Xử lý văn bản trái luật, ‘cài cắm’: 5 yêu cầu của Thủ tướng
Thực tiễn chỉ đạo, điều hành trong hơn nửa nhiệm kỳ vừa qua cho thấy Chính phủ, Thủ tướng không những đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, rốt ráo về vấn đề xây dựng thể chế mà còn trực tiếp xử lý nhiều vấn đề thể chế cụ thể trước những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới hiện tượng “gói ghém, ẩn náu” lợi ích cục bộ của một bộ phận cán bộ, đơn vị vào trong thủ tục hành chính, dẫn tới tình trạng xin-cho. |
Và chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, lãnh đạo Chính phủ đã liên tiếp có những chỉ đạo cụ thể như vậy.
Lắng nghe hơi thở cuộc sống để hoàn thiện thể chế
Mới nhất, trước vụ việc sàm sỡ nữ sinh tại Hà Nội, ngày 22/3, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ Công an khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp trong trường hợp các quy định pháp luật hiện hành có liên quan chưa đủ nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự.
Trước đó vài ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu kỹ các ý kiến của các tổ chức, hiệp hội về tiêu chuẩn cho nước mắm, tổ chức đối thoại tạo thống nhất, bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống.
Xa hơn nữa, sau vụ việc phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý của vụ việc và có kiến nghị cần thiết, phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong nhiều trường hợp, đích thân Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan hủy bỏ các quy định bất cập, điển hình như trong các thông tư về nhập khẩu phế liệu thời gian qua.
Đây đều là những chỉ đạo kịp thời, cho thấy tinh thần lắng nghe trước các vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm. Nhìn rộng hơn, Chính phủ, Thủ tướng đã phát động và triển khai chiến dịch cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trong năm 2018.
Việc cắt giảm này tuy chưa phải là đã loại bỏ được tất cả những gì là khó khăn, vướng mắc, nhưng đã đạt những kết quả rõ ràng: cắt giảm, đơn giản hóa đến 3.345/6.191 điều kiện kinh doanh, ước tính, tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp gần 900 tỷ đồng/năm. Cắt giảm, đơn giản hóa 30 thủ tục và 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (68,2%), ước tính tiết kiệm cho doanh nghiệp và xã hội trên 5.400 tỷ đồng/năm.
Nhìn trong tổng thể, Chính phủ, Thủ tướng luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của việc xây dựng, hoàn thiện thể chế. Bản thân nội hàm “Chính phủ kiến tạo” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh cũng cho thấy tinh thần đề cao thể chế, như phát biểu của Thủ tướng trước Quốc hội: Chính phủ kiến tạo chủ động thiết kế chính sách và pháp luật để đất nước ta phát triển, không để rơi vào thế bị động.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, chất lượng công tác xây dựng, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được nâng lên rõ rệt. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền và đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều văn bản trái pháp luật về nội dung thẩm quyền.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trước thực tiễn không ít văn bản, đề xuất chính sách gây tranh cãi, ngoài các chỉ đạo cụ thể, lãnh đạo Chính phủ đã liên tiếp nhắc nhở các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về công tác này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới hiện tượng “gói ghém, ẩn náu” lợi ích cục bộ của một bộ phận cán bộ, đơn vị vào trong thủ tục hành chính, dẫn tới tình trạng xin-cho, vì thế có dự thảo nghị định phải trả đi, trả lại nhiều lần.
Thủ tướng cũng nhắc đến tình trạng có văn bản mới ban hành đã cần sửa đổi, thậm chí văn bản được ban hành có dấu hiệu trái nội dung, trái thẩm quyền, có nội dung sai nghiêm trọng. Thủ tục hành chính còn tình trạng “cắt giấy phép mẹ, đẻ giấy phép con”, chi phí không chính thức…, thủ tục trói buộc hơn, không quản được thì trói, không quản được thì buộc.
Đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, nhưng Thủ tướng nhấn mạnh điều quan trọng là chất lượng soạn thảo văn bản. “Nếu chất lượng văn bản anh soạn thảo kém, ẩn nấp những lợi ích nhóm, hay quan liêu bao cấp, thì cái này nó mang tác dụng ngược lại”, Thủ tướng nói.
