: từ nhà chị đến Bến xe phía Bắc khoảng hơn 2 cây số, những lúc cần ra bến thì phải có người nhà chở đi, nếu đi taxi hoặc xe ôm thì cũng mất hơn 20 nghìn tiền phí. Trong khi, chỉ cần 1 cuộc điện thoại là xe đến đón tận ngõ, vì vậy, trong nhà lúc nào cũng có vài chiếc các-vi-dít của nhà xe để khi có nhu cầu gọi cho tiện. Cùng chung suy nghĩ như chị Hợp, rất nhiều người dân trên địa bàn thành phố đã chọn cách này mỗi khi có việc cần về thủ đô. Song khi được hỏi, ít ai biết đây là những chiếc “xe dù”, hoạt động tự do, không đăng ký tại bến hay có các giấy tờ theo quy định, đa số chỉ quan tâm đến việc xe chạy đúng giờ, đón, trả khách tận nhà lại có điều hòa, máy lạnh. Rõ ràng những người chọn đi “xe dù” như vậy là lợi cả đôi đường, chủ xe có thêm khách, khách đi xe lại tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. Nhất là khi xuống đến Hà Nội, lại không phải lo lắng vì không thông thuộc đường sá trong nội thành hay sợ xe ôm chặt chém do được trả tận nơi. Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao thời gian qua, tình trạng bến cóc, xe dù vẫn còn đất sống. Theo nhiều lái xe, do bến xe xa nội thành, không thuận tiện cho người dân đi lại, hơn nữa khách thường có thói quen vẫy xe dọc đường, trong khi đăng ký vào bến lượng khách không ổn định, đến giờ quy định dù không có khách cũng phải xuất bến, vì vậy, thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã hình thành một số điểm đón khách như trên đường Phai Vệ, phường Đông Kinh; khu vực gửi xe ô tô chợ Đông Kinh; ngã tư Mỹ Sơn. Theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực đèn xanh, đèn đỏ ngã tư Mỹ Sơn, từ 7 – 8 giờ sáng đến 5 – 6 giờ chiều, hầu như thời điểm nào cũng có 1 – 2 xe gắn biển Hà Nôi – Lạng Sơn chờ, bắt khách. Không riêng điểm này, khi tham gia giao thông trên địa bàn thành phố không khó để bắt gặp những chiếc xe gắn biển Lạng Sơn – Hà Nội, Lạng Sơn – Đình Lập, Lạng Sơn – Nam Sầm… lượn lờ đón khách.
Vừa qua, khi kiểm tra tại một số điểm xe dù thường dừng đỗ để bắt khách, lực lượng thanh tra giao thông đã phát hiện nhiều phương tiện không có sổ nhật trình, đón, trả khách không đúng nơi quy định, không có các giấy tờ theo quy định. Chúng tôi đã có dịp được đi xe và mục sở thị cảnh lái xe lạng lách, đánh võng để bắt khách, phóng nhanh, vượt ẩu khi bị lực lượng chức năng phát hiện. Khi lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện, yêu cầu dừng xe và trực tiếp hỏi cảm nhận của hành khách thì nhiều người mới ngã ngửa biết mình đã vô tình tiếp tay cho nạn “xe dù”. Thiết nghĩ các ngành chức năng cần mạnh tay vào cuộc, tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý các xe vi phạm để giải quyết dứt điểm tình trạng này để lập lại trật tự và công bằng cho những lái xe, chủ xe nghiêm túc chấp hành các quy định.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()