Xử lý triệt để xe ô-tô hết niên hạn sử dụng
Cơ quan đăng kiểm định kỳ cập nhật biển kiểm soát (BKS) những xe quá niên hạn và không cho phép kiểm định các phương tiện này. Theo quy định, đối với ô-tô tải, niên hạn sử dụng, không quá 25 năm; ô-tô khách không quá 20 năm; xe ô-tô chuyển đổi công năng thành xe khách trước ngày 1-1-2002, niên hạn không quá 17 năm. Khi hết niên hạn, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, chủ phương tiện có trách nhiệm gửi giấy đăng ký cho cơ quan công an và không được phép tham gia giao thông. Khi lực lượng chức năng phát hiện xe “quá đát” lưu thông, chủ phương tiện sẽ bị xử phạt hành chính, đình chỉ lưu hành, tiến hành các thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký và BKS. Đáng chú ý, để tránh những thiệt hại do phương tiện không bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật gây ra, xe “quá đát” sẽ bị lập biên bản, tịch thu.
Tuy quy định là vậy, nhưng số các phương tiện hết niên hạn sử dụng vẫn được lưu hành đang có xu hướng tăng. Xe “quá đát” thay vì thanh lý, hóa giá thì chủ phương tiện lại hoán cải đưa về các vùng quê để tiếp tục sử dụng. Ngay ở một số huyện ngoại thành Hà Nội, vẫn còn tình trạng xe khách “quá đát” đưa đón học sinh đến trường. Mặc dù cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động và gửi thông báo đề nghị giao nộp giấy đăng ký phương tiện, BKS nhưng rất ít người tự nguyện giao nộp, còn hầu hết không hợp tác. Không ít trường hợp trước kỳ kiểm định cuối đã trốn tránh nghĩa vụ đăng kiểm, “tuồn” phương tiện về các vùng nông thôn, miền núi, không tiến hành các thủ tục sang nhượng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quản lý.
Các phương tiện này được đưa vào ga-ra sửa chữa, tân trang, rồi quay trở lại lưu hành, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. Đối tượng mua xe “quá đát” thường gắn BKS giả, hoạt động ở các địa bàn nông thôn, miền núi hẻo lánh, đường nội bộ, để vận chuyển hàng nông sản, vật liệu xây dựng. Thực tế, do hoàn cảnh kinh tế nhiều vùng nông thôn còn khó khăn, việc tận dụng phương tiện cũ nát là nhu cầu một bộ phận người dân, thậm chí là vật dụng góp phần trong việc phát triển kinh tế gia đình các hộ dân nghèo. Vì vậy, để cấm phương tiện “quá đát” hoạt động là vấn đề không dễ dàng đối với các lực lượng chức năng bởi hầu hết các phương tiện này đều hoạt động chui lủi ở vùng sâu, vùng xa và là tài sản lớn của các hộ dân. Nếu tiến hành thu giữ sẽ ảnh hưởng hoạt động sản xuất, dễ gây ra bức xúc trong nhân dân.
Để ngăn chặn, xử lý triệt để xe “quá đát” hoạt động, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về việc xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định. Theo đó, yêu cầu các bộ: Giao thông vận tải, Công an, Thông tin và Truyền thông cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu, cùng với đó, tiến hành tuần tra, xử lý phương tiện theo đúng quy định. Lực lượng chức năng cần rà soát, thống kê danh sách những xe “quá đát” trên địa bàn để trong quá trình làm nhiệm vụ chủ động phát hiện, xử lý. Bên cạnh đó, tăng cường công tác nghiệp vụ, điều tra cơ bản, nắm tình hình các tuyến đường, địa bàn có nhiều phương tiện hết niên hạn hoạt động để bố trí lực lượng kiểm tra. UBND các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng có phương án cụ thể xử lý theo đúng quy định; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, cơ chế chính sách cho người dân, doanh nghiệp chủ động thông báo, giao nộp phương tiện hết niên hạn,…
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định tham gia giao thông gây tai nạn.
Ý kiến ()