5 lưu ý của Thủ tướng Chính phủ
Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3/2019 nêu rõ: Chính phủ xác định công cuộc đổi mới, hội nhập của đất nước đang bước sang giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi Chính phủ phải tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật, trước hết là các đạo luật. Thể chế, pháp luật cần thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, xử lý kịp thời, hiệu quả, có tính bền vững cao đối với các vấn đề thực tiễn phát triển của đất nước. Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2018 cũng nhấn mạnh: Chính phủ khẳng định xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, Chính phủ đặc biệt coi trọng việc rà soát, sửa đổi các bất cập, vướng mắc tại các quy định pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch năm 2018 và các năm tiếp theo. |
Nhìn tổng quát, Thủ tướng lưu ý các bộ, cơ quan cần hết sức lưu ý 5 vấn đề trong xây dựng thể chế.
Thứ hai, các thành viên Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xem xét, cho ý kiến với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.Thứ nhất, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Thứ ba, Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp phải có cách thức hiệu quả, sâu sát và thẳng thắn hơn trong việc kiểm tra đối với các thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý văn bản có quy định trái pháp luật hoặc cài cắm bảo vệ lợi ích của ngành, địa phương, không vì lợi ích chung, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ tư, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định trái pháp luật không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ năm, từng cán bộ làm công tác thể chế, kể cả cấp chuyên viên, cấp vụ đều phải trách nhiệm, tâm huyết, tận tâm, công tâm, khách quan; tham mưu, đề xuất phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, từ đòi hỏi của cuộc sống; phải tháo gỡ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về thể chế đang gặp phải, không cài cắm lợi ích công vụ, lợi ích ngành, địa phương.
Trong đó, Thủ tướng nhắc tới vai trò hết sức quan trọng của các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ, cần sự tỉnh táo, xem xét kỹ để chống cài cắm lợi ích, tránh những nội dung không thực tiễn, không đi vào cuộc sống, có sự chồng chéo, gây phiền hà, khó khăn hơn, thủ tục trói buộc hơn…
Trên thực tế, những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ ngành đã mang lại nhiều kết quả trong hoàn thiện thể chế, nhưng đúng như Thủ tướng đã nhắc nhở, cải cách phải thường xuyên, liên tục.
Một ví dụ, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Bộ Công Thương từng được nhắc đến là bộ tiên phong trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhưng hiện nay các doanh nghiệp đang rất phàn nàn về việc thực hiện một số thủ tục kiểm tra chuyên ngành của Bộ, như trong lô hàng thì chọn cái áo tốt nhất, đắt nhất để lấy mẫu, hay đáng ra chỉ lấy đủ mẫu theo quy định thì cán bộ lại lấy nhiều hơn, vượt số mẫu cần thiết.
Cũng phải khẳng định rằng, nhìn từ một khía cạnh nào đó, những vụ việc “ồn ào” vừa qua là một tín hiệu tích cực khi quá trình xây dựng, ban hành và thực thi chính sách có sự tham gia ngày càng sâu rộng, hiệu quả hơn của người dân, doanh nghiệp và báo chí.
Ở phía các cơ quan nhà nước, quy trình xây dựng chính sách cũng đã “chặn” lại được nhiều văn bản, quy định còn gây tranh cãi như dự thảo nghị định về kinh doanh vận tải bằng ô tô được Chính phủ yêu cầu soạn thảo lại nhiều lần vì chưa đáp ứng yêu cầu… Quá trình đối thoại, cọ xát cũng đã giúp cho ra đời nhiều văn bản được đánh giá rất cao như Nghị định 15 năm 2018 – được coi như một cuộc “cách mạng” trong quản lý an toàn thực phẩm…
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, “văn bản ban hành phải vì cuộc sống”, ban hành chỉ để cho hết nợ đọng thì không có giá trị gì cả, nếu quy định không phù hợp thì ban hành ra cũng không thực hiện được.
Hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang được tiến hành sửa đổi, trong đó nhiều giải pháp đang được tính đến để nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành các văn bản. Nhưng cùng với các giải pháp pháp lý, điều hết sức quan trọng là các Bộ, cơ quan, địa phương, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các địa phương, từng cán bộ, công chức phải quán triệt tinh thần chỉ đạo, những lưu ý và trăn trở nói trên của Chính phủ, Thủ tướng.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